483.200 tỷ đồng nợ xấu, nợ tiềm ẩn: Nguy cơ "bùng" nợ và loạt giải pháp của VNBA
483.200 tỷ đồng nợ xấu, nợ tiềm ẩn: Hiệp hội Ngân hàng 'hiến kế' loạt giải pháp
Nhật Minh
Thứ bảy, ngày 07/08/2021 09:00 AM (GMT+7)
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng hiện ở mức hơn 483.000 tỷ đồng.
Quy mô nợ xấu lên tới 125.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2021, nguy cơ "bùng phát" nợ xấu
Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của gần 30 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu các nhà băng đến thời điểm 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước đạt gần 125.000 tỷ đồng.
Trong đó, 58,6% số ngân hàng được thống kê có số dư nợ xấu tăng so với đầu năm với số dư nợ xấu trên 81.600 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng dư nợ xấu trong nửa đầu năm, Nam A Bank dẫn đầu với mức tăng lên tới 83% lên 1.362 tỷ đồng.
Tiếp theo là 2 "ông lớn" quốc doanh VietinBank và Vietcombank với 14.477 tỷ đồng và 6.865 tỷ đồng dư nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2021. Con số này lần lượt tăng tương ứng 52% và 31% sau nửa năm.
Số dư nợ xấu tăng trên 20% còn có ACB và SHB. Cuối quý II/2021, dư nợ xấu của ACB là 2.330 tỷ đồng (tăng 27%) và SHB (tăng 20%).
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, nhà băng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý II thuộc về VPBank với 10.801 tỷ đồng (tăng 8,8%). Trong đó, riêng nợ xấu của FE Credit chiếm khoảng 50%.
Ngoài ra, top 10 ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất tính đến hết 30/6 còn bao gồm SHB, Sacombank, SCB, VIB và LienVietPostBank.
Trong TOP 10 ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất hệ thống, chỉ tính riêng 4 "ông lớn" quốc doanh đã chiếm khoảng 53,6%, tương đương khoảng 67.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 mới đây của Chính phủ, ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78% - 2%.
Báo cáo cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ước đạt 1,54% - 1,91%.
Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn, các khoản được cơ cấu lại không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% - 4,98% cuối năm 2021 và có thể lên đến gần 5% nếu kinh tế chậm phục hồi.
Tại phiên họp Quốc hội cuối tháng 7 vừa qua, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhấn mạnh, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới ngành Ngân hàng là rất lớn đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai.
"Theo tôi biết, số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 hiện nay là 347 nghìn tỷ đồng. Nhưng con số này khả năng sẽ còn lớn hơn", ông Hùng dự báo và nhấn mạnh, chắc chắn nợ xấu của ngân hàng sẽ phát sinh và gia tăng trong thời gian tới.
Hiến kế giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng
Để giảm áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong tương lai, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét sửa đổi Thông tư 03, cho phép áp dụng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, thay vì đến 31/12/2021 như hiện nay.
Đồng thời, xem xét mở rộng đối với các khoản nợ quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
Về thời gian được gia hạn của các khoản nợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Theo ông Hùng, quy định này đã gây khó khăn cho cả khách hàng và ngân hàng vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phải dừng sản xuất... Do đó, nhiều khách hàng sẽ không thể đáp ứng được áp lực trả nợ nếu như số dư nợ được cơ cấu phải phân bổ trong 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ do chưa thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, VNBA đề nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hoặc có thể giữ nguyên theo Thông tư 01: "Không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng đã ký"...
Đối với khách hàng có hoạt động ở vùng giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch bệnh lần thứ 4 (khách hàng bị phong tỏa), theo ông Hùng, nên cho phép khách hàng có khoản nợ đến hạn trong thời gian phong tỏa (gốc và/hoặc lãi) tạm hoãn việc trả nợ, dời thời gian trả nợ của các khoản đến hạn tới sau thời gian đáo hạn.
Cũng theo Tổng thư ký VNBA, theo Thông tư 03, tổ chức tín dụng phải trích lập tối thiểu 30% dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu trong năm nay và trích lập tỷ lệ tương ứng trong 2 năm tiếp theo (trích lập toàn bộ dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm).
Theo các tổ chức tín dụng, thời gian qua, dịch Covid-19 không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà cả ngân hàng cũng bị tác động nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh hàng loạt tỉnh, thành phải giãn cách xã hội.
Do đó, ông Hùng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính, có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.