(Độc quyền) Chuyên gia chống khủng bố hàng đầu Mỹ trả lời phỏng vấn: Khó đánh bại IS bằng biện pháp quân sự

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ năm, ngày 18/09/2014 07:21 AM (GMT+7)
“Tôi đoán rằng, ngay sau khi dùng sức mạnh quân sự để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), sẽ khiến cho tổ chức này trở thành một tổ chức ngầm- và điều đó sẽ là khá khó khăn để đánh bại nó bằng quân sự”-  Giáo sư Gary LaFe e (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về chống khủng bố của Mỹ nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền dành cho Báo NTNN.
Bình luận 0

Thưa Giáo sư, được đánh giá là chuyên gia hàng đầu của Mỹ, thậm chí số 1 thế giới về chống khủng bố, ông nhận định như thế nào về bản chất của tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS)?

img 

   Giáo sư Gary LaFe e

- Bạn và cả thế giới đã biết về tội ác của IS thông qua những hành động tàn bạo như cắt cổ 2 nhà báo Mỹ là Foley và Steven Sotloff và mới đây là một nhân viên cứu trợ người Anh và rất nhiều những hành động tàn ác khác.

Tôi tin rằng IS là một trong những tổ chức tàn nhẫn nhất trong số các chi nhánh của Tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda. Mặc dù, IS không có nhiều sự khác biệt so với các nhóm khủng bố khác như Boko Haram hay al Shabaab.

Boko Haram là một nhóm vũ trang Hồi giáo được thành lập và hoạt động tại Nigeria. Nhóm này bị coi là phiến quân vì tổ chức các hoạt động khủng bố tại Nigeria. Boko Haram bắt đầu nổi lên từ năm 2009 và trở thành lực lượng giết người tàn bạo ở Nigeria. Nhóm này truyền bá tư tưởng thù địch phương Tây, mang ý nghĩa rằng giáo dục của người phương Tây là một tội lỗi đáng nguyền rủa.

Còn al Shabaab là một nhóm khủng bố chi nhánh của al -Qaeda ở Somali. Mục tiêu của nhóm hồi giáo cực đoan này là thành lập Nhà nước Hồi giáo và áp đặt luật hồi giáo hà khắc lên những vùng đã chiếm đóng. Về bản chất, IS không khác với 2 nhóm nói trên với những tư tưởng Hồi giáo lệch lạc, nhưng IS nguy hiểm hơn là chiêu mộ hàng trăm công dân châu Âu làm thành viên và hành động thì dã man và tàn nhẫn hơn nhiều.

Tổng thống Mỹ Obama mới đây thề sẽ tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo và những cuộc không kích gần đây cũng cho thấy quyết tâm của Mỹ để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng kế hoạch tấn công IS của Mỹ ở Iraq đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ lại phát động một cuộc chiến tại Iraq và sẽ tiếp tục sa lầy. Ông có nghĩ như vậy không?

- Tôi thực sự không biết Chính phủ Mỹ sẽ làm những gì trong kế hoạch này. Nhưng tôi cho rằng, người dân Mỹ sẽ rất do dự trong việc cam kết gửi lực lượng quân sự trên bộ đến Iraq hoặc Syria.

Vậy, Giáo sư có cho rằng, sử dụng sức mạnh quân sự là cách hiệu quả để tiêu diệt IS?

-Tôi cho rằng chỉ sử dụng sức mạnh quân sự thôi sẽ không mang lại thành công trong việc tiêu diệt IS. Theo tôi, sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công IS chỉ mang lại những hiệu quả với những phiên bản hiện thời của nó. Vấn đề là ngay sau khi can thiệp quân sự bắt đầu, tôi đoán là IS sẽ trở thành một tổ chức ngầm với những hoạt động bí mật và tinh vi hơn. Điều này sẽ là khá khó khăn để đánh bại và tiêu diệt tận gốc IS bằng quân sự.

Hơn nữa, sẽ không nghi ngờ gì việc sẽ phải tiêu tốn một khoản chi phí rất lớn cho dân sự.

Lực lượng vũ trang người Kurd (PKK) thực chất là một nhóm khủng bố. Và việc Mỹ cung cấp vũ khí cho PKK- một nhóm khủng bố để chống lại IS- một nhóm khủng bố khác, sẽ là một chiến thuật sai lầm. Giáo sư có đồng ý với đánh giá này không?

- Đúng vậy, tình hình khá phức tạp. Ở đây có một sự sắp xếp kỳ lạ, trong đó Mỹ có lợi ích chung với các nhóm như PKK và các nước như Iran.

Và cuối cùng, Giáo sư có niềm tin vào sự thành công trong kế hoạch chống IS của Mỹ lần này hay không?

-Tôi không nghĩ rằng, Mỹ sẽ một mình đánh bại IS. Tuy nhiên, có chút tin tức tốt lành từ những thu thập dữ liệu về khủng bố trong nhiều năm qua của chúng tôi rằng, các nhóm khủng bố không có khả năng kéo dài lâu như vậy. Tôi đoán là người dân Iraq và Syria sẽ rất nhanh chóng nhận thấy sự mệt mỏi của các loại chế độ cực đoan mà IS đang thúc đẩy.

Xin cảm ơn Giáo sư!

   Giáo sư Gary LaFree  là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực tư pháp hình sự và chống khủng bố, đồng thời là một trong những giáo sư uy tín nhất về tội phạm học và tư pháp hình sự của Đại học Tổng hợp Maryland (Mỹ). Nhận bằng tiến sĩ về xã hội học tại Đại học Indiana năm 1979, ông đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về tội phạm học và tư pháp hình sự như: Ủy viên Hiệp hội Nghiên cứu pháp lý nhiệm kỳ 2000 - 2001; Chủ tịch Hiệp hội Tội phạm học Mỹ  nhiệm kỳ 2005 - 2006; Ủy viên Hội đồng Khoa học luật pháp quốc gia năm 2008.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem