5 mối đe dọa đối với hoạt động của Hải quân Mỹ trên toàn cầu

Thứ bảy, ngày 01/02/2020 20:31 PM (GMT+7)
Tàu ngầm mang ngư lôi, tên lửa chống hạm hay thủy lôi là những vũ khí điển hình đe dọa đối với hoạt động của Hải quân Mỹ trên toàn cầu.
Bình luận 0

Hải quân Mỹ được đánh giá là lực lượng có năng lực tác chiến đứng đầu thế giới. Với mạng lưới toàn cầu kết hợp với các liên minh, khu vực hoạt động của Hải quân Mỹ bao phủ trên toàn cầu. Từ Biển Đen đến biển Hoàng Hải, Hải quân Mỹ luôn có mặt ở mọi điểm nóng.

Kyle Mizokami, nhà phân tích quân sự người Mỹ gốc Nhật Bản, cho rằng với khu vực hoạt động rộng như vậy, Hải quân Mỹ đang đối mặt với không ít nguy cơ. Từ tàu cao tốc và thủy lôi của Hải quân Iran đến tên lửa đạn đạo chống hạm công nghệ cao của Trung Quốc. Ông Mizokami đã liệt kê 5 mối đe dọa đối với hoạt động của Hải quân Mỹ trên toàn cầu.

Thủy lôi

Tuy là loại vũ khí cổ điển, nhưng luôn là mối đe dọa đối với hoạt động của bất kỳ lực lượng hải quân nào. Thủy lôi được phát triển bởi một người Trung Quốc trong thế kỷ XIV. Nó nhanh chóng trở thành vũ khí đầy nguy hiểm.

img

Thủy lôi, vũ khí rất nguy hiểm với hoạt động của tàu chiến. Ảnh: Shutterstock.

Thủy lôi không được sử dụng trong thời bình, nhưng nếu xảy ra chiến tranh, nó có thể nhanh chóng trở thành vũ khí gây nhiều khó khăn nhất đối với hoạt động của hải quân. Trong lịch sử, nhiều tàu chiến của Hải quân Mỹ đã bị hư hại nặng do trúng thủy lôi trong các hoạt động ở vịnh Ba Tư.

Những tàu chiến trị giá hàng tỷ USD không thể hoạt động khi đối mặt với những quả ngư lôi có giá chỉ vài chục nghìn USD. Các quốc gia đối thủ tiềm năng của Mỹ như Trung Quốc ước tính có từ 50.000 đến 100.000 quả thủy lôi. Iran cũng có khoảng vài chục nghìn quả.

Thủy lôi luôn gây ra sự khó chịu, nhưng trong bất kỳ cuộc xung đột nếu có trong tương lai, Hải quân Mỹ sẽ phải đối mặt với vũ khí rẻ tiền nhưng rất nguy hiểm này.

Tên lửa đạn đạo chống hạm

Trung Quốc không chỉ phát triển một danh sách dài các loại tên lửa hành trình chống hạm, mà còn phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng tấn công tàu sân bay. Tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đạn đạo đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng sự kết hợp 2 loại tên lửa này vào trong một thiết kế tạo ra mối đe dọa chưa từng có trước đây.

Sự phát triển của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26 tạo ra mối đe dọa lớn cho lực lượng hải quân muốn hoạt động ở vùng biển tiếp giáp Trung Quốc. Hai loại tên lửa này được cho là nòng cốt trong chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” của Trung Quốc.

Tàu ngầm

Năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Mỹ giảm mạnh từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tệ hại hơn, năng lực chống ngầm còn giảm tiếp khi Hải quân Mỹ cho ngưng hoạt động máy bay chống ngầm chuyên dụng S-3 Viking vào năm 2009.

img

Tàu ngầm tấn công điện - diesel lớp Kilo của Hải quân Nga. Ảnh: Defense Image.

Quá trình thay thế máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion diễn ra chậm. Các tàu chiến thiếu cảm biến, vũ khí chống tàu ngầm mới, và sự thiếu kinh nghiệm tổ chức tác chiến khiến Hải quân Mỹ đối mặt với nhiều mối đe dọa từ tàu ngầm.

Trong vòng 4 đến 6 năm qua, mối đe dọa từ tàu ngầm đang tăng với mức độ cấp bách hơn. Nga, Trung Quốc đang phát triển mạnh hạm đội tàu ngầm ngày càng tinh vi hơn. Triều Tiên cũng kiên định với mục tiêu phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Kỷ nguyên chiến tranh chống ngầm đã trở lại.

Tên lửa chống hạm siêu âm

Đây là vũ khí nguy hiểm nhất đối với hoạt động của tàu chiến. Các loại tên lửa chống hạm siêu âm như YJ-18 của Trung Quốc có tầm bắn gần 500 km và có tốc độ pha cuối lên đến Mach 2,5 tới Mach 3 (3.060 đến 3.600 km/h).

img

BrahMos, một trong những tên lửa chống hạm đáng sợ nhất thế giới. Ảnh: Ibtimes.

Nga - Ấn Độ đã hợp tác phát triển tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos có tốc độ pha cuối tới 3.600 km/h. Nga không đưa BrahMos vào sử dụng, nhưng họ có phiên bản P-800 Oniks có tính năng tương tự.

Phạm vi và tốc độ của tên lửa như YJ-18 buộc Hải quân Mỹ phải tăng cường số lượng tàu chiến để dự phòng, và chuẩn bị cho kịch bản bị đánh chìm cũng như sử dụng tàu ngầm để ngăn chặn trước lực lượng đối phương.

Một giải pháp khác là dùng tên lửa đối phó tên lửa. Nhưng với một tên lửa bay với tốc độ 3.600 km/h như BrahMos ở độ cao 14 m, Hải quân Mỹ có rất ít thời gian để đối phó.

Vũ khí năng lượng định hướng

Ứng dụng tia laser làm vũ khí đang trở thành một công nghệ hot trên toàn thế giới. Vũ khí năng lượng định hướng đang trở thành mối đe dọa lớn đối với khả năng tấn công của Hải quân Mỹ.

Vũ khí laser một khi đã phát triển thành có chi phí cho mỗi phát bắn rất thấp. Nó có thể sử dụng cho mục đích tấn công và phòng thủ rất hiệu quả. Điều gì sẽ xảy ra khi tên lửa không đối không của Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời, hay các tàu gần bờ bị tấn công bằng tia laser.

Ngoài ra, vũ khí laser cũng có thể sử dụng để gây nhiễu các loại vũ khí dẫn đường bằng laser, như tên lửa chống hạm khiến chúng mất mục tiêu, giảm hiệu quả tấn công. Ông Mizokami kết luận rằng, Lầu Năm Góc cũng như Hải quân Mỹ phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để đối phó với các mối đe dọa này.

Quốc Việt (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem