5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông: Chống ỷ lại, chạy theo hình thức

Thứ năm, ngày 26/12/2013 09:49 AM (GMT+7)
Hôm qua (25.12), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khoá X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết này.
Bình luận 0
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự và chủ trì hội nghị.

Linh hồn là nông thôn mới

Sau 5 năm, kể từ khi Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X thông qua Nghị quyết về vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” tại kỳ họp thứ 7, nét nổi bật mà ngành nông nghiệp đạt được, đó là nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với năng suất và chất lượng ngày càng cao. GDP của ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 2,9%/năm, có nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch mà Đại hội Đảng lần thứ X (2006) đề ra.

Nét nổi bật nhất trong 5 năm qua là Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được triển khai sâu, rộng, trở thành phong trào nổi bật ở nhiều địa phương, làm cho bộ mặt nông thôn đổi khác. Có thể nói, xây dựng NTM chính là linh hồn của Nghị quyết về “tam nông”. Tính đến nay, đã có 93,1% tổng số xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM, 79,2% số xã hoàn thành lập Đề án xây dựng NTM. Các địa phương đã huy động được trên 105.000 tỷ đồng.

Bộ mặt nông thôn sau 5 năm đã dần được cải thiện (ảnh: Bê tông hóa làng ở  Hải Hậu, Nam Định).
Bộ mặt nông thôn sau 5 năm đã dần được cải thiện (ảnh: Bê tông hóa làng ở Hải Hậu, Nam Định).

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Tính tới tháng 9.2013, bình quân một xã đã đạt được 7,87 tiêu chí so với 4,58 tiêu chí tháng 12.2011. Trong 8.971 xã báo cáo đã có 67 xã được công nhận đạt cả 19 tiêu chí NTM. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn khoảng 12,6%, giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp cũng thừa nhận nhiều mục tiêu chưa được như kỳ vọng như: Chưa ngăn chặn được suy giảm tốc độ tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp; an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội, sản xuất lúa gạo còn đạt giá trị thấp....

Về tình hình nông thôn, Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, đời sống của dân cư nông thôn nhìn chung còn thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng; đầu tư của tư nhân trong nước vào nông thôn đạt thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp giảm từ 1,48% (2004-2008) xuống còn 0,89% (2009-2013). Trong 5 năm chỉ có 3.486 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 126.469 tỷ đồng, nhưng lại có 475 doanh nghiệp (15%) bị giải thể…

Nâng cao đời sống nông dân

Ông Lê Đình Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Khi nói tới cơ cấu ngành nông nghiệp, không nên bàn với tốc độ tăng trưởng, bởi lợi nhuận thấp, nông dân không mặn mà. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Như ở Hà Tĩnh, chúng tôi xác định hướng đi bằng cách tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi, sản phẩm chủ lực để tạo liên kết sản xuất, đồng thời có những chính sách đi kèm để thực hiện”.

Nhiều chỉ tiêu tam nông quá cao

Tại hội nghị hôm qua, có ý kiến cho rằng, một số chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết tới năm 2020 là quá cao, khó đạt được (như tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 3,5-4% năm; số xã đạt tiêu chí NTM 50%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 30%. Từ đó, nhiều ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh cho phù hợp hơn như tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp khoảng 3-3,5%/năm; tỷ lệ xã đạt tiêu chí NTM 30%; tỷ lệ lao động nông nghiệp 35%...

Còn ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM ở tỉnh mình, khi ông cho biết, để xây dựng NTM đạt hiệu quả, xét cho cùng là đời sống của người nông dân được nâng cao.

Sản xuất nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hoá; phải quy hoạch lại sản xuất, ở đâu, trồng cây gì, nuôi con gì… Như vừa qua chúng tôi triển khai xây dựng thương hiệu nông sản, doanh nghiệp đã tự tìm đến mua sản phẩm mà không đủ để bán. Dự kiến tới cuối năm nay, Quảng Ninh sẽ có tới 34 xã đạt đủ tiêu chí NTM.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều là các vấn đề chiến lược. Muốn công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước hết phải tiến hành ngay ở nông nghiệp. Phải đưa khoa học kỹ thuật vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị, tạo sức cạnh tranh lớn. Có làm được như vậy mới là chiến lược.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, về nông thôn, hiện chương trình xây dựng NTM cần phải gắn với giảm nghèo. “Vấn đề này chúng ta làm đã tốt chưa, vấn đề chưa tốt là gì?” - Chủ tịch đặt câu hỏi.

“Hiện vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ. Có nhiều nơi chạy theo hình thức. Tôi cho rằng quan trọng nhất khi làm NTM là người dân phải có đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao. Còn đối với nông dân, là lực lượng của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thì đây chính là chủ thể mà chúng ta cần phải giúp họ để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm....” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem