40.000 tỷ đồng đầu tư nước sạch, vệ sinh nông thôn

Đình Thắng Thứ bảy, ngày 28/11/2015 08:16 AM (GMT+7)
Đó là con số đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động của các nhà tài trợ hòa đồng ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) giai đoạn 2012 - 2015, tổ chức ngày 27.11 tại Hà Nội.
Bình luận 0

86% dân số nông thôn được dùng nước sạch

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT giai đoạn 2012 - 2015, đến nay đã có 86% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch; 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 45% hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% trường học và trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện chương trình đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn tín dụng ưu đãi và viện trợ quốc tế.

img

Người dân dùng nước giếng khoan tại xã biển Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), địa phương từng nổi tiếng về ô nhiễm môi trường. Ảnh: L.H.T

Đánh giá những kết quả nổi bật của chương trình này, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: “Chương trình đã thay đổi nhận thức và hành vi của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, qua đó góp phần cải thiện môi trường nông thôn, đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực và huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội”.

“Một trong những kết quả nhìn thấy rõ và cần khuyến khích trong việc cung cấp và quản lý các công trình nước sạch nông thôn là sự tham gia và hoạt động rất hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Nguồn lực từ đối tượng này rất lớn, nếu có các chính sách khuyến khích hợp lý, minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn lớn từ DNTN đầu tư vào nước sạch nông thôn” - PGS-TS Đoàn Thế Lợi – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi đánh giá.

Xã hội hóa, khuyến khích tư nhân tham gia

Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT đã kết thúc và từ năm 2016 – 2020, chương trình NS-VSMTNT sẽ hòa chung vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.  

Việc thu hút khối tư nhân tham gia đầu tư công trình nước sạch đã được nhiều địa phương thực hiện tốt, điển hình là Hà Nam, Thái Bình, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… Theo Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam, tỉnh này đã mạnh dạn thực hiện chính sách xã hội hóa, huy động DNTN tham gia đầu tư, lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng nông thôn. Khi tham gia, các DN sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi như được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư của dự án, được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách, được miễn tiền sử dụng đất…

Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành (Hà Nam) cho biết: “Được sự hỗ trợ khuyến khích của UBND tỉnh Hà Nam,  chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch liên xã Nguyên Lý – Đức Lý (huyện Lý Nhân), với tổng vốn đầu tư là 63 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 38 tỷ đồng. Công trình này đã đem nước sạch đến cho 5.500 hộ dân của 34 thôn”.

Nhiều DN chia sẻ sự khích lệ và những chính sách hỗ trợ của địa phương đã tạo động lực lớn để họ tham gia vào đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ nhân dân vùng nông thôn. Ông Lê Thanh Phong – Giám đốc một DNTN quản lý 12 trạm cấp nước nông thôn cung cấp nước sạch cho trên 6.000 hộ dân của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho rằng: “Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa, hạn chế các thủ tục rườm rà không cần thiết như lập báo cáo, thẩm định hồ sơ thiết kế, đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi… để khuyến khích DN xây dựng thêm nhiều công trình nước sạch”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem