5 năm thành lập Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội: Đóng góp lớn cho tam nông

Thứ tư, ngày 06/11/2013 11:19 AM (GMT+7)
5 năm xây dựng và phát triển, Chi cục PTNT Hà Nội luôn gắn liền với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), là đơn vị nòng cốt thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về “Xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp...”.
Bình luận 0
Kiện toàn bộ máy tổ chức

Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1896/QĐ-UBND ngày 7.11.2008 của UBND TP.Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Chi cục Hợp tác xã và PTNT Hà Tây, Chi cục Hợp tác xã và PTNT Hà Nội và Phòng Chính sách thuộc Sở NNPTNT Hà Nội.

Chi cục PTNT Hà Nội là đơn vị hành chính trực thuộc Sở NNPTNT Hà Nội, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế hợp tác, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, chương trình phát triển nông thôn, ngành nghề nông thôn, quy hoạch ổn định dân cư nông thôn. Tới tháng 3.2009, chi cục được giao thêm nhiệm vụ tham mưu trực tiếp công tác xây dựng NTM TP.Hà Nội.
Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thăm một làng nghề (Ảnh: NNVN)
Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thăm một làng nghề (Nguồn ảnh: NNVN)

Đến nay, tổng số biên chế của chi cục là 71 người, bộ máy tổ chức ngày càng được kiện toàn và sắp xếp hợp lý, khoa học. Ngoài chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực HTX, hiện Chi cục PTNT Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng NTM. Đặc biệt là đầu năm 2009, Chi cục PTNT Hà Nội được giao thêm nhiệm vụ là Văn phòng Ban chỉ đạo thành phố, tham mưu thực hiện Nghị quyết về tam nông.

Bước đầu, chi cục đã tham mưu cho Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thành công mô hình thí điểm NTM tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, là 1 trong 11 mô hình thí điểm của cả nước. Từ chỗ xã chỉ có 1 tiêu chí đạt (An ninh trật tự xã hội), các tiêu chí còn lại đạt ở mức độ thấp, sau hơn 2 năm triển khai, xã đã cơ bản đạt yêu cầu đề ra, tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm đạt 23%; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm, tăng 2,12 lần so với năm 2009; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2%. So với Bộ tiêu chí quốc gia, xã đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí.

Nòng cốt trong xây dựng NTM

Ngày 29.8.2011, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Thành ủy đã ban hành Chương trình số 02- CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”; triển khai trên địa bàn 19 huyện, thị xã với 401 xã, theo đó chỉ tiêu phấn đấu của TP. Hà Nội đến năm 2015 phải đạt tối thiểu 40% số xã (161 xã) hoàn thành xây dựng NTM.

Trong 5 năm qua, tập thể Chi cục PTNT Hà Nội đã được Chính phủ tặng 2 bằng khen; UBND TP.Hà Nội tặng 1 cờ thi đua; 1 cá nhân được Thành ủy Hà Nội tặng bằng khen; 4 cá nhân và 2 tập thể được Bộ NNPTNT tặng bằng khen, 7 cá nhân và 8 tập thể được UBND TP. Hà Nội tặng bằng khen...

Nhận thức được đây là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng mục tiêu thì rất rõ ràng là hỗ trợ cho cư dân nông thôn nâng cao đời sống, nên ngay sau khi có nghị quyết, chi cục đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình 02- CTr/TU, ban hành quy chế hoạt động và thành lập các tổ chức, bộ máy thực hiện. Để có căn cứ triển khai diện rộng về xây dựng NTM, chi cục đã tham mưu lập Đề án xây dựng NTM TP.Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030; đồng thời, chọn 3 xã điểm của thành phố là: Song Phượng (Đan Phượng); Mai Đình (Sóc Sơn); Đại Áng (Thanh Trì).

Chi cục cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến xã, thôn; với lớp cán bộ huyện, thị xã tổng số trên 950 lượt người; lớp cán bộ xã, thôn trên 34.000 người tham dự. Sau tập huấn, cán bộ làm công tác xây dựng NTM đã nắm rõ hơn về phương pháp, bước đi, cách làm, vận dụng sáng tạo vào thực hiện ở địa phương. Hà Nội được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao, là địa phương đi đầu trong cả nước về công tác này.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết Tam nông của T.Ư và 3 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, về nông nghiệp: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, so với năm 2008, hiện nay trồng trọt chiếm 44,6% (giảm 7%); chăn nuôi 52,3% (tăng 5,8%). Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012 đạt 199,2 triệu đồng/ha, tăng 128,84 triệu đồng/ha. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới vào sản xuất, các chương trình sản xuất hàng hóa chất lượng cao được đẩy mạnh.

Công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá được chỉ đạo quyết liệt, đến nay, toàn thành phố đã thực hiện được 41.061/75.258ha, đạt 54,56%; riêng năm 2012, đã dồn điền đổi thửa được 35.663,39/19.444,9ha, đạt 183,41% kế hoạch. Nhờ đó, quy hoạch lại giao thông mương máng nội đồng, thuận lợi hơn cho áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn trước nhiều. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hình thức tích tụ ruộng đất hiệu quả cao đã và đang liên tục ra đời như: Mô hình sản xuất hoa, rau an toàn, chăn nuôi xa khu dân cư...

Về xây dựng NTM, đến nay 100% số xã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM; 21 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 94 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí; 187 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí; 89 xã đạt và cơ bản đạt 5-9 tiêu chí; 10 xã đạt và cơ bản đạt dưới 5 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng, kinh tế văn hóa xã hội ngày càng được củng cố và phát triển.

Đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,712 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,08%; tỷ lệ lao động khu vực nông thôn có việc làm ổn định đạt 97,2%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 42%.

Trải qua 5 năm xây dựng và phát triển, Chi cục PTNT Hà Nội bước đầu đã thu được kết quả quan trọng, song cũng còn một số tồn tại nhất định. Tuy nhiên, với những bài học kinh nghiệm rút ra trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, cùng với những giải pháp trong triển khai thực hiện trong thời gian tới sẽ là tiền đề cho những bước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo; góp phần tham mưu thực hiện thành công Chương trình “Xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống nông dân” của Thành ủy Hà Nội.
Thạc sĩ Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nộ ( Thạc sĩ Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nộ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem