Tất bật như... lao động nông thôn

Minh Nguyệt - Trần Phượng Thứ sáu, ngày 01/05/2015 00:05 AM (GMT+7)
“Ngày 30.4, 1.5, cả nước nghỉ lễ rầm rập đi chơi còn chúng tôi vẫn đầu tắt mặt tối không dám nghỉ vì làm công nhật, nghỉ là không có lương, thậm chí mất việc”- đó là chia sẻ của nhiều lao động (LĐ) tự do với PV NTNN trước thềm nghỉ lễ 30.4-1.5 năm nay. Với họ, dù đã có chính sách hỗ trợ nhưng ước mơ về một tương lai có thể được hưởng lương hưu và ngày nghỉ lễ vẫn còn xa vời. 
Bình luận 0

Không dám mơ được nghỉ lễ

Tới làng bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào sáng sớm một ngày giữa tháng 4, thời gian cao điểm về sản xuất bún của cả làng. Trong căn phòng 20m2, bà Nguyễn Thị Nga (tổ 2, Phú Đô) đang tất bật đảo bột, cho ra lò những mẻ bún trắng tinh, thơm mùi gạo mới.

img
Càng ngày nghỉ lễ, cơ sở của bà Nguyễn Thị Nga ở làng bún Phú Đô càng phải tăng công suất phục vụ.   Minh Nguyệt

Vừa làm việc vừa trò chuyện, bà Nga cho hay mỗi ngày nhà bà xuất xưởng khoảng 2 tạ bún. Tuy số lượng không nhiều nhưng hai vợ chồng 3 đứa con phải làm cật lực mới xong. Nghề làm bún mang lại thu nhập chính cho gia đình, dù thu nhập cũng chỉ dừng ở mức trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.

“Nghề này có làm mới có ăn, không làm thì nhịn luôn. Làm cật lực vậy mà mỗi tháng trừ chi tiêu ăn uống, vợ chồng tôi tiết kiệm cũng chẳng được là bao. Lúc bình thường không sao, con cái ốm đau là hết sạch” – bà Nga tâm sự.

Do tính chất làm nghề dịch vụ, nên gia đình bà phải làm lụng quanh năm, hầu như chẳng có ngày nghỉ ngơi. Họa hoằn lắm, lúc vợ chồng ốm đau thì mới nghỉ, thuê người khác làm.

Nói về ước mơ có ngày nghỉ lễ và lương hưu, bà Nga cười, chia sẻ: “Nghỉ lễ và lương hưu thì ai chẳng muốn, chúng tôi mơ nhiều lắm ấy chứ nhưng có được đâu. Giờ nghỉ chỉ dành cho công nhân viên chức chứ người làm dịch vụ như chúng tôi thì nghỉ sao được. Còn lương hưu thì người ta đi làm có lương, được đóng BHXH, chúng tôi thì vừa làm lính, vừa làm chủ nên chẳng dám mơ đến về già nhận lương hưu đâu”.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Yến và chị Ngô Thị Phương (tổ 4, Phú Đô) cũng có truyền thống lâu đời làm bún. Trong căn nhà 4 tầng phía cuối, gia đình anh chị đang tất bật chuẩn bị cho mẻ bún sáng, trong tiếng quay rộn rã của máy đánh bột.

Chị Phương cho biết, vì là làm nghề dịch vụ, tự do nên thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ chứ không cần ai cho phép. Có điều, có muốn nghỉ lễ cũng không được bởi ngày đó, nhu cầu khách hàng sử dụng bún tăng cao, phải làm nhiều hơn bình thường.

“Thu nhập từ nghề bún không đáng bao nhiêu, chỉ đủ lo chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình. Có chút tích lũy thì gửi ngân hàng, chứ vợ chồng tôi cũng không tham gia bảo hiểm gì hết. Cũng muốn đóng BHXH để sau này về già có lương hưu, nhưng thu nhập không ổn định, tháng dư tháng không nên không tham gia được” – chị Phương giãi bày.

Cách đó không xa, LĐ làng nghề ở xã Quảng Phú Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) cũng chung ước mơ về nghỉ lễ và lương hưu.

Chị Trần Thị Lan (53 tuổi, thôn Tảo Dương) tâm sự: “Từ trước đến nay hai vợ chồng đều làm nông nghiệp, lúc rảnh rỗi thì đi làm nghề se tăm hương kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi làm công nhật, không có hợp đồng lao động nên làm buổi nào hưởng buổi đó, không làm không có công. Thế nên, giấc mơ nghỉ lễ và lương hưu là xa với với chúng tôi lắm”.

Chị Lan cho biết thêm, thường thì chỉ ngày tết nhất thì chủ mới cho quà, sắp xếp để bà con nghỉ. “Còn ngày lễ 2.9, hay 30.4 hay1.5, chúng tôi vẫn làm như bình thường. Nhiều khi có con cái đi học xa về nhà, muốn sum họp cũng không được bởi xưởng đang có đơn đặt hàng, phải làm cho kịp tiến độ”- chị Lan nói.

Nghỉ lễ: Coi chừng mất việc

Quan điểm

Ông Bùi Văn Phương- Giám đốc BHXH huyện An Dương, Hải Phòng
 Theo Luật BHXH hiện hành, LĐ ký hợp đồng từ 1-3 tháng, chủ sử dụng LĐ đã phải đóng BHXH, BHYT cho người LĐ nhưng thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn lách luật, hiểu biết về bảo hiểm của người LĐ còn hạn chế nên quyền lợi, chế độ chưa được đảm bảo. Một số người lo lắng cho tương lai thì tự mua BHXH tự nguyện nhưng số này rất ít. Hiện, đơn vị bảo hiểm huyện có khoảng 500 người tham gia BHXH tự nguyện để khi về hưu có lương”. 
Đó là nỗi lo của khá nhiều LĐ làng nghề. Anh Nguyễn Văn Hồng, trú tại xã Đồng Thái (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) chia sẻ, anh gắn bó với ngành nghề sơn sửa ô tô gần chục năm. Quá trình đó, anh bôn ba làm việc ở các mọi loại hình như doanh nhiệp, tư nhân, trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa ô tô của quân đội cũng có.

Tuy nhiên, ở loại hình nào anh cũng đều không có hợp đồng lao động. “Thực tế hầu hết anh em vào các xưởng làm thì đều làm công nhân tự do hoặc đứng nhận khoán.

Từ trước tới nay, việc ký hợp đồng lao động hay đóng BHXH, BHYT theo chế độ đối với anh em là hoàn toàn xa lạ. Đối với thợ đứng xưởng chủ yếu khi xin việc họ chỉ quan tâm tới mức lương mình được hưởng có thỏa đáng hay không mà thôi. Vì thế, chủ với LĐ không có ràng buộc gì”- anh Hồng chia sẻ.

Năm 2012, anh Hồng đầu quân cho xưởng quân đội. Tại nơi làm việc mới này anh không có ngày nghỉ lễ. Do nhận làm khoán mảng sơn ô tô nên dù có vào ngày nghỉ chủ xưởng yêu cầu làm anh vẫn phải phục vụ khách là chuyện bình thường. “Nếu làm mất lòng chủ xưởng, mất mối khách hàng thì mình lại dễ bị “bật bãi” khỏi xưởng nên tôi và nhóm thợ nhận khoán cố gắng duy trì công việc. Có những lần tôi thương thợ, cho thợ nghỉ lễ, một mình tôi phải nai lưng ra hoàn thiện công việc”- anh Hồng cho biết.

Cùng cảnh như anh Hồng anh Nguyễn Đức Phương, trú tại Kiến An, Hải Phòng chia sẻ: Anh đã 40 tuổi, làm tại trung tâm sửa chữa ô tô trên địa bàn gần 5 năm nhưng anh cũng không có hợp đồng LĐ, không có BHXH, BHYT và cũng rất ít khi được nghỉ. Chỉ khi nào làm việc quá tải, anh xin nghỉ 1-2 buổi. Ngày lễ cũng vẫn làm việc bình thường. Thấy sức khỏe của anh có phần giảm sút, gia đình anh tự chủ động mua BHYT tự nguyện để “đề phòng”. “Tôi làm ngày nào biết ngày đó thôi, đâu có mơ tới lương hưu sau này”- anh chia sẻ.

Hiện tại, Hải Phòng rất nhiều xưởng sửa chữa ô tô. Chủ xưởng chủ yếu tìm những lao động ở vùng sâu, xa với đặc thù họ chịu khó, mức lương vừa phải. Có xưởng nuôi tới hàng chục thợ nhưng ít có xưởng nào duy trì ổn định được về số lượng thợ cố định vì hầu hết đều không có chế độ đãi ngộ với người LĐ. Cũng theo tìm hiểu của PV NTNN, tại Công ty TNHH Xây dựng Đình Tuấn trên địa bàn huyện An Dương có 12 LĐ phổ thông. Hầu hết số này đều không được chủ LĐ đóng BHXH dù có hợp đồng lao động ngắn hạn. Chỉ có LĐ chủ chốt như kế toán mới được công ty đóng BHXH cho vì LĐ này ít có sự thay đổi, gắn bó không hay nghỉ ngang như LĐ tự do, phổ thông.

Lao động chưa biết quyền lợi của mình

Theo bà Phạm Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô, nghề bún truyền thống ở đây được duy trì gần 200 năm nay. Toàn phường có 210 cơ sở sản xuất, hơn 260 cơ  sở kinh doanh bún. Tính chung có gần 500 hộ sản xuất, kinh doanh nghề bún (gần 59% dân số trong phường sống bằng nghề). Tổng sản lượng bún phường tiêu thụ đạt 80 tấn/ngày.

Nói về vấn đề an sinh xã hội cho LĐ làng nghề, bà Thư thừa nhận: “Lâu nay, chính quyền và câu lạc bộ nghề bún của  phường mới chỉ chú trọng vào việc tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất, thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chứ những vấn đề khác như đóng BHXH, hay thực hiện thời gian nghỉ ngơi làm việc khoa học thì chúng tôi chưa triển khai được”.

Cũng theo bà Thư, hiện nay trong phường cũng có một số hộ tham gia BHXH tự nguyện, hoặc các loại hình bảo hiểm khác, con số là không nhiều. Tuy nhiên đa số họ đều tham gia đóng trực tiếp tại cơ quan BHXH, nên phòng lao động và UNND phường không  biết.

Lý giải về sự “kém nhiệt tình” của bà con với loại hình BHXH tự nguyện, bà Thư cho rằng, cái quan trọng là người dân chưa nhận thức được quyền lợi của mình khi tham gia BHXH. Họ sợ đóng tiền vào đó sau này không lấy ra được, rồi chắc gì đồng lương hưu đã đảm bảo cuộc sống.

“Cái khó của LĐ ở các làng nghề là hoạt động mang tính  dịch vụ, càng vào ngày nghỉ lễ, nghỉ tết thì nhu cầu sử  dụng bún lại càng tăng cao. Chính vì vậy, chỉ có chuyện tăng sản lượng, tăng thời gian làm việc chứ không thể nghỉ lễ được” – bà Thư nói thêm. 

Minh Nguyệt 
Cần nhiều hỗ trợ để nông dân có lương hưu 

Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho những lao động (LĐ) tự do, LĐ nông lâm, ngư nghiệp được đề cập từ khá lâu, tuy nhiên đến nay câu chuyện làm thế nào để LĐ khối này có lương hưu, tự “thưởng” cho mình những ngày nghỉ lễ vẫn đang là vấn đề nan giải. 

Trao đổi với NTNN, bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: Về việc thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, giúp LĐ khối phi kết cấu có lương hưu thì chúng ta mới chỉ thực hiện từ năm 2008. Qua 6 năm thực hiện, đến cuối năm 2014 mới có hơn 196.000 người tham gia BHXH tự nguyện, con số này còn rất ít ỏi. Trong số đó lại có tới 70% là LĐ đã tham gia BHXH bắt buộc, nhưng không đủ thời gian hưởng lương hưu nên mới đóng tiếp BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Số lượng LĐ là nông dân tham gia còn rất ít...  Theo lộ trình, đến năm 2020 phải có 50% tổng lực lượng LĐ trong cả nước tham gia BHXH. 

Để thực hiện mục tiêu này, lần sửa đổi Luật BHXH năm 2014 cũng đã đề cập nhiều nội dung để cố gắng mở rộng đối tượng tham gia như: Mở rộng độ tuổi tham gia; Giảm mức đóng xuống còn 22%, lấy chuẩn nghèo làm căn cứ đóng ở mức thấp nhất (khoản tiền đóng giảm nhiều so với Luật BHXH năm 2006); đồng thời mở rộng phương thức đóng tùy chọn, một lần cho nhiều năm, hoặc một năm cho nhiều lần. “Đặc biệt, luật cũng có đề cập đến việc có sự hỗ trợ tài chính về ngân sách nhà nước. Chính phủ sẽ phải quy định các bước đi cụ thể, mức hỗ trợ thế nào cho phù hợp” - bà Nga cho biết. 

“Hiện nay đã có LĐ tự do nào có lương hưu chưa?” - trả lời câu hỏi của NTNN, bà Nga cho hay: Thực tế theo Luật BHXH năm 2006 là chưa có, bởi chúng ta mới bắt đầu thực hiện BHXH tự nguyện từ năm 2008. Trước đây ở Nghệ An cũng có chương trình BHXH tự nguyện cho nông dân. Hiện cũng đã có một số nông dân được nhận lương hưu theo chương trình này. Thời gian sắp tới, chương trình này sẽ được gộp với chương trình BHXH tự nguyện chung nhằm tránh sự chồng chéo trong chính sách. 

Nguyệt tạ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem