5.231 con lợn (heo) bị bơm thuốc an thần: Chỉ phạt 35 triệu đồng

Thuận Hải- Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 30/09/2017 15:38 PM (GMT+7)
Gần 4.000 con lợn bị bơm thuốc an thần tại TP.HCM sẽ được nuôi sau 24 giờ đồng hồ để đào thải các chất đã được bơm vào lợn, sau đó cơ quan chức năng sẽ kiểm tra lại lần cuối trước khi cho giết mổ trở lại, là thông tin được các cơ quan chức năng đưa ra tại buổi công bố kết luận xử lý vụ việc trưa nay 30.9.
Bình luận 0

Trưa ngày 30.9, Cục thú y chính thức công bố xử phạt 13 thương lái đã thực hiện hành vi tiêm thuốc an thần cho hàng ngàn con lợn gây rúng động dư luận vừa qua.

Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NNPTNT, cho biết qua điều tra đã phát hiện 3.750 con heo có nhiễm thuốc an thần, trong tổng số hơn 5.000 con heo do 21 thương lái đưa về mổ tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) đêm 28 rạng sáng ngày 29.9. 13 hộ thương lái bị phạt hành chính do phát hiện heo dương tính với thuốc an thần.

img

3.750 con heo nhiễm thuốc an thần

 Lãnh đạo Chi cục Thú y thừa nhận, vụ bắt quả tang hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) không phải lần đầu tiên. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 7 vụ tiêm thuốc an thần vào heo bị phát hiện xử lý.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản hành chính, ra quyết định xử phạt từ 30-35 triệu đồng, trong đó, có hai hộ khai báo không thành khẩn chịu mức phạt 35 triệu đồng. Chiều nay, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu để kiểm tra lại, nếu hết tồn dư thuốc an thần sẽ cho giết mổ. Hiện đã có một số heo bị chết hoặc lừ đừ, mệt mỏi.

Ngay sau khi bắt quả tang việc tiêm thuốc an thần, Đoàn kiểm tra liên ngành đã lẫy mấu nước tiểu của lợn để kiểm tra tồn dư hoạt chất Acepromazine. Kết quả phân tích mẫu cho thấy tồn dư ở mức 0,47 - 0,51 mg/lít. Đây mức tồn dư cao, nước tiểu của lợn bình thường không hề xuất hiện chất này.

img

Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM thừa nhận, số lượng heo giết mổ hằng đêm ở cơ sở Xuyên Á khoảng hơn 5.000 con, chiếm 50% lượng tiêu thụ của TPHCM. Đây không phải trường hợp đầu tiên TPHCM phát hiện, xử lý các trường hợp tiêm chích thuốc an thần vào heo.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y TP.HCM đã phát hiện, xử lý 7 trường hợp tiêm thuốc an thần tại các cơ sở giết mổ. Đặc biệt,  các đối tượng chuyển đổi từ hình thức tiêm chích, thời gian cho đến thay đổi loại thuốc sử dụng để tiêm chích cho heo khiến cơ quan chức năng “khó mà lần” theo được.

img

Lò mổ Xuyên Á, nơi phát hiện hành vi tiêm thuốc an thần cho heo

Cụ thể, ông Phát cho rằng, nếu như trước đây, các đối tượng tiêm chích thuốc an thần cho heo trước khi đưa vào lò mổ nên tại đây, cán bộ thú y khi kiểm tra sẽ phát hiện, bắt giữ, thì nay, việc tiêm chích cho heo được lén lút tổ chức ngay trong khu vực lò mổ.

Bên cạnh đó, trước đây, đối tượng sử dụng các sản phẩm thuốc an thần sản xuất trong nước, có thời gian yêu cầu ngưng sử dụng trước khi giết mổ từ 3 – 5 ngày thì nay, đối tượng sử dụng các sản phẩm thuốc nhập ngoại, thời gian ngừng trước khi giết mổ chỉ 24 giờ. Số lượng thuốc bị phát hiện tại lò mổ Xuyên Á trong đợt này có nguồn gốc từ Bỉ.

img

Tăng cường kiểm soát lượng heo đổ về Thành phố

Ngoài ra, đối tượng cũng lợi dụng một số mốc hạn chế xe vào nội đô TP. HCM để tổ chức tiêm chích thuốc cho heo. Khoảng từ 19 – 20 giờ hằng ngày, lượng xe cần kiểm soát thú y đổ về TP rất nhiều, do đó, các đối tượng lợi dụng thời gian này để tiêm chích. 

“Hệ thống lò mổ Xuyên Á rất rộng lớn, từ khu vực xuống heo đến khu vực lò mổ khá xa và khá dài trong khi cán bộ thú y thì mỏng và chỉ kiểm tra từ 19h – 20h,  lợi dụng kẽ hở này, đối tượng đã tự chế ra các công cụ để tiêm thuốc an thần cho heo”, ông Phát giải thích trước báo giới sáng nay. “Sau vụ này, Chi cục Thú y TP.HCM nhận thấy việc cần phải điều chỉnh thời gian, quy trình kiểm dịch thú y hiện tại”, ông Phát nói thêm.

Cũng theo ông Phát, hiện tại có 17 cán bộ thú y của Chi cục Thú y “cắm” thường xuyên tại lò mổ Xuyên Á, tuy nhiên, chỉ thực hiện kiểm tra ở một số thời điểm nhất định trong ngày. Trước câu hỏi, liệu có khả năng các cán bộ thú y tại đây tiếp tay cho các đối tượng vi phạm hay không, ông Phát cho rằng, ngay sau khi sự việc xảy ra, các cán bộ thú y ở cơ sở Xuyên Á đã phải giải trình và báo cáo toàn bộ quy trình kiểm dịch tại đây.

“Nếu phát hiện vi phạm, Chi cục Thú y sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và công khai trước dư luận”, ông Phát khẳng định.

Ngược lại, trước đó có một số ý kiến cho rằng chỉ cần nuôi số heo này một thời gian để chúng đào thải hết các chất an thần đã được bơm vào là có thể giết mổ bình thường được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem