40 năm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS): Bản hiến pháp toàn cầu về biển và đại dương

M.H Thứ năm, ngày 08/12/2022 16:17 PM (GMT+7)
Qua 40 năm, Công ước Luật Biển không chỉ đảm đương tốt vai trò Hiến pháp, Điều ước quốc tế mẹ về biển, mà còn là một văn kiện sống, thực sự đóng góp vào việc hình thành và bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, hợp tác quốc tế trên biển.
Bình luận 0

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 (10/12/1982). 

Thay thế hỗn loạn và xung đột bằng trật tự và hòa bình

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, trải qua 40 năm phát triển, đến nay, với 168 quốc gia thành viên, UNCLOS đã thực sự trở thành văn kiện pháp lý quan trọng hàng đầu chỉ sau Hiến chương Liên Hợp Quốc. Sự ra đời của UNCLOS đã hình thành nên một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong việc sử dụng biển, quản lý, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển.

UNCLOS là căn cứ pháp lý quốc tế toàn diện để xác định các vùng biển, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Đồng thời, UNCLOS cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan tới giải thích và áp dụng UNCLOS.

40 năm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS): Bản hiến pháp toàn cầu về biển và đại dương - Ảnh 1.

Các đại biểu dự hội thảo nhất trí rằng UNCLOS đã góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác quốc tế trên biển. Ảnh: M.H.

Chia sẻ về giá trị của UNCLOS với Châu Á và thế giới, trong bài phát biểu trực tuyến tại hội thảo, Đại sứ Tommy Koh, Giáo sư Luật tại Đại học Quốc gia Singapore, cựu Chủ tịch Hội nghị HQ về Luật biển lần thứ ba, nhấn mạnh rằng UNCLOS 1982 có 168 quốc gia thành viên, được công nhận toàn cầu là bản Hiến pháp của các đại dương.

"Công ước được công nhận phản ánh tập quán quốc tế và ràng buộc tất cả các quốc gia. Chúng ta phải gạt bỏ mưu toan của một số ít quốc gia muốn hạ thấp tầm quan trọng của Công ước" - Đại sứ Tommy Koh.

Nhắc đến các vấn đề thời sự quan trọng với các quốc gia ven biển Đông, Đại sứ Koh nói rằng Biển Đông được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. "Đây là khuôn khổ pháp lý theo đó Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang được đàm phán. COC phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS".

Đại sứ Koh nhấn mạnh: UNCLOS đã vượt qua thử thách thời gian. Công ước đã thay hỗn loạn và xung đột bằng hòa bình và trật tự. Công ước đã thúc đẩy pháp quyền, củng cố tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đồng thời UNCLOS là một văn kiện sống, có khả năng thích ứng với những phát triển mới.

Việt Nam tham gia UNCLOS

Việt Nam là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3200km, với diện tích vùng biển thuộc quyền chủ quyền và tài phán của mình rộng gần gấp 3 lãnh thổ đất liền, cùng với khoảng 3000 hòn đảo ven bờ, 2 quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Biển giữ vai trò vô cùng quan trọng về kinh tế cũng như an ninh quốc phòng với đất nước.

Ngay sau khi nước Việt Nam thống nhất trở thành thành viên LHQ, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình đàm phán UNCLOS  và là 107 quốc gia ký Công ước ngày 10/12/1982.

Việt Nam lần đầu tiên đàm phán UNCLOS  vào tháng 5/1977 tại Hội nghị Luật Biển thứ 3 của LHQ. Là người tham dự hội nghị này, Đại sứ Nguyễn Quý Bình cho biết: Mặc dù đất nước vừa thống nhất, vẫn còn nhiều khó khăn, tư liệu về biển ít, song nhà nước đã rất coi trọng công tác biên giới lãnh thổ. Trong đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là người có công đầu về hoạch định chính sách chiến lược quốc gia về biển cũng như biên giới lãnh thổ.

Điểm lại quá trình tham gia của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Quý Bình cho biết: Ngay từ 12/5/1977, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của việt Nam", tạo cơ sở để khẳng định rõ lập trường tại hội nghị và trong đàm phán phân định biển với các nước láng giềng trong giai đoạn sau này.

Công ước Luật Biển 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quốc tế vũng chắc, quan trọng để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển.

Công ước cũng là công cụ phục vụ cho việc đàm phán phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam với các nước láng giềng (Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc) và hóp phần tạo dựng môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực Biển Đông.

Này 23/6/1994, Việt Nam là quốc gia thứ 63 phê chuẩn Công ước, trước khi Công ước có hiệu lực vào tháng 12/1994. Nghị quyết phe chuẩn của Quốc hội khẳng định, bằng việc phê chuẩn, Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích phát triển và hợp tác trên biển.

Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong nước để cụ thể hóa các quy định của UNCLOS trong nhiều lĩnh vực như biên giới lãnh thổ, hàng hải, thủy sản, dầu khí, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bao gồm cả việc ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012. 

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, cho rằng UNCLOS là công cụ pháp lý hữu hiệu để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Công ước đưa ra các quy định xác định và phân định các vùng biển, tạo thuận lợi cho giải quyết các tranh chấp biển bằng biện pháp hòa bình.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh: "Trung thành với các quy định của Công ước, Việt Nam là nước thành công nhất trong khu vực Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp biển với các công cụ đa dạng nhất, từ phân định tới các dàn xếp tạm thời. Trong quá trình thực thi Công ước, Việt Nam đã có những đóng góp sáng tạo, góp phần hoàn thiện các quy định của Công ước về phân định biển".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem