Vào mùa mận, mỗi năm có đến hàng vài nghìn tấn mận Trung Quốc được nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai về Việt Nam. Song, các loại mận Trung Quốc này lại luôn xuất hiện dưới mác “mận Sapa” hay “mận Việt Nam”. Vậy, làm thế nào để phân biệt được mận Trung Quốc với mận Việt Nam?
Mận hậu, mận tam hoa đặc sản chỉ có ở Việt Nam.
Mận tam toa, mận hậu: Độc quyền của Việt Nam
Theo bà Nguyễn Thị Vân – người đã có 20 năm kinh nghiệm buôn bán hoa quả và là một đầu mối chuyên xuất buôn các loại mận ta, mận Tàu ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), có đến cả chục loại mận được bán tại chợ đầu mối rồi phân phối đến những chợ bán lẻ hay hàng rong để bán trên các tuyến đường.
Tuy nhiên, nếu không thích mua các loại quả của Trung Quốc thì người dân có thể yên tâm mua các loại mận tam hoa hay mận hậu. Bởi, hai loại mận này là hàng độc quyền của Việt Nam, hiện mới chỉ có ở Việt Nam trồng được, còn những nước khác chưa có.
Mận đen của Việt Nam quả nhỏ tương đương với quả mận tam hoa.
Bà Vân cho biết, mận tam hoa và mận hậu được trồng chủ yếu ở vùng Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai). Hai loại mận này khi chín bên ngoài nhìn vỏ mận sẽ có những nốt lấm tấm màu trắng xen lẫn màu đỏ. Cắn đôi quả mận ra sẽ thấy bên trong có màu tím đỏ thẫm. Ăn giòn, quả chín có vị ngọt pha lẫn với chua mát.
Mận đầu mùa giá bán lẻ ở mức 150.000 - 200.000 đồng/kg, giữa mùa giá chỉ từ 25.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại, đến cuối mùa giá mận sẽ nhích tăng lên thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg nữa so với thời điểm giữa mùa.
Mận đen “khủng” chỉ có ở Trung Quốc
Bà Vân cũng cho biết, vào thời điểm tháng 8, tháng 9 hàng năm, trên thị trường sẽ xuất hiện loại mận đen tím bầm, quả to bằng nắm tay người (quả to gấp 3 - 4 lần quả mận tam hoa), bên trong thịt mận có màu vàng, mọng nước, ăn mềm và có vị ngọt. Loại này thường được dân bán hoa quả dạo trên các tuyến đường quảng cáo là mận Sapa. Nhưng, thực chất, loại mận này được nhập từ Trung Quốc.
Mận đen khủng, quả to bằng nắm tay người là mận Trung Quốc 100%.
Theo bà Vân, ở Việt Nam cũng có loại mận đen nhưng quả chỉ nhỏ tương đương mận tam hoa, sản lượng cũng không có nhiều.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cũng khẳng định, ở Lào Cai có loại mận đen nhưng quả nhỏ, mận hết mùa vào tầm tháng 7.
Mận cơm Trung Quốc dễ gắn mác thành mận Việt Nam
Sau mùa mận tam hoa, mận cơm đường sẽ phủ sóng khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội. Giá của loại mận cơm đường này ở mức 25.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại to nhỏ.
Loại mận này có đặc điểm vỏ xanh, quả chín vỏ sẽ màu hơi vàng, thỉnh thoảng có điểm quả mận đỏ, ăn giòn, ngọt, lúc cắn đôi quả mận, hạt sẽ tách rời luôn ra nên được rất nhiều người chuộng mua.
Mận cơm của Việt Nam xuất hiện sớm, trước cả thời điểm mận tam hoa vào vụ thu hoạch.
Trên thị trường người bán vẫn quảng cáo loại mận cơm đường này là mận cơm Việt Nam. Tuy nhiên, mận cơm ở Việt Nam thường có vào thời điểm đầu mùa, trước cả mua mận tam hoa. Được trồng chủ yếu ở vùng Lạng Sơn. Mận ăn có vị chua, chát, giòn. Trong khi đó, mận cơm đường của Trung Quốc lại có sau thời điểm mận tam hoa kết thúc (bắt đầu từ khoảng tháng 6 hàng năm).
Bà Vân cũng cho biết thêm, dân buôn cũng hay đánh đồng loại mận cơm đường Trung Quốc với mận Tả Hoàng Y ở Bắc Hà (Loài Cai). Tuy nhiên, mận Tả Hoàng Y là loại mận khá nổi tiếng vì độ ngon, giòn, ngọt của nó. So với loại mận cơm đường của Trung Quốc, quả mận Tả Hoàng Y to gấp 1,5 lần, thậm chí to hơn cả mận tam hoa. Người mua có thể nhìn vào kích cỡ để phân biệt được loại mận này với mận cơm đường Trung Quốc.
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn) và vùng VIII (Lào Cai), tính từ đầu mùa mận đến cuối mùa mận năm 2015, mận Trung Quốc được nhập về Việt Nam với số lượng 4.206 tấn mận các loại. Trong đó, mận Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Lào Cai là chủ yếu với số lượng khoảng 3.668 tấn./.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.