Quy định về tội danh trong vụ Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu nhận hối lộ
Quy định về tội danh trong vụ Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu nhận hối lộ
T. Nam - K. Trinh
Thứ sáu, ngày 30/08/2024 13:36 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi phạm tội của các bị can gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, gây ảnh hưởng niềm tin của nhân dân nên cần có mức hình phạt nghiêm khắc.
Đây là diễn biến mới nhất khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu mở rộng điều tra vụ án "đưa, nhận hối lộ" xảy ra tại Sở Công Thương tỉnh Lai Châu.
Trước đó, ngày 20/8/2024, trong quá trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý vật liệu nổ, sử dụng trái phép vật liệu nổ" xảy ra ngày 9/8/2024 tại thủy điện Nậm Cấu (xã Bum Tở, huyện Mường Tè), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố vụ án "đưa, nhận hối lộ";
Ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Vũ Văn Hinh, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh Lai Châu); Nguyễn Thanh Nghị, chuyên viên Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương về hành vi "nhận hối lộ"; tạm giữ hình sự Trần Văn Huy, kỹ sư thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Thành Phát về hành vi "Đưa hối lộ" để điều tra.
Luật sư Nguyễn Bá Huy - Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, hành vi phạm tội của bị can là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, gây ảnh hưởng niềm tin của nhân dân vào cơ quan Nhà nước và tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Với tính chất, mức độ phạm tội, hậu quả mà các bị can đã gây ra cần có mức hình phạt nghiêm khắc.
Các bị can sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc
Luật sư Huy cho rằng, trong vụ án trên, bị can Thức và các bị can khác được giao và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ. Theo điều tra ban đầu, bị cáo vì vụ lợi đã thực hiện hành vi phạm tội theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tội nhận hối lộ là một trong tội phạm thuộc về nhóm tội tham nhũng được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hành vi của các bị can sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Nếu được xác định vi phạm pháp luật và đạo đức nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ, quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người vi phạm sẽ đối mặt hình phạt theo quy định.
Theo đó, tùy vào tình tiết, mức độ, tính chất và hậu quả phạm tội, các bị can có thể đối mặt với mức phạt thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là tử hình.
Theo luật sư Huy, việc người đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, của cán bộ trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Tùy vào từng trường hợp và tình tiết vụ việc, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý theo Điều 364, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với hình phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 20 năm tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.