Không ồn ào và phô trương, cũng không xuất hiện nhiều như những người của công chúng, hoàng gia Nhật Bản luôn giữ cho mình một sự khép kín nhất định, nếu không muốn nói là có phần bí ẩn. Vì vậy, đằng sau cánh cửa cung cấm, hoàng gia Nhật Bản còn nhiều điều thú vị không được nhiều người biết đến.
Một dòng tộc Hoàng gia trị vì đất nước lâu nhất thế giới
Tranh thời Thiên hoàng Minh Trị có tên Chinh Hàn Luận được vẽ năm 1877. (Nguồn: History.com).
Tính đến thời điểm hiện tại, Hoàng gia Nhật Bản được cả thế giới công nhận là Hoàng gia có thời gian trị vì lâu dài nhất thế giới còn tồn tại, lên đến 2676 năm. Bắt đầu từ ngày 11 tháng 2 năm 660 trước công nguyên, thời đại Thiên Hoàng Jimmu (Thần Vũ) cho đến đương kim Thiên hoàng Akihito (Minh Nhân).
Tuy nhiên, vì thời gian quá dài mà sử sách chứng minh sự tồn tại thật sự của những triều đại đầu tiên quá mơ hồ, huyền sử, vì thế chính xác mà nói thì thời gian trị vì của dòng tộc này chỉ khoảng 1700 năm với 125 Thiên hoàng – 1 gia tộc, 1 dòng máu. Đây là hiện tượng đặc biệt của lịch sử thế giới, vì hiếm có nền quân chủ nào giữ được uy thế của mình lâu đến thế.
Thiên hoàng Akihito và Hoàng hậu. (Ảnh: Mainichi).
Nếu so với triều đại Hậu Lê trị vì lâu nhất Việt Nam với 356 năm thì thật sự triều đại Nhật hoàng của Nhật Bản dài hơn đến… 2320 năm, dài hơn gần 6 lần. Và thậm chí còn dài hơn thời gian tồn tại của đế chế La Mã vang danh thiên hạ (năm 27 TCN - năm 1453 SCN) gần gấp đôi. Tuy nhiên, những con số sẽ còn cách xa nhau nữa vì vốn dĩ, hoàng gia Nhật Bản vẫn còn tiếp tục duy trì và tồn tại, trong khi hai thời đại phong kiến dùng để so sánh trên đã chấm dứt từ lâu.
Hoàng gia có nhiều nữ hoàng nhất thế giới
Trong lịch sử thế giới, các triều đại quân chủ từ thời phong kiến cho đến tận ngày nay, thì vị trí đứng đầu giang sơn hiếm khi nào rơi vào tay của nữ giới, kể cả những quốc gia coi trọng phụ nữ như châu Âu đi chăng nữa. Và nếu trong suốt gần hơn 100 triều đại của Trung Quốc chỉ có một vị nữ hoàng duy nhất là Võ Tắc Thiên, hoặc 6 nữ hoàng của Vương quốc Anh hoặc 4 nữ Nga hoàng thì vẫn còn thua với con số 9 nữ Thiên Hoàng của Nhật Bản.
Tranh về nữ Thiên hoàng đời thứ 41 của Nhật Bản - Trì Thống Thiên hoàng. (Nguồn ảnh: Japantoday).
Người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí Thiên hoàng là Thôi Cổ Thiên hoàng, sau bà là Hoàng Cực Thiên hoàng, Tề Minh Thiên Hoàng,Tri Thống Thiên hoàng, Nguyên Minh Thiên hoàng, Nguyên Chính Thiên hoàng, Hiếu Khiêm Thiên hoàng, Minh Chính Thiên hoàng và Hậu Anh Đinh Thiên hoàng.
Điều đặc biệt đáng nói ở đây, là thời phong kiến, Nhật Bản cũng như bao quốc gia châu Á khác chịu ảnh hưởng với quan niệm "trọng nam khinh nữ" nặng nề, vì thế số lượng 9 nữ Thiên hoàng từng trị vì đất nước quả thực khiến người ta bất ngờ.
Có nguyên thủ quốc gia được gọi là Hoàng đế duy nhất hiện nay
Cựu tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm Thiên hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. (Nguồn: Japantoday).
Chính vì xuyên suốt lịch sử, Hoàng gia Nhật Bản mang tính chất vô cùng đặc biệt khi chỉ một dòng máu, một gia tộc xuyên suốt hàng ngàn năm đã khiến những vị Thiên hoàng Nhật Bản được cả thế giới kính nể gọi bằng danh xưng Hoàng đế (Emperor of Japan) thay vì gọi là Vua (King of Japan), trong khi Hoàng đế là người đứng đầu của một đế chế phong kiến gồm nhiều nước và vùng lãnh thổ, còn Vua là người đứng đầu một nhà nước phong kiến.
Điều này cho thấy, dù chỉ là một nước riêng lẻ, nhưng Nhật Bản vẫn khiến cả thế giới tôn sùng như một đế chế hùng mạnh.
Ở thời hiện đại, Thiên hoàng của Nhật Bản là người duy nhất nắm giữ vị trí Hoàng đế. Người thứ hai chỉ có thể xuất hiện khi Nữ hoàng Anh thoái vị, nhường quyền kế vị lại cho con trai hoặc cháu trai của mình.
Thiên hoàng được xem là con cháu của thần linh và kiêm luôn vị trí giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản
Hoàng Thái Tử Naruhito trong ngày cưới. (Nguồn: Mainichi).
Thần đạo là một đạo giáo truyền thống của Nhật Bản và những người thuộc dòng dõi hoàng gia Nhật luôn luôn theo tôn giáo này vì theo quan niệm, Thiên hoàng chính là con cháu của vị thần quyền năng nhất trong Thần đạo – Thần mặt trời nên cũng được xem là thần linh, điều này muôn đời nay, dù xã hội có phát triển đến mức nào thì người Nhật vẫn một mực tin là sự thật. Chưa kể, Thiên hoàng ngoài vị trí như người đứng đầu nước Nhật ra, còn kiêm luôn vị trí Giáo chủ của Thần Đạo.
Nói thêm một chút về thần đạo Nhật Bản, thì tôn giáo này có tư tưởng khác với những tôn giáo khác ở chỗ không cấm hay buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác.
Giết chóc đối với Thần đạo là điều ác và không nên giết sinh vật trừ khi vì sự sống còn của mình, nên trước khi ăn thường phải nói câu "Itadakimasu!", để cảm ơn và xin lỗi những sinh mạng khác vì đã cho người Nhật một bữa ăn. Câu nói này, đến tận ngày nay thường vẫn bị lầm tưởng là "chúc ngon miệng", nhưng sự thật không phải vậy.
Thiên hoàng và con cháu hoàng tộc Nhật Bản không có họ
Một số thành viên trong hoàng tộc Nhật Bản. (Nguồn: unofficialroyalty.com).
Có một sự thật ít ai biết rằng, người Nhật Bản xưa kia vốn không hề có họ mà chỉ có tên. Tuy nhiên, theo chiều dài phát triển của lịch sử thì chính sự gia tăng dân số đã thúc đẩy sự hình thành các dòng họ ở Nhật Bản.
Thời gian đầu chỉ có các quan lại, quý tộc Nhật Bản mới có họ, còn người dân thì không. Và những họ ban đầu của người Nhật chỉ là địa danh, hoặc chức quan, ví dụ như Shinshou Ninagawa chỉ ra rằng tổ tiên sống ở Ninagawa và chức danh là người gác cổng (Shinshou).
Đến thời Duy Tân Minh Trị, để tiện quản lý hộ tịch, Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra "Lệnh tên họ", dùng biện pháp mạnh để người dân thường có họ. Chính vào lúc này người Nhật mới bắt đầu có họ phổ biến hơn, thậm chí một số người Nhật còn vội vàng mà "tự chế" lấy một cái họ kì quặc như "Mitarashi" (nhà vệ sinh), "Nojiri" (đuôi thú)…
Thiên hoàng Akihito bên Hoàng hậu Michiko và con cháu. (Nguồn: Gettyimages).
Nhưng đến tận ngày nay, vẫn có một trường hợp đặc biệt của Nhật Bản chính là Thiên hoàng không hề có họ bởi như đã nói, người dân Nhật coi Thiên hoàng và dòng dõi hoàng tộc là con cháu của thần linh, ai ai cũng tôn sùng và biết đến, vì thế không cần một cái họ để thể hiện phạm vi quyền lực, thế lực, cũng không cần thể hiện chức danh hay quê quán.
Chỉ có trong một thời gian đặc biệt vào thời kỳ Heian (năm 794) kéo dài đến thời kỳ Chiến Quốc thì trong hoàng tộc Nhật Bản có xuất hiện họ, đó chính là những con cháu không đủ khả năng kế vị sẽ được Thiên hoàng ban cho họ mới để tự phát triển thành chi nhánh của hoàng gia, và những họ này đến nay đã phát triển thành 4 gia tộc hùng mạnh tại Nhật Bản, đó là Manamoto, Taira, Fujiwara và Tachinaba. Một trường hợp khác là con gái trong Hoàng tộc của Thiên Hoàng được gả đi thì phải theo họ chồng.
Minh Minh (Thời Đại)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.