5 điều “lạ” của giáo dục Nhật Bản khiến thế giới phải học hỏi

Bảo Linh (tổng hợp) Thứ năm, ngày 25/08/2016 14:20 PM (GMT+7)
Người Nhật được biết đến với trí thông minh, sự dẻo dai, lịch sự, và tính kỉ luật cao. Để có được điều đó một phần không nhỏ là từ phương pháp giáo dục “lạ” khiến cả thế giới phải học hỏi.
Bình luận 0

1. Dưới 10 tuổi học sinh không phải thi

Nếu như ở Việt Nam, học sinh bắt đầu đi học đồng nghĩa với việc phải đối diện với rất nhiều các kỳ thi như: Thi giữa kỳ, thi học kỳ, thi khảo sát chất lượng, thi học sinh giỏi... thì các trường học ở Nhật học sinh không phải tham gia bất kỳ kỳ thi nào cho đến khi học lớp 4 (khoảng 10 tuổi). Các bé chỉ phải làm các bài kiểm tra nhỏ.

Theo người Nhật mục tiêu trong 3 năm đầu tiên của trường học không phải là để đánh giá kiến thức của trẻ, mà để trẻ học cách cư xử và phát triển tính cách. Những năm đầu tiên này các bé được dạy cách tôn trọng người khác, cách đối xử tử tế với động vật và thiên nhiên, cách tha thứ và đồng cảm...  Bên cạnh đó, những đứa trẻ được dạy các phẩm chất như tự lập, cũng như đối xử với mọi người một cách công bằng.

img

Với người Nhật mục tiêu trong 3 năm đầu tiên của trường học là để trẻ học cách cư xử và phát triển tính cách. I.T

2. Hầu hết trường học không tuyển lao công

Trong khi rất nhiều trường học ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới học sinh đến trường không biết đến lao động vì có những nhân viên lao công dọn dẹp giúp từ đầu đến cuối thì ở Nhật Bản hoàn toàn khác. Học sinh ở Nhật phải làm vệ sinh lớp học, nhà ăn, và thậm chí cả nhà vệ sinh. Các em được chia thành các nhóm nhỏ và thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ được giao trong cả năm.

img

Ảnh minh họa. I.T

Việc cùng nhau làm vệ sinh trường học sẽ giúp các em biết cách làm việc tập thể và hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, tự làm cách công việc vệ sinh như quét nhà, lau nhà, cọ bồn cầu giúp các em biết tôn trọng những người lao động.

3. Bữa ăn là buổi học

Bữa trưa ở trường học Nhật Bản là một niềm tự hào của đất nước này. Trong bữa ăn, học sinh không chỉ được ăn theo một thực đơn bổ dưỡng, lành mạnh mà đây còn giáo dục cho các em những bài học ý nghĩa, nhân văn.

img

Sau bữa ăn các em học sinh Nhật cùng nhau dọn dẹp. I.T

Để có được bữa ăn, các em cũng cùng vào bếp chuẩn bị không kể là học sinh nhỏ tuổi hay lớn tuổi. Công việc của các em chỉ là giúp nhà bếp chuẩn bị dụng cụ, chuẩn bị cơm và một số việc lặt vặt. Học sinh các lớp được chia luân phiên giúp đỡ nhà bếp. Ăn xong, các học sinh cũng tự giác giúp dọn dẹp bàn ăn. Điều này không chỉ giúp cho học sinh học thêm được những kỹ năng mềm mà còn là cách giáo dục các em biết ơn, yêu thương những người lao động.

Bữa ăn của nhiều trường ở Nhật, các học sinh sẽ cùng ngồi ăn trong lớp học và cùng với các giáo viên. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ thầy trò tích cực.

4. Không có chuông, trống báo giờ học

Theo chia sẻ của một cô giáo người Nhật trong một buổi giao lưu với phụ huynh, học sinh Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 14.8, trường học của cô từng công tác trước đây không có chuông hay trống báo giờ vào học mà chỉ có đồng hồ. Đến giờ vào học, các học sinh sẽ phải tự giác vào lớp chứ không có bất cứ một lời nhắc nhở nào từ giáo viên. Chính điều này đã tạo nên cho các em tính tự giác, tuân thủ thời gian quy định.

5. Đọc hết sách rồi được tặng mang về nhà

Một số phụ huynh từng có con theo học tại trường mầm non của Nhật cho biết, ngay từ lứa tuổi này việc đọc sách đã rất được chú trọng cho trẻ. Mỗi bé sẽ được cô hướng dẫn đọc 1 cuốn sách liên tục trong vòng vài tuần đến 1 tháng. Sau khi đọc xong, bé sẽ được tặng chính cuốn sách đó để về đọc cùng cha mẹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem