Ông Hoàng Nam Tiến - tác giả của cuốn sách "Thư cho em" (Ảnh:BTC)
Cuốn sách "Thư cho em" gồm 4 phần: Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!, Hương gây mùi nhớ, Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ, Về đây bên nhau tương ứng các mốc thời gian từ khi vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan nên duyên cho đến khi phải xa cách vì chiến tranh, cuối cùng là cuộc sống tuổi già bên nhau.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã dành nhiều lời khen ngợi tới cuốn sách: "Đây là một tác phẩm rất công phu và thành công. Cuốn sách đã khắc họa rõ nét thiên tình sử của người cán bộ cách mạng trong giai đoạn 1950. Tướng Hoàng Đan luôn được nhiều người biết đến là một vị tướng có tài năng, trí võ song toàn và nổi tiếng trong quân đội. Nhưng qua những câu văn, dòng thư trong sách, tôi cũng như độc giả có thể thấy được một vị tướng rất khác, một người có tâm hồn lãng mạn và có một tình yêu đẹp với vợ của mình là bà Nguyễn Thị An Vinh.
Không chỉ vậy, cuốn sách này truyền đến thế hệ trẻ thông điệp rằng, trong quân đội Việt Nam đã từng có nhiều chàng trai xa người yêu, xa gia đình vì khói lửa chiến tranh. Những lá thư chất chứa tình cảm là niềm vui, động lực cổ vũ họ để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc".
Ảnh từ trái sang: Biên tập sách Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, tác giả Hoàng Nam Tiến, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu trong buổi ra mắt sách (Ảnh: BTC)
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Nam Tiến - tác giả của "Thư cho em" cũng là con trai của Thiếu tướng Hoàng Đan.
Thưa ông, tại sao ông lại lấy tên cuốn sách là "Thư cho em" thay vì những tên gọi khác như: Thư gửi em; Thư đến em...?
- Lúc đầu, tên đầy đủ của cuốn sách là "Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ". Cái tên này được trích dẫn nguyên câu từ trong những bức thư ba tôi gửi đến mẹ. Nhưng sau đấy, tôi thấy rằng, mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là muốn tái hiện lại chuyện tình của ba mẹ, nên nếu dùng từ "súng","đạn" có vẻ sẽ không hay cho lắm. Vậy nên, tôi đã xin ý kiến của người thân, bạn bè trong việc đặt lại tên sách. Trong quá trình đó, tôi đã nhận được 30 cái tên khác nhau và bạn học cùng trường của tôi là Nguyễn Thị Mỹ Linh đã gợi ý cái tên "Thư cho em’’ - cái tên giản dị giống như tình yêu của ba mẹ tôi vậy. Nhiều bạn có hỏi sao không đặt tên là "Thư gửi em", ngày xưa không có quà cáp như bây giờ, vậy nên dùng từ gửi sẽ không đúng.
Ông có cảm nhận như thế nào khi đọc những bức thư của ba mẹ mình?
- Tôi đọc những bức thư của ba mẹ tôi khi mẹ tôi đã mất. Tôi nhận ra được một điều rằng, hóa ra ba mẹ mình cũng không có gì đặc biệt. Tình yêu của ba mẹ tôi, một người lính, một người cán bộ cách mạng là một tình yêu chung của cả một thế hệ. Nhưng tôi thấy ở Việt Nam, sách cũng như tiểu thuyết, ít người nói đến những tình cảm như vậy. Có lẽ, thế hệ ngày hôm nay, kể cả các cô chú đều ngại nói về tình yêu có tính lý tưởng ngày xưa.
Mở đầu cuốn sách là tựa đề "Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!". Điều mà ông tâm đắc, xúc động nhất khi nhớ về chuyện tình của ba mẹ mình trong giai đoạn này là gì?
- Khi đọc những lá thư ba tôi gửi mẹ trước khi đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã ấn tượng sâu sắc bởi sự lạc quan trong từng câu chữ. Trong thư, ba tôi có nói rằng: "Thắng trận này anh về cưới em". Bất kì ai cũng biết rằng, một người lính khi đi ra trận không thể biết được lúc nào mình sẽ thương tật, hy sinh... nhưng ba tôi đã giữ một niềm tin kỳ lạ rằng ông sẽ chiến thắng khải hoàn trở về để lấy mẹ tôi làm vợ. Điều đó làm tôi rất xúc động, câu nói đó có thể vừa là lời hứa với mẹ tôi nhưng cũng có thể là hứa với chính bản thân ông.
400 bức thư tay thể hiện chuyện tình của tướng Hoàng Đan và vợ đã được tái hiện lại trong cuốn sách "Thư cho em"
Nếu đọc hết cuốn sách sẽ bắt gặp rất nhiều chi tiết thú vị và xúc động về chuyện tình yêu thời chiến và thời bình. Câu chuyện nào trong thư khiến ông liên tưởng đến đời thực khi chứng kiến tình yêu của ba mẹ?
- Ba mẹ tôi là một cặp đôi đặc biệt. Ba tôi đã đạp xe 1.300km trong đêm để gặp và xin cưới mẹ tôi nhưng mẹ tôi đã từ chối. Mẹ tôi đã nói rằng:" Bây giờ em lấy anh, em lại sinh con, sẽ về quê nuôi bố chồng. Em sẵn sàng làm điều đấy nhưng em không muốn thế". Mẹ tôi đã đi ở từ năm 8 tuổi và mẹ tôi muốn thay đổi câu chuyện đấy. Khi nghe mẹ tôi nói vậy, ba tôi đã hứa cưới nhưng không làm gì cả. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, vào năm 1954, ba tôi 26 tuổi, vô cùng hoành tráng, khỏe mạnh, sắp được phong quân hàm Trung tá.
Sau đấy tôi mới biết được rằng, 3 đêm tân hôn, ba tôi không ngủ một phút nào cả mà chỉ cầm tay mẹ tôi nói chuyện. Mẹ tôi thì có ngủ một vài ba tiếng. Và ba tôi đã giữ được lời cam kết ấy cho đến năm 1958. Lúc đấy mẹ tôi được Chính phủ hợp lý hóa cho chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội thì anh tôi mới ra đời. Đấy là một điều rất nhỏ nhưng làm tôi rất ấn tượng
Điều thứ 2 tôi muốn kể là mẹ tôi trưởng thành vô cùng khó khăn nên mẹ tôi khá khắt khe với bản thân mình cũng như với con cái. Anh chị tôi được lớn lên trong giáo dục vô cùng khắt khe. Ba tôi đã viết thư cho mẹ tôi như thế này:"Em có quan tâm tới các con không? Em có trìu mến với các con không?". Và ba tôi nhắc mẹ tôi phải thay đổi. Lúc đấy ba tôi đã kể cho mẹ tôi một câu chuyện, khi đọc được tôi đã giật mình.
Năm 1962, ba tôi kể về một công trình nghiên cứu tâm lý học tại Mỹ. Tôi ngạc nhiên tại sao ông đọc được vì thời ấy không như bây giờ, không có Internet. Có thể nhiều bạn trẻ bây giờ cũng sẽ chưa bao giờ đọc những tác phẩm như vậy. Ông nói rằng, một con khỉ con bị mất mẹ và người ta đã đưa nó vào một cái phòng có hai con khỉ bông và con khỉ bằng gỗ. Con khỉ con ấy chỉ ôm con khỉ được làm bằng bông thôi. Ý ba tôi là ngay cả con khỉ cũng muốn những điều ấm áp, mềm mại. Từ đấy, mẹ tôi đã thay đổi. Khi mang thai tôi, mẹ tôi đã bắt đầu xoa bụng để nói chuyện với tôi. Đến khi tôi ra đời, mẹ tôi thường xuyên xoa bóp chân cho tôi. Thay vì đọc truyện mẹ tôi kể cho tôi nghe "Truyện Kiều".
Trong cuốn "Thư cho em" đã tái hiện một Thiếu tướng Hoàng Đan lãng mạn và yêu vợ. Là một người con ông có nhận định như nào về cha mình?
- Đối với tôi, ba là một người yêu con theo cách khác biệt. Trong trí nhớ của tôi, ông ít khi bế, xoa đầu và cưng chiều tôi. Nhưng đó là cách thể hiện tình yêu của ông. Ba tôi luôn mong muốn, các con mình sẽ tự lập và trưởng thành. Giống như mẹ tôi, ba sẽ không bao giờ quan tâm con cái làm chức vụ gì, kiếm được bao nhiêu tiền. Bởi với ông, con cái được hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất.
Ông đã dành hơn 730 ngày nghiền ngẫm 400 bức thư tay của ba mẹ mình để xuất bản cuốn sách "Thư gửi em" và ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông muốn gửi gắm điều gì đến bạn đọc qua những việc mình làm?
- Một bạn trẻ đọc cuốn sách này và gửi cho tôi một tin nhắn là:" Bác ơi con đọc cuốn sách này và con tin tình yêu là có thật". Khi tôi đọc những bức thư của ba mẹ tôi, tôi cũng nghĩ như vậy. Đọc những bức thư của họ, không chỉ tôi mà vợ tôi cũng nhận ra rằng, chúng tôi cũng từng yêu nhau như thế mà tại sao bây giờ lại suốt ngày cãi vã, giận hờn không nhìn mặt nhau.
Có những người 70, 80 tuổi còn định bỏ nhau. Nhưng khi đọc xong cuốn sách này chúng tôi tin rằng, chúng tôi là những thế hệ sai thì sẽ cố gắng sửa, cả hai sẽ cùng sửa. Chứ không giống với nhiều bạn trẻ bây giờ, cứ thấy hỏng là bỏ đi. Điều tôi muốn là qua cuốn sách này, người già hay người trẻ có thêm niềm tin và sự tích cực vào tình yêu.
Sau 15 ngày xuất bản, cuốn "Thư cho em" đã bán được 3500 quyển, ông có ngạc nhiên khi chuyện tình của ba mẹ mình lại được nhiều người đón nhận đến vậy?
- Khi nghe đến con số này, tôi đã rất ngạc nhiên. Vì ban đầu, tôi viết sách chỉ đơn giản muốn viết lại chuyện tình của ba mẹ mình. Tôi không nghĩ sẽ được nhiều người đón nhận đến thế, đặc biệt số lượng các bạn trẻ ủng hộ cuốn sách này khá là nhiều. Nhưng thông qua đó, có thể thấy được rằng, sâu thẳm trong mỗi người đều mong muốn có một tình yêu đẹp, một ai đó để dựa vào.
Cảm ơn vì những chia sẻ của ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.