50 năm, có 400 cuộc khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn

Thứ bảy, ngày 20/04/2019 18:31 PM (GMT+7)
Những cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra từ đầu thế kỉ XIX và tiếp tục phát triển rầm rộ ở khắp nước cho đến giữa thế kỉ XIX. Sử cũ ghi lại có hơn 400 cuộc khởi nghĩa như vậy.
Bình luận 0

Tình hình xã hội và đời sống nhân dân

Cuộc khủng hoảng xã hội ở nửa sau thế kỉ XVIII đã khiến nhà nước quân chủ phong kiến thời Nguyễn tăng thêm tính chuyên chế, củng cố quan hệ sản xuất phong kiến. Xã hội chia thành hai giai cấp : giai cấp thống trị bao gồm vua quan và địa chủ, cường hào ; giai cấp bị trị bao gồm các tầng lớp nhân dân lao động mà tuyệt đại đa số là nông dân.

Nhà Nguyễn cố gắng hoàn chỉnh bộ máy thống trị nhằm ổn định tình hình xã hội nhưng không ngăn chặn được sự phát triển của tệ tham quan ô lại.

Nhân dân có câu :

Con ơi, mẹ bảo con này,

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Không chỉ có nhân dân than thở : "Muốn nói gian làm quan mà nói" hay "quan tha, nha bắt"... mà cả vua Minh Mạng cũng bất bình, đã từng nhận xét: bọn quan lại "xem pháp luật như hư văn, xoay xở nhiều vành, chỉ cốt lấy tiền, không được thì buộc tội".

(Đại Nam thực lục)

Ở nông thôn, địa chủ cường hào lại tiếp tục hoành hành, ức hiếp nhân dân.

Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tâu với vua : "Cái hại quan lại là một, hai phần, còn cái hại cường hào đến 8, 9 phần". Nhà nước chia vùng để đánh thuế, mức thuế khá nặng. Tô tức của địa chủ cũng khá cao. Mỗi năm người dân đinh phải chịu 60 ngày lao dịch.

img

Một ngôi làng cuối thời nhà Nguyễn

Bên cạnh đó, các vua Nguyễn còn tập trung sức dân, của cải xây dựng kinh thành, cung điện ở Phú Xuân, phá dỡ cung điện vua Lê ở Hà Nội chuyển vào, điều động hàng nghìn dân đinh, binh lính Thanh Hoá, Nghệ An, Bắc thành vào làm trong hàng chục năm. Theo sử cũ, trong một lần tuần du ra Bắc, vua Thiệu Trị đã bắt nhân dân xây dựng 44 hành cung ở dọc đường để vua nghỉ.

Không những thế, thiên tai, mất mùa, đói kém lại thường xuyên xảy ra. Có năm bão lụt lớn làm đổ hàng vạn nhà dân, hàng ngàn người chết. Có năm nạn dịch lan tràn làm hàng chục vạn người chết.

Một bài vè đương thời có câu :

Xúc đầy nghĩa địa

Thây thối bên cầu

Trời ảm đạm u sầu

Cảnh hoang tàn đói rét.

Phong trào đấu tranh của nhân dân và binh lính

Những cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra từ đầu thế kỉ XIX và tiếp tục phát triển rầm rộ ở khắp nước cho đến giữa thế kỉ XIX. Sử cũ ghi lại có hơn 400 cuộc khởi nghĩa như vậy.

Tiêu biểu và rộng lớn nhất trong phong trào nông dân là các cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành và do Cao Bá Quát lãnh đạo.

img

Cảnh xử án thời nhà Nguyễn

Khởi nghĩa do Phan Bá Vành lãnh đạo nổ ra vào năm 1821 ờ Sơn Nam hạ (Nam Định, Thái Bình...) mở rộng hoạt động ra các trấn Hải Dương, An Quảng. Nông dân tham gia đông đảo. Dân gian có câu :

Trên trời có ông sao Tua, ở làng Minh Giám có vua Ba Vành.

Triều đình đã huy động một lực lượng quân sự lớn tấn công đàn áp trong nhiều năm và đến năm 1827, cuộc khởi nghĩa bị dẹp yên. Làng Trà Lũ (Nam Định) bị phá trụi, 7000 - 8000 người bị bắt.

Cuộc khởi nghĩa do Cao Bá Quát lãnh đạo bùng lên ở vùng Ứng Hoà (Hà Tây cũ) năm 1854, mở rộng hoạt động ra các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, nhưng do chưa chuẩn bị đủ lực lượng nên năm 1855 đã bị triều đình đàn áp.

img

Chân dung Cao Bá Quát, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân ở Ứng Hòa (nay thuộc Hà Nội)

Trong quá trình đàn áp các cuộc khởi nghĩa theo lệnh của triều đình Nguyễn, nhiều binh sĩ bất bình, đã có lúc chống đối. Năm 1833, ở Phiên An (Gia Định) đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của binh lính do Lê Văn Khôi lãnh đạo. Được sự hưởng ứng của binh lính và nông dân nhiều nơi, nghĩa quân đã có lúc làm chủ cả các tỉnh thuộc Nam Bộ ngày nay, nhưng đến năm 1835 thì bị đàn áp.

Ở nửa đầu thế kỉ XIX, các dân tộc ít người ở phía bắc cũng như phía nam nhiều lần nổi dậy chống chính quyền.

Ở phía bắc, nổi lên cuộc khởi nghĩa của người Tày ở Cao Bằng dưới sự lãnh đạo của Nông Văn Vân vào các năm 1833 - 1835, của người Mường ở Hoà Bình và Tây Thanh Hoá dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng họ Quách với danh nghĩa "phù Lê" vào các năm 1832 - 1838. Ở vùng Tây Nam Kì, trong các năm 1840 - 1848, nhiều cuộc khởi nghĩa của người Khơ-me đã nổ ra, gây nhiều khó khăn cho sự thống trị của nhà Nguyễn.

Phong trào đấu tranh của nhân dân chỉ tạm lắng xuống khi thực dân Pháp bắt đầu có những hành động chuẩn bị xâm lược nước ta.

PV (Tri Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem