5 câu chuyện "thần thoại" về sức mạnh của Trung Quốc

Thanh Minh Thứ bảy, ngày 18/06/2016 19:00 PM (GMT+7)
Trung Quốc từ một đất nước đang phát triển bị cô lập trở thành một nền kinh tế khổng lồ và đang lên như một ngôi sao toàn cầu dường như là câu chuyện về thay đổi quyền lực nổi bật nhất đối với nền chính trị quốc tế trong thế kỷ 21, trang mạng NationalInterrest nhận định.
Bình luận 0

Theo NationalInterrest, nền kinh tế Trung Quốc hiện tại lớn thứ hai trên thế giới, trong khi ngân sách quân sự của Trung Quốc đã tăng vọt từ 20 tỷ USD trong năm 1989 đến 215 tỷ USD vào năm 2015, con số lớn hơn so với ngân sách quân sư của Nga, Đức, Anh cộng lại.

Những nỗi sợ hãi xung quanh những hậu quả từ sự gia tăng của Trung Quốc đã tạo ra những thông tin sai lạc, cường điệu, thậm chí nhiều trong số những thông tin này được thảo luận công khai tại các diễn đàn về Trung Quốc ở Mỹ.

Một số "huyền thoại" dai dẳng về Trung Quốc thực tế đã làm lu mờ nhiều vấn đề, trong đó có tham nhũng thâm căn cố đế của nó, làm chậm tăng trưởng kinh tế và dân số già.

Những huyền thoại này tạo ra một hình ảnh của Trung Quốc như một kẻ cướp ngôi nguy hiểm thay Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới. Vì thế, dẹp bỏ những huyền thoại về sức mạnh của Trung Quốc là điều rất quan trọng để hiểu được sự trỗi dậy của Trung Quốc và vai trò tiềm năng của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế cũng như sự tiến triển của quan hệ Mỹ- Trung.

Chuyện thần thoại thứ nhất: Trung Quốc là một siêu cường quân sự toàn cầu.

Hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã giúp lãnh đạo Trung Quốc thực hiện hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân. Từ năm 1995-2015 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc duy trì, trung bình hai con số tăng trưởng. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 là 214 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc chiếm 48% tổng chi tiêu của tất cả các quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương kết hợp.

Mặc dù tăng chi tiêu quốc phòng đã tăng cường đáng kể khả năng quân sự của Trung Quốc, nhưng bản chất của các cải tiến này cho thấy sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn đang còn hạn chế. Để trở thành một siêu cường quân sự, Trung Quốc phải triển khai được sức mạnh trên toàn cầu, song thực tế, khả năng quân sự của Trung Quốc vẫn còn quẩn quanh ở Đông Á. Dự án và hoạt động gây tranh cãi nhất hiện nay của Trung Quốc là xây dựng các sân bay và những tháp radar trên những hòn đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Nhưng những cơ sở và trang thiết bị quân sự này hoàn toàn có thể bị tấn công.

img

Chưa hết, cuối cùng Trung Quốc cũng đã có thể phát triển để thể hiện khả năng siêu cường của mình. Đầu tiên là tàu sân bay Liêu Ninh, được đưa vào xây dựng năm 2012, tuy nhiên, nó giống như một tàu sân bay của Liên Xô tân trang lại với những công nghệ vẫn còn hạn chế. Tuy vậy, Trung Quốc không dừng lại ở đó, mà tiếp tục phát triển một tàu sân bay với thiết kế và công nghệ hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo, với nỗ lực để thu hẹp khoảng cách về công nghệ với Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn công khai công bố xây dựng một cơ sở quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti vào tháng 2.2016.

Có những trở ngại khác mà Trung Quốc không thể khắc phục được chỉ bằng tiền.  Kể từ năm 1979, Trung Quốc đã không tham gia chiến tranh nên khả năng quân sự vẫn chưa được kiểm tra, ngoài ra, so với đối tác Mỹ, các quan chức quân sự của Trung Quốc không có nhiều cơ hội để thể hiện kinh nghiệm điều binh chiến đấu. Việc tổ chức lại bộ máy trong Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc gần đây có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề này như phân cấp lệnh, đặc biệt là đối với các chỉ huy và kiểm soát viên.

Chuyện thần thoại thứ 2: Nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ USD tiền Mỹ nợ

Việc sợ hãi rằng Mỹ đang là con nợ khổng lồ của Trung Quốc thực tế đã bị thổi phồng và hiểu sai vấn đề. Việc mua nợ nước ngoài là một giao dịch thông thường, giúp duy trì sự cởi mở của nền kinh tế toàn cầu.

Nợ nước ngoài thường bao gồm một phần dự trữ ngoại hối quốc gia, trong đó cho phép các quốc gia phải trả tiền cho hàng hóa nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài. Ngân hàng trung ương cũng mua nợ để duy trì tỷ giá hối đoái, để ngăn chặn bất ổn kinh tế ... Trung Quốc mua nợ của Mỹ vì những lý do tương tự.

Quan trọng hơn, Trung Quốc không phải là nước duy nhất giữ một lượng lớn nợ của Mỹ.

Nợ của Mỹ là an toàn và thuận tiện bởi đó là đồng tiền dự trữ của thế giới, đồng USD được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế. Trung Quốc đứng đầu danh sách nước ngoài sở hữu các khoản nợ của Mỹ với con số 1.244.6 tỷ USD, nhưng Nhật Bản là nước đứng thứ hai với 1.137 tỷ USD.

Trong trường hợp của Mỹ, các khoản nợ nước ngoài của Mỹ là một tài sản vô cùng mong muốn trong nền kinh tế toàn cầu. Nó được tổ chức rộng rãi và hầu như lúc nào cũng sẵn sàng mua các trái phiếu kho bạc Mỹ. Khi Trung Quốc không bán cổ phần của mình, tác động tổng thể vào Mỹ là hạn chế. Ví dụ, trong tháng 8.2015 Trung Quốc đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ  khoảng 180 USD và ảnh hưởng đến giá trị tổng thể của trái phiếu Mỹ là rất ít.

Chuyện thần thoại thứ 3: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tiến hành các bước để giảm lượng khí thải carbon.

Trung Quốc chắc chắn có vấn đề về ô nhiễm môi trường. Nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã mở rộng đáng kể nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, khiến nước này trở thành quốc gia có nhu cầu về năng lượng lớn nhất thế giới. Việc sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than, dầu khí, đã làm cho Trung Quốc có lượng phát thải khí carbon dioxide vào hàng lớn nhất thế giới.

Tất cả các nước cần phải cân bằng các ưu tiên về tăng trưởng kinh tế với an sinh môi trường và xã hội, nhưng thách thức này là đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Quốc, trong khi thực tế nó vẫn là một quốc gia đang phát triển. Trong quá khứ, Trung Quốc tăng mối quan tâm trong nước đối với môi trường thông qua việc các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết cắt giảm 60-65 % khí thải carbon từ năm 2005 đến năm 2030.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi trong việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Điện gió của Trung Quốc chỉ chiếm 2,1 % của tổng số tiêu thụ trong năm 2012, so với 3,7 % ở Mỹ và 9,4 % ở Đức. Trung Quốc cũng phải đấu tranh để bảo vệ các nguồn nước và đất từ ​​ô nhiễm công nghiệp. Trung Quốc có thể gây ô nhiễm tồi tệ nhất trên thế giới, bởi vậy họ đang vật lộn trên con đường làm sạch chính mình.

Chuyện thần thoại thứ 4: Chính sách tiền tệ của Trung Quốc tạo lợi thế thương mại hơn Mỹ

Vào năm 2016, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ứng cử viên của hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đã chỉ trích Trung Quốc thao túng đồng tiền. Ông Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng tiền để giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu trong thương mại toàn cầu. Vị tỉ phú này cũng khẳng định Trung Quốc đang “giết chết” nền thương mại Mỹ.

img

Nền kinh tế Mỹ đã chịu hậu quả nặng nề khi đồng USD tăng giá mạnh vào giữa năm 2014. Khi đó, đồng USD tăng 20% giá trị so với các đồng tiền khác trong giỏ dự trữ ngoại tệ quốc tế, mặc dù chỉ tăng khoảng 3% so với đồng nhân dân tệ. Đồng bạc xanh tăng mạnh đã khiến các công ty của Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế, xuất khẩu đã giảm 4,3% trong 10 tháng đầu năm 2014.

Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn gấp nhiều lần so với Mỹ khi đồng USD tăng giá mạnh khi thương mại nước này chiếm tới 42% GDP trong năm ngoái, trong khi tại Mỹ chỉ là 23%.

Theo các nhà kinh tế tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), đồng USD tăng 10% thì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tương ứng 1%.

Đồng nhân dân tệ đã tăng gần 15% so với các đồng tiền khác trong giỏ dự trữ ngoại tệ từ giữa năm 2014, theo Westpac Strategy Group. Nhân dân tệ tăng giá khiến Trung Quốc đã đã mất đi khả năng cạnh tranh với các nước như Việt Nam và Thái Lan, các nước có chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc.

Kết quả của việc đồng nhân dân tệ tăng giá gần đây đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. GDP của Trung Quốc đang tăng trưởng với mức 6,9% trong quý III, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đó, mức tăng tệ nhất kể từ đầu năm 2009, do sản xuất và xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Việc đồng nhân dân tệ mạnh lên cũng sẽ cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong việc thoát khỏi tình trạng giảm phát vì sẽ tạo áp lực lên giá hàng hóa nhập khẩu của nước này. Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm 5,9 % trong tháng 10 so với năm trước, mức giảm 44 tháng liên tiếp.

Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm phát, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất" nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục được định giá cao so với đồng USD.

Ngoài ra, đồng USD tăng giá sẽ khiến gánh nợ nước ngoài của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại sẽ càng nặng thêm, khoản nợ nước ngoài bằng USD của các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng vọt, đồng thời một lượng lớn dòng tài sản bằng USD sẽ tháo chạy khỏi nước này.

 Thay vì chỉ trích Trung Quốc về chính sách tiền tệ của mình, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Trung Quốc tiếp tục giảm rào cản hiện tại đối với thương mại và đầu tư. Chế độ sở hữu trí tuệ và sự thiên vị đối với các công ty trong nước đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với công bằng và cạnh tranh thương mại quốc tế và cuối cùng là làm thiệt hại nhiều hơn một đồng tiền có kiểm soát.

Chuyện thần thoại thứ 5: Trung Quốc không tham gia vào quản trị toàn cầu.

Hợp tác đa phương về các vấn đề toàn cầu cung cấp cho Bắc Kinh có cơ hội để thể hiện cam kết của Trung Quốc đối với hòa bình và ổn định quốc tế. Trong lịch sử, Trung Quốc đã đề kháng với các hành động can thiệp, đặc biệt là các nghị quyết của Liên Hợp Quốc có khả năng thỏa hiệp chủ quyền quốc gia, nhưng thời gian đang thay đổi.

img

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất của sự cam kết ngày càng tăng của Trung Quốc để quản trị toàn cầu có thể được nhìn thấy thông qua việc tham gia vào Liên Hợp Quốc. Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã tiến triển từ một nước không tham, đến thành một nước ủng hộ do dự, và rồi thành một lãnh đạo tích cực của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc hiện là nước đóng góp lớn thứ ba cho ngân sách thường xuyên của Liên Hợp Quốc, đóng góp lớn thứ hai cho ngân sách gìn giữ hòa bình và đã cam kết hơn ba ngàn nhân viên cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thay đổi vai trò của Trung Quốc trong Liên Hợp Quốc cũng được chứng minh bằng thái độ của Bắn Kinh đối với việc xử phạt Triều Tiên. Sau nhiều thập kỷ bảo vệ Triều Tiên vì lợi ích của mình, Trung Quốc nay đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Trung Quốc cũng hỗ trợ quản trị toàn cầu thông qua sức mạnh kinh tế. Bắc Kinh hiện đang là nhà cung cấp tài chính lớn của một loạt các thể chế tài chính như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng phát triển mới (được thành lập bởi các nước BRICS) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á...

Ngoài ra, Bắc Kinh đã ký kết các hiệp ước đa phương khác nhau mà đảm bảo hỗ trợ của Trung Quốc cho các sáng kiến ​​toàn cầu quan trọng, chẳng hạn như các thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

Tuy nhiên, những điều kể trên không thể nói rằng Trung Quốc đang hỗ trợ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nếu Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Toà trọng tài về xung đột ở Biển Đông cho thấy rằng, Trung Quốc đang không thực hiện đúng luật pháp quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem