Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính người khác có gì đặc biệt?

T. Nam - K. Trinh Thứ ba, ngày 03/09/2024 19:59 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi phạm tội của các đối tượng diễn ra trong thời gian dài cho thấy thủ đoạn của các đối tượng rất chuyên nghiệp, tinh vi, có tổ chức và khó phát hiện, không những gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức mà còn tác động xấu tới môi trường không gian mạng, đe dọa tới vấn đề an ninh mạng của quốc gia...
Bình luận 0

Hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử 

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đăng Thông (SN 1993, trú tại thôn Tân Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) và Lê Châu Long (SN 1971, trú tại khu phố 1, phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, hiện là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị) để điều tra và làm rõ hành vi "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" và "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác".

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện đường dây "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" và "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành phố, có nhiều đối tượng tham gia, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, hành vi phạm tội của các đối tượng diễn ra trong thời gian dài cho thấy thủ đoạn của các đối tượng rất chuyên nghiệp, tinh vi, có tổ chức và khó phát hiện, không những gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn tác động xấu tới môi trường không gian mạng, đe dọa tới vấn đề an ninh mạng của quốc gia nên cần xử lý nghiêm khắc.

Qua vụ việc này, nhiều bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi về hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, tội danh này được quy định cụ thể thế nào trong Bộ luật hình sự?

Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính

Theo luật sư Bình, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Về xử lý vi phạm hành chính, theo điểm a, b khoản 2, khoản 3 Điều 80 và điểm a, e khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 14/2022NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Trường hợp, người vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng có thể bị xử lý theo Điều 288 và Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (không áp dụng với pháp nhân thương mại), với mức phạt tù thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 7 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Quy định pháp lý vụ Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị xâm nhập đường dây xâm nhập mạng máy tính trái phép - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, làm rõ vụ việc theo quy định. Ảnh: CAQN.

Người vi phạm Điều 289 Bộ luật hình sự 2015, quy định về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (không áp dụng với pháp nhân thương mại) có thể phải chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến cao nhất là 12 năm tù giam. 

Bên cạnh đó, luật sư Bình cho rằng, nếu người vi phạm có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, tài sản của Nhà nước được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thể bị xử lý thêm các tội danh khác. 

Theo luật sư Bình, việc xác định các đối tượng có bị áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không còn cần phụ thuộc vào quá trình điều tra, xác minh, kết luận và quyết định hình phạt của cơ quan chức năng, tòa án. Qua đó, quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt để khi lượng hình đối tượng nhận mức án tương xứng với hành vi mà mình thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem