Đinh Tiên Hoàng coi Hoàng đế Triệu Khuông Dẫn như bậc... con cháu?

Chủ nhật, ngày 14/04/2019 19:34 PM (GMT+7)
Trong các văn bản quan hệ ngoại giao với nhà Tống thì Đinh Tiên Hoàng lại cho con trai là Đinh Liễn đứng tên, tức là ông cho con ông ra mặt giao thiệp với hoàng đế nhà Tống. Kiểu đó thực không khác gì coi Triệu Khuông Dẫn như bậc con cháu cả.
Bình luận 0

Trong lịch sử Việt Nam, triều Đinh tồn tại trong một thời gian không dài, chỉ 12 năm từ 968 đến 980 và cũng chỉ có duy nhất một đời vua thực sự nắm quyền là Đinh Tiên Hoàng (Đinh Phế Đế là vua thứ 2 chỉ ở ngôi được 1 năm khi còn quá nhỏ rồi bị truất). Tuy nhiên, những dấu ấn của triều Đinh thì không phai mờ trong lịch sử dân tộc. Triều Đinh mà cụ thể là vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt nền móng ngoại giao ngang bằng và vững chắc của dân tộc ta trước các triều đại Trung Quốc.

img

Đinh Tiên Hoàng. Ảnh mình họa.

Dấu ấn thể hiện sự ngang bằng của Đinh Tiên Hoàng ở việc ông đặt tên nước (quốc hiệu) là Đại Cồ Việt. Đại là từ Hán-Việt và có nghĩa “vĩ đại”; Cồ là một chữ Việt cũng có nghĩa “to lớn, vĩ đại“. Cần nhớ trước đó và sau này các triều đại ở Trung Quốc chỉ xưng quốc hiệu là Đại Tần, Đại Tấn, Đại Đường, Đại Tống... thì cũng chỉ có một chữ đại. Riêng Đinh Tiên Hoàng lại dùng đến hai chữ Đại và Cồ ở trước tên nước thì có lẽ nhà vua không chỉ muốn nước ta sánh ngang với phương Bắc mà còn kỳ vọng to lớn hơn, vĩ đại hơn.

Ngoài ra, vua còn tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Trước đó trong lịch sử thì cũng có hai vua nước ta xưng đế chính là Lý Bí (Lý Nam Đế) và Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế). Còn các vua khác chỉ xưng Vương như Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương), Phùng Hưng (được con tôn là Bố Cái đại vương)... Đến ngay như Ngô Quyền sau khi đánh tan quân Nam Hán mở ra thời kỳ độc lập lâu dài thì cũng mới chỉ xưng là Ngô Vương (Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục). Còn nhà họ Khúc hay Dương Đình Nghệ tuy đã mở thời kỳ người Việt làm chủ đất Việt nhưng chỉ xưng là Tiết độ sứ để khỏi phát sinh lôi thôi với chính sách bành trướng của triều đình phương Bắc. Theo quan điểm của phương Bắc thời đó thì chỉ có vua của họ mới được xưng là Đế còn các nước xung quanh chỉ được xưng là Vương, tức dưới Đế một bậc.

Các vua nước ta là Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế tự xưng Đế là để khẳng định ta không phụ thuộc gì với triều đại bên Trung Quốc nhưng Đinh Tiên Hoàng lại còn tiến xa hơn một bước khi xưng là Hoàng Đế. Danh Hoàng Đế là do Tần Thủy Hoàng nghĩ ra, chữ Hoàng có nghĩa là người thống trị bậc cao nhất, chữ Đế trước đó chỉ dùng để gọi Trời mà không dùng để gọi Vua. Tần Thủy Hoàng muốn khẳng định mình có uy quyền thống trị toàn bộ thế gian vì đã thôn tính được 6 nước khác thống nhất Trung Hoa qua việc đổi xưng Hoàng đế. Do vậy có thể thấy Đinh Tiên Hoàng khi xưng Hoàng đế cũng muốn khẳng định ông có uy quyền thống trị không kém gì các vua ở phương Bắc.

Hai năm sau khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi thì Tống Thái Tổ (tức Triệu Khuông Dận) bắt đầu xua quân xuống phía nam đánh Nam Hán. Năm 971, Nam Hán bị diệt và biên giới Tống sát với nước ta. Ngay từ đó, hai bên Việt - Tống đã có ngoại giao qua lại. Cuốn Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước của Nguyễn Lương Bích ghi nhận: "Điều đặc biệt trong đường lối, phong cách ngoại giao của Đinh Tiên Hoàng là ông vẫn làm vua, vẫn cầm quyền trị nước, nhưng trong các văn bản quan hệ ngoại giao thì ông lại cho con trai là Đinh Liễn đứng tên, tức là ông cho con ông ra mặt giao thiệp với hoàng đế nhà Tống". Kiểu đó thực không khác gì coi Triệu Khuông Dẫn như bậc con cháu cả. Trên thực tế, Đinh Tiên Hoàng sinh năm 924 thì cũng chỉ hơn Triệu Khuông Dẫn 3 tuổi. Thái độ đó của Đinh Tiên Hoàng, có thể triều Tống không bằng lòng, nhưng nhà Tống chưa làm gì được vì khi đó phải bận dẹp nội chiến.

Về sau, nhà Nguyên bên Trung Quốc cũng cay cú với việc nhà Trần chỉ cho vua con ra tiếp thư, nhận chiếu của họ chứ vua cha tức Thái Thượng hoàng thì không thèm tiếp. Thật ra, nhà Trần có truyền thống nhường ngôi cho con sớm để con lo việc điều hành nước nhưng quyền lực tối cao vẫn trong tay Thái thượng hoàng. Chỉ có điều theo chính danh, vua con là người đứng đầu triều đình thì chịu trách nhiệm làm việc với triều đình phương Bắc là điều đương nhiên. Nhưng phương Bắc lại cho rằng bị người nước ta chơi xỏ nên suốt một thời gian trong các văn thư qua lại, họ không chịu thừa nhận vua nước ta là vua mà chỉ coi là thái tử, và coi thái thượng hoàng mới là vua.

Anh Tú (Một Thế Giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem