Qua kinh nghiệm các nước đang phát triển và thực tế tại Việt Nam, TS.Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra 5 lý do cho rằng, việc hỗ trợ tiền mặt đối với người dân cần được ưu tiên thực hiện.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân lao động, trong đó nhu cầu trang trải chi phí sinh hoạt của người dân là cấp thiết.
Người dân phải trang trải các khoản chi phí, nghĩa vụ nợ (chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền khám chữa bệnh....), tạo sức ép tài chính và tâm lý rất lớn. Do đó, việc hỗ trợ tiền mặt để duy trì cuộc sống là một yêu cầu cấp thiết đối với người dân lúc này.
Theo Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, có 12,8 triệu lao động chính thức bị tác động tiêu cực, trong đó 557 nghìn lao động (chiếm 4,35%) bị mất việc làm; 4,1 triệu lao động tạm nghỉ việc (chiếm 32%); 4,3 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc (34,1%); và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập (66,4%). Cùng đó, khoảng 29,3 triệu lao động tự do cũng bị mất việc làm bởi giãn cách xã hội.
Hai là, hỗ trợ tiền mặt có tác động tức thời, góp phần kích cầu tiêu dùng. Khác với các biện pháp hỗ trợ kinh tế khác như giảm thuế, phí, tạm dừng đóng bảo hiểm... có độ trễ khi triển khai, việc phát tiền mặt (nếu được triển khai tốt) có tác động gần như tức thì khi người dân sử dụng tiền để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình.
Không chỉ là trong dịch, ngay cả ở thời điểm hiện tại và sau khi chúng ta thực hiện nới lỏng giãn cách và hoạt động kinh tế mở cửa trở lại vẫn cần phải ưu tiên phát tiền mặt hỗ trợ cho dân, đặc biệt là những lao động tự do, người mất việc, các đối tượng yếu thế. Đây là khoản tiền rất quan trọng, là "năng lượng" để người dân duy trì sinh hoạt tối thiểu trong khoảng thời gian đầu quay trở lại công việc, tìm kiếm việc làm. Đồng thời, đối với không ít lao động tại thành phố đã di cư về các địa phương trong dịch nếu không có khoản hỗ trợ này của Nhà nước họ sẽ không có tiền để quay trở lại thành phố, quay trở lại doanh nghiệp... Tất nhiên, khi chúng ta đã quay trở lại trạng thái bình thường mới, việc phát tiền hỗ trợ chỉ nên kéo dài thêm nửa tháng đến 1 tháng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính
Ba là, hỗ trợ tiền mặt là một trong những biện pháp phổ biến được nhiều quốc gia triển khai nhằm giúp người dân đối phó với tác động của dịch bệnh. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ; nhiều quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Nigeria, Peru, Sri Lanka, Togo... phát tiền mặt cho người dân, nhất là trong năm 2020 và đợt dịch bùng phát gần đây.
Bốn là, hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp người dân yên tâm chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội, đảm bảo an dân và an sinh. Việc được hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp người dân yên tâm hơn về nguồn tài chính. Từ đó, làm giảm sức ép phải ra ngoài kiếm sống.
Bên cạnh đó, việc phát tiền mặt cũng có ý nghĩa to lớn đối với đối với các đối tượng yếu thế (người nghèo, người tàn tật, người mất khả năng lao động...), vốn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh.
Năm là, hỗ trợ tiền mặt gây ra ít tác động phụ so với các biện pháp tiền tệ và tài khóa khác. So với các biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, cho vay ưu đãi, giảm thuế..., phát tiền mặt với quy mô hợp lý (mức chi tiêu trung bình của hộ dân), thời gian phù hợp (trong thời gian giãn cách xã hội) và đúng đối tượng (những người thu nhập trung bình và thấp) sẽ ít gây tác động tiêu cực khiến cho tiền hỗ trợ chảy vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản; thậm chí, còn góp phần gây nên tình trạng bong bóng tài sản và tăng áp lực lạm phát.
Thiết kế gói hỗ trợ và quá trình thực thi còn khó khăn, chậm tiến độ
Theo TS.Cấn Văn Lực, tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến người dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi dịch bùng phát trở lại lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) đã lan rộng ra 62 tỉnh, thành phố và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội.
Bên cạnh các gói hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh; một số gói an sinh xã hội đã được thực hiện và đã hỗ trợ người dân phần nào, đặc biệt là công nhân, nông dân và những người yếu thế (người nghèo, người khuyết tật, người có công…).
Tuy nhiên, việc thiết kế gói hỗ trợ và quá trình thực thi còn khó khăn, chậm tiến độ, trong khi nhu cầu của người dân là cấp thiết.
Tính đến hết tháng 8/2021, theo thông tin từ Bộ LĐTB&XH, tổng số lao động đã được hỗ trợ là trên 15 triệu lượt người với tổng số tiền là 8.400 tỷ đồng (32% tổng gói hỗ trợ); 1,2 triệu lao động tự do đã nhận 2.180 tỷ đồng (do các địa phương tự xác định đối tượng và chi).
Còn theo số liệu mới nhất mà nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV thu thập được, đến nay, các địa phương mới hỗ trợ lao động tự do với số tiền khoảng gần 2.370 tỷ đồng, rất nhỏ so với nhu cầu cấp thiết.
Từ thực tế trên, ông Lực kiến nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP đến thời điểm hiện tại và tiến hành sửa đổi, tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, xem xét sớm mở rộng đối tượng hỗ trợ tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (tổng số lao động năm 2020 là 54,6 triệu người, trong đó có khoảng 29,3 triệu người (53,7%) là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68.
Ba là, việc thu thập thông tin đối tượng cần hỗ trợ nên được tổng hợp, đối chiếu từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận nhanh chóng và chính xác quyền lợi của mình.
Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn, cập nhật thường xuyên phục vụ công tác an sinh xã hội, cứu trợ; có sự liên thông, chia sẻ được với cơ sở dữ liệu định danh quốc gia.
Khảo sát online về thời gian bị mất việc làm của người lao động, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong số hơn 42.700 người bị mất việc làm (trên tổng số hơn 69 nghìn người tham gia khảo sát đến từ khối cơ quan nhà nước, cơ quan sự nghiệp, doanh nghiệp và lao động tự do), số bị mất việc từ 1- 3 tháng chiếm 50%. Số người mất việc dưới 1 tháng là 19%, số người mất việc trên 6 tháng là 15%.
Trên 42.700 người bị mất việc làm, có tới 45% trong số này phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình. Con số về lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh được tiếp cận với gói hỗ trợ của nhà nước là nhỏ nhất, chỉ đạt 2%. Đáng lưu tâm là số người lao động bị mất việc làm nhưng không nhận được sự trợ giúp chiếm tới 39,6%.
Khảo sát cũng cho thấy, có đến 48,2% số người mất việc trả lời không thể kiếm được việc để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.