Cuộc triển lãm mang tên "Gặp gỡ mùa thu" của 4 họa sĩ tuổi ngoài 40 và người thầy của họ là họa sĩ Ngô Đăng Hiệp như là một sự tình cờ thú vị với những điều khá khác biệt, không chỉ về sắc màu, thời gian mà còn cả không gian và nhiều cảm xúc tinh tế.
5 họa sĩ Ngô Đăng Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên, Trần Trọng Đạt cùng tham gia triển lãm "Gặp gỡ mùa thu" tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 20-26/9.
Ngày trước, họa sĩ Ngô Đăng Hiệp là giảng viên, còn 4 người trong nhóm là sinh viên của một khóa sư phạm mỹ thuật. Ra trường, 4 anh em sống và làm việc ở nhiều vùng miền xa nhau, nhưng sự đam mê sáng tạo thì vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi người và rồi ý tưởng gặp nhau trong triển lãm này thực sự là một sự tụ hội sắc màu của thầy và trò đầy cảm xúc.
PGS-TS Phan Thanh Bình (Trường Đại học Nghệ thuật Huế) nhận định: "Là triển lãm của nhóm 5 họa sĩ thuộc hai thế hệ, nhưng họ không làm cho công chúng quá chú ý về khoảng cách tuổi nghề, bởi họ gắn kết từ những điểm chung của sự say nghề với những cảm xúc dạt dào không dấu kín.
Tranh của họ rất khác nhau ở sắc màu với những nét mỹ cảm riêng lắng đọng và không khó để nhận diện mỗi người trong đó. Hơn nữa, mỗi người là một hướng đi, mỗi âm sắc, bút pháp và sự khác biệt, điều đó cho thấy những tìm kiếm sáng tạo là trăn trở, khắc khoải của cả cuộc đời để không dẫm theo lối mòn sẵn có nào đó.
Tranh của Ngô Đăng Hiệp sau bao năm tháng đã định hình theo phong cách của anh, với sự trong trẻo, nền nã, tận tâm trong sáng tạo. Tranh của Đoàn Tuyên, Trọng Đạt, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh vừa có những sự gần nhau ở tư duy khám phá, sự mạnh bạo có phần quyết liệt, vừa có cả sự rụt rè, ẩn mình trong mỗi nét mảng hình sắc đang trên đường tìm kiếm và khẳng định. Chính điều đó làm cho phòng tranh trở nên rất gần gũi, chân tình và có cả sự khiêm nhường của những người luôn tự tin vươn về phía trước".
Về tác phẩm của 5 họa sĩ, giám tuyển Ngô Kim Khôi phân tích:Ngôn ngữ hội họa của Ngô Đăng Hiệp là sự rực rỡ của sắc màu. Ngắm tranh của Hiệp, điều đầu tiên đập vào mắt của chúng ta là ngàn tia lóng lánh mà nơi đó màu nóng lên ngôi.
Mỗi tác phẩm của Ngô Đăng Hiệp là sự độc thoại với chính mình, khám phá những sâu kín trong tâm tưởng.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh là đóa hồng duy nhất trong nhóm. Đứng trước tác phẩm của Ngọc Ánh, chúng ta nhận ra ngay nữ tính tràn ngập trong tranh, từ nét vẽ, màu sắc cũng như bố cục.
Bầu trời của Trần Trọng Đạt là những kỷ niệm chập chùng trong tâm tưởng, ùa về đan xen nhau bằng ngôn ngữ của màu sắc. Những bóng dáng tưởng chừng xa lắm nay bỗng qua nét cọ trở về trên tranh, và hiện rõ cùng một lúc câu cười, tiếng nói của quá khứ, như trong tác phẩm Gặp gỡ mùa thu, diễn tả cảm xúc của những gương mặt thầy trò ngày xưa thân ái, là cả một khung trời kỷ niệm và tình cảm thắm thiết học đường. Đây cũng chính là tiêu đề của buổi triển lãm.
Trong sự êm đềm tĩnh lặng, tranh của Hà Văn Chúc lưu luyến trải dài miền đất đi qua, tràn đầy tính giản dị mà thấm thía, diễn tả bằng màu sắc nhẹ nhàng.
Thế giới hội họa của Đoàn Tuyên là những khung trời muôn ngàn màu sắc. Bảng màu của Tuyên rực rỡ nói lên cõi lòng tươi sáng, trong veo như bầu trời xanh Dưới chân núi, những tường nhà hắt lên ánh nắng vàng rộn rã. Trong tranh của Tuyên chúng ta không tìm thấy nỗi buồn, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng thoáng chốc man mác trong cái tĩnh lặng thân thương ẩn chứa đằng sau những màu sắc rạng ngời tươi sáng…
Nguyễn Thị Ngọc Ánh (1977, Quảng Bình) thổ lộ: "Để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thật sự không dễ dàng bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng đến con đường của họa sĩ như lòng yêu nghề, sự đón nhận của người xem tranh, và cả vấn đề kinh tế. Nếu một họa sĩ có đủ các yếu tố đó, họ thật sự hạnh phúc, bởi sống được với niềm đam mê của mình và mang lại niềm yêu thích cho người khác thông qua tác phẩm của mình.
Để thực hiện niềm đam mê, hãy bắt tay vào công việc, đừng chờ khi có thời gian, hãy vẽ những gì chạm đến cảm xúc của mình, những gì thuộc về con người mình, nói lên quan điểm nghệ thuật - cuộc sống của mình. Mọi sự thành công hay không, hãy để thời gian và người xem cảm nhận, đánh giá".
Còn thầy Ngô Đăng Hiệp nhìn nhận:"Tranh chính là người. Khi xem tranh cần chú ý đến tinh thần của tác phẩm. Đó là tâm hồn của tác giả bàng bạc trong từng nét bút, chấm màu.
Tôi vẽ tranh rất chậm, từ một đến vài tháng mới xong một bức. Nhưng cũng có khi vài năm sau, tôi vẫn tiếp tục sửa nếu phát hiện ra yếu tố nào đó chưa vừa lòng.
Với tôi, con đường của hoạ sĩ là con đường hạnh phúc. Hoạ sĩ như người hướng đạo, đưa mọi người đi đến những bến bờ an, vui".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.