Thiếu đi sự đồng hành của giáo viên và môi trường giao tiếp cùng bạn bè trong giai đoạn tiền học đường, trẻ có thể bị khủng hoảng về cảm xúc cũng như thiếu kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu đầu vào của lớp Một.
Sợ Covid nên cho con ở nhà
Dù hàng ngày vẫn theo dõi đều đặn hình ảnh các hoạt động của lớp Lớn được gửi vào group phụ huynh, nhưng chị Nguyễn Phương Ánh (trú phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vẫn chưa cho con đi học. Bé Trần Hải An, con trai chị năm nay chuẩn bị vào lớp Một. “Ở nhà lủi thủi chơi một mình thấy con cũng buồn. Khi anh cháu còn học trực tuyến thì 2 anh em chơi cùng nhau sau giờ học. Nhưng giờ anh đã đến trường học trực tiếp nên cháu không có ai chơi cùng. Nhưng cho con đến trường thì chúng tôi không yên tâm vì số ca nhiễm Covid vẫn còn nhiều” – chị Ánh cho biết.
Để con hạn chế xem hoạt hình, chị Ánh tìm mua một số quyển vở tập tô chữ, số… giúp con làm quen với bảng chữ cái. Chị Ánh kể: Dù đã quy định mỗi ngày phải tô xong 1 trang nhưng gần cả tháng nay con vẫn chưa tô xong các nét cơ bản. Ngồi tập tô chưa được 10 phút thì than mỏi tay, con đi uống nước, con đau bụng… để thoái thác việc ngồi học.
Cũng có con chuẩn bị vào lớp Một trong năm học tới, chị Hồng Vân (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cùng với 2 phụ huynh khác ở gần nhà tìm gia sư về nhà dạy chữ cho con. “Dù biết nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nhưng cả ngày ở trường, trẻ ăn, ngủ cùng nhau mà không phải lúc nào cũng sử dụng khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm nếu có ca mắc Covid vẫn cao nên tôi chưa cho con đi học” – chị Vân nói.
Mỗi tuần, bé Gia Ngọc – con gái chị Hồng Vân cùng với 2 bạn khác có 3 buổi học làm quen với chữ cái, tập viết, học toán… với gia sư là sinh viên trường sư phạm. Theo chị Vân, việc học theo nhóm nhỏ, các con vừa có bạn chơi cùng nhưng cũng đảm bảo an toàn phòng dịch.
Mất cơ hội trải nghiệm giai đoạn tiền tiểu học
Cô Lê Thị Thu Lan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Sau gần một tháng đón trẻ trở lại trường, số trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đã tăng lên đáng kể. “Những tuần đầu, lớp Lớn chỉ có 2-3 trẻ đi học. Chúng tôi chủ trương tiếp tục tuyên truyền phương án phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho trẻ thông qua group các lớp nên số trẻ ra lớp dần dần tăng lên. Hiện giờ, sĩ số của mỗi lớp Lớn của trường đã có từ 15 – 20 trẻ đi học, tuy nhiên, vẫn chỉ chiếm khoảng 50% tổng số học sinh ở độ tuổi này”.
Để tạo điều kiện cho trẻ mầm non 5 tuổi chuẩn bị các kỹ năng cần thiết trước khi vào lớp Một, Trường Mầm non Hoa Ban chủ trương nhận hồ sơ tất cả trẻ ở độ tuổi này. Theo cô Thu Lan, chỉ cần phụ huynh xin cho con đi học, dù là khác phường, trường vẫn nhận, miễn sao các con được đến trường vui chơi, tương tác cùng cô và các bạn có cùng độ tuổi.
Sau 1 tháng mở cửa trường đón trẻ, Trường Mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng) có 60 trẻ ở độ tuổi 5 tuổi ra lớp. Bà Lê Phạm Hồng Điệp – Giám đốc điều hành nhà trường chia sẻ: “Bình thường, ở thời điểm này, số trẻ lớp Lớn của trường thường ở mức 150 trẻ. Thế nhưng, năm nay, do các trường mầm non phải tạm đóng cửa thời gian khá dài, để đáp ứng nhu cầu trông giữ trẻ, đã xuất hiện nhiều nhóm trẻ tự phát có quy mô nhỏ từ khoảng 2-4 trẻ, do các giáo viên mầm non nhận trông giữ.
Tâm lý của một bộ phận phụ huynh vẫn có sự lo lắng khi trẻ đến trường trở lại, số lượng trẻ/lớp đông thì nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, những nhóm lớp tự phát, vừa nhận giữ trẻ vừa dạy chữ trong các khu dân cư sẽ được duy trì mà rất khó để quản lý”.
Bà Đặng Thị Cẩm Tú – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết: “Theo kết quả khảo sát của Sở GDĐT Đà Nẵng, so với các độ tuổi, số trẻ 5 tuổi ra lớp là rất ít, chỉ chiếm khoảng từ 3-5%. Thậm chí có một số trường, lớp Lớn bị “xóa” hẳn vì không có trẻ. Nhà trường phải điều chuyển giáo viên lớp Lớn cùng hỗ trợ giáo viên ở các lớp dưới. Điều này là một thiệt thòi cho trẻ ở giai đoạn tiền học đường”.
Theo nhận xét của bà Cẩm Tú, phụ huynh thường nghĩ chỉ cần trẻ đọc được chữ cái, ghép vần, làm toán thành thạo là đủ để con tự tin vào lớp Một. Nhưng đó mới chỉ là một phần của chuẩn đầu ra của trẻ mầm non 5 tuổi. Việc chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng để sẵn sàng thích ứng với môi trường học tập mới ở tiểu học mới là điều quan trọng. Nếu không đến trường, trẻ có thể thiếu một số kỹ năng xã hội, kỹ năng quan hệ với bạn, thầy cô, giao tiếp, phát triển ngôn ngữ. Ngoài ra, trẻ sẽ cảm thấy buồn chán nếu suốt ngày chỉ quanh quẩn bên bố mẹ, ông bà, không thể chơi các trò chơi với bạn có cùng độ tuổi.
Cô Trương Thị Nhã Trúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Nếu không chuẩn bị tốt ở giai đoạn tiền học đường, trẻ sẽ rất khó để hòa nhập nhanh khi vào lớp Một, chuyển từ giai đoạn vui chơi là chủ yếu sang giai đoạn học tập thực sự. Trẻ mầm non 5 tuổi sẽ được chuẩn bị các kỹ năng như sự tập trung, khả năng tuân thủ kỷ luật của lớp học, khả năng hợp tác với giáo viên, bạn bè trong bài học. Những điều này rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả học tập của học sinh lớp Một.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.