Như Dân Việt thông tin, 5 bị can bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang gồm: Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang); Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang); Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang); Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) và Lê Thị Dung (Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang).
Các đối tượng này đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa đáp án để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Hoàng Trọng Giáp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Đây là vụ án gây chấn động cho ngành giáo dục - ngành quản lý về chuyên môn giáo dục, đào tạo con người, tạo dự luận bất bình, phẫn nộ. Bởi nó đã làm mất đi cơ hội cho những thí sinh học thật, thi thật bị trượt đại học vì thiếu suýt soát điểm.
Căn cứ thông tin từ phía cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang kết luận điều tra và đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ sửa điểm thi tại Hà Giang. Cơ quan tố tụng đã bóc tách từng hành vi của từng đối tượng để truy cứu trách nhiệm với những tội danh tương ứng”.
Hà Giang họp báo ngày 17.7.2018 về hiện tượng điểm thi cao bất thường, kết luận có 330 bài thi được nâng ít nhất từ 1,0 đến 8,75 điểm. Ảnh: Kiên Trung - Dân trí.
Theo luật sư, cụ thể theo từng hành vi của 5 đối tượng, các đối tượng sẽ phải đối mặt với các hình phạt như sau:
Bị can Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài (phó phòng và trưởng phòng - thuộc sở giáo dục) bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự là hoàn toàn chính xác.
Với thông tin hiện tại có khả năng bị can Lương, bị can Hoài sẽ bị truy tố, xét xử theo khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự bởi tình tiết phạm tội có tổ chức. Nếu bị truy tố, xét xử ở Khoản 2 Điều 356 bị can Lương, và Hoài có thể đối diện mức án cao nhất lên đến 10 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ đến 5 năm sau đó và bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.
Đối với bị can Triệu Thị Chính - Phó Giám đốc Sở giáo dục, hiện đang bị đề nghị truy tố với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358 Bộ luật hình sự.
Bị can Chính có thể bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 358 Bộ luật Hình sự. Hoặc nếu chứng minh được bị can Chính nhận được bất kỳ lợi ích vật chất từ người thân của 13 thí sinh giá trị trên 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị xử lý theo khoản 2 Điều 358 (mức phạt tù lên đến 13 năm), nhận được lợi ích vật chất giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng sẽ bị xử lý theo khoản 3 Điều 358 Bộ luật Hình sự (mức phạt lên đến 20 năm tù), và nhận được lợi ích vật chất giá trị trên 1 tỉ đồng thì sẽ bị xử lý theo khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự (mức phạt cao nhất là tù chung thân, ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ đến 5 năm sau đó, phạt tiền đến 100 triệu đồng).
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Đối với bị can Phạm Văn Khuông - Phó Giám đốc Sở và Lê Thị Dung - Đội phó của phòng an ninh chính trị nội bộ đang bị quy kết và đề nghị truy tố hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” theo Điều 366 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư, bị can Khuông và Dung mặc dù không có quyền hạn, trách nhiệm gì trong kỳ thi nhưng thông qua mối quan hệ để nhờ vả, thúc đẩy bị can Hoài thực hiện việc sửa nâng điểm thi cho thí sinh.
Bị can Khuông và Dung có thể bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 366 Bộ luật Hình sự, mức phạt cao nhất đến 3 năm tù.
Đáng chú ý ở trường hợp bị can Dung bị quy kết hành vi nhờ sửa nâng điểm thi cho 20 thí sinh, vấn đề này cơ quan tố tụng cần làm rõ là bị can Dung có nhận được lợi ích vật chất từ người thân thí sinh không.
Nếu có, CQĐT phải làm rõ được bị can nhận bao nhiêu, bởi nếu chứng minh được bị can Dung nhận lợi ích vật chất giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị can Dung có thể bị truy tố theo khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự, mức phạt lên tới 10 năm tù. Ngoài ra bị can còn bị phạt tiền đến 50 triệu đồng. Thậm chí để tránh bỏ lọt tội phạm, khi có chứng cứ việc đưa nhận tiền để sửa nâng điểm thi, Cơ quan tố tụng có thể xem xét xử lý về tội nhận hối lộ, tội môi giới hối lộ. Đặc biệt là tội đưa hối lộ đối với những phụ huynh của thí sinh kia.
“Tôi cho rằng, luật pháp cần áp dụng nghiêm khắc để làm gương với những bị can trong vụ án này, bởi họ là những người có trình độ, có chức vụ nhưng đã bất chấp vì lợi ích cá nhân mà làm sai lệch, xâm phạm nghiêm trọng đến quy định nhà nước pháp quyền, làm mất đi tính đúng đắn và nghiêm minh của Luật pháp” – Luật sư nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.