Cần 30.000 tỷ đồng đưa điện về nông thôn

Trâm Anh Thứ hai, ngày 22/06/2015 07:46 AM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới đây đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn   Điện lực Việt Nam (EVN) cần kiên quyết thực hiện mục tiêu đưa điện về nông thôn, hải đảo trước năm 2020 theo quy hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận 0

Còn hơn 500.000 hộ dân chưa có điện

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, chương trình đưa điện về nông thôn giai đoạn 2013-2020, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 100% số xã, thôn bản và hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

img
Kéo điện lưới quốc gia về huyện Sa Thầy, Kon Tum.Ảnh:  Ngọc Hà
Theo con số thống kê, cả nước hiện còn 55 xã, hơn 1.000 thôn bản chưa có điện với hơn 500.000 hộ dân. Từ nay đến năm 2020, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, ngành điện sẽ phải đưa điện về tất cả những nơi chưa có điện.

 

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng, Bộ Công Thương và EVN sẽ khó hoàn thành mục tiêu này đến năm 2020. Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đặt câu hỏi: "Sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định số 21 của Chính phủ về giá bán điện theo cơ chế thị trường, đến nay vẫn còn hơn 2.000 hợp tác xã chưa bàn giao việc bán điện về cho EVN do vướng mắc chủ yếu ở hồ sơ chứng minh tài sản không rõ ràng. Bộ Công Thương có giải pháp gì và bao giờ mới thực hiện dứt điểm việc bàn giao này để đảm bảo mục tiêu đưa điện về nông thôn đúng kế hoạch?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ: Thực hiện chương trình đưa điện về nông thôn, đến nay, ngành điện đã tiếp nhận lưới điện của 8.000 xã do các hợp tác xã kinh doanh điện đầu tư, quản lý. Hiện còn hơn 2.000 hợp tác xã đang duy trì mô hình kinh doanh điện và có tình trạng điện xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vì vậy, Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện đến hết năm 2016 sẽ cơ bản tiếp nhận hết lưới điện của các hợp tác xã này.

Trong một thời gian dài, các hợp tác xã ghi chép không đầy đủ các khoản đầu tư nên việc đánh giá tài sản để bàn giao việc bán điện về cho ngành điện đang rất khó. Liên Bộ Công Thương và Tài chính đã có Thông tư 06 hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện áp nông thôn nhưng nay đã hết hiệu lực. Hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn này để vừa thực hiện được việc bàn giao tài sản, đồng thời đảm bảo không để quá thiệt thòi cho những hợp tác xã kinh doanh điện. “Đây cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn để gấp rút đưa điện về nông thôn bán với giá quy định của Nhà nước cho người dân”-Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

Hai mô hình quản lý điện nông thôn

Thực tế hiện nay, hầu hết lưới điện nông thôn trong phạm vi cả nước đang nằm trong tình trạng xuống cấp, thậm chí nhiều nơi xuống cấp rất trầm trọng, không an toàn trong vận hành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện trên toàn quốc đang tồn tại 2 mô hình quản lý điện nông thôn. Đó là mô hình do EVN quản lý, bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn cho 6.660 xã và một phần nhỏ là mô hình hợp tác xã điện năng; các công ty cổ phần quản lý và bán lẻ điện tại 2.150 xã.

Điều đáng nói là lưới điện nông thôn hiện đang nằm trong tình trạng xuống cấp, nhiều nơi xuống cấp rất trầm trọng, không an toàn trong vận hành và cần được cải tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông thôn. Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy cần khoảng trên 30.000 tỷ đồng cho đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn giai đoạn 2016-2020. Số tiền này chủ yếu dành cho cải tạo nâng cấp lưới điện (trong giai đoạn 2015-2020, cả nước có khoảng 4.400 xã có lưới điện hạ áp không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và cần được cải tạo, nâng cấp). Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2020, mục tiêu Chính phủ đặt ra là cơ bản cấp điện cho các thôn, xã, hộ dân còn chưa có điện.

Trong khi đó do tiêu thụ điện tại các vùng nông thôn còn ít, doanh thu bán điện thấp trong khi khối lượng, chi phí vốn đầu tư quá lớn, việc thu hồi vốn gặp khó khăn nên công tác đầu tư, tái đầu tư bị hạn chế. Để giải quyết những tồn tại trên, ông Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đang làm việc với các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Âu (EU) để xúc tiến, kêu gọi nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình điện nông thôn giai đoạn 2016-2020. Bộ cũng sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố rà soát tình hình hoạt động của các hợp tác xã điện trên từng địa bàn để có tổng kết, phân loại đề xuất biện pháp tổ chức quản lý hợp tác xã điện phù hợp theo từng vùng, miền, quy mô.

   Tính đến cuối năm 2014, đã có 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia. Tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định về tổng thể, đến năm 2020 và sau năm 2030 là không thiếu điện theo tổng sơ đồ điện 7 nhưng ở phía Nam có thể xảy ra thiếu điện cục bộ vào năm 2017-2018 vì nguồn tại chỗ không đủ đáp ứng. Chính phủ đã có các giải pháp để khắc phục tình trạng này, tình hình cấp điện sẽ tiếp tục được đảm bảo.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem