Cấm chỗ này, chạy chỗ kia
Sản lượng lò giết mổ Xuyên Á chiếm hơn 50% lượng heo giết mổ mỗi đêm tại TP.HCM. Từ nhiều năm nay, lò này cùng hàng chục lò giết mổ lớn nhỏ khác ở thành phố, kể cả của Vissan phải thuộc diện di dời. Tuy nhiên, do chưa xây được nhà máy hiện đại, nên hiện nay, thành phố vẫn phải chấp nhận cho các lò không đạt chuẩn này hoạt động.
Hiện nay người dân đang sử dụng miếng thịt được giết mổ như thế này.
Tại Xuyên Á và các lò khác hiện nay, hàng ngàn con heo vẫn giết mổ dạng thủ công. Khu nhốt heo chung chạ với khu giết mổ. Miếng thịt làm ra vẫn để trên nền gạch, nội tạng, thịt mảnh lẫn lộn, khu xử lý nước thải sơ sài. Cũng do quan điểm cho hoạt động tạm bợ, các lò này ngày càng xuống cấp. Và hàng chục triệu dân thành phố vẫn ngày ngày sử dụng miếng thịt giết mổ không an toàn này.
Do đó, việc thành phố yêu cầu đóng cửa lò Xuyên Á là mang tính răn đe. Tuy nhiên, thương lái không được phép mổ heo ở lò Xuyên Á thì họ đi đâu? Nếu đem hàng ngàn con heo sang các lò giết mổ khác, trong khi cơ sở vật chất ở các lò này cũng chẳng khá hơn lò Xuyên Á? Nếu đóng cửa lò Xuyên Á để có thời gian sửa chữa, nâng cấp cho hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn thì các lò khác cũng phải đóng cửa hết để nâng cấp?
Một thương lái lâu năm tên M. ở TP.HCM, khẳng định vấn đề quản lý heo chích thuốc, bơm nước không phải nằm ở chỗ cái lò mổ, mà ở con người. Đó là thương lái có làm ăn đàng hoàng hay không? Lực lượng thú y gác cổng ở mỗi lò mổ có làm đúng chức trách, kiểm tra kỹ càng từng con heo trước khi cho vào lò hay lơ là, bỏ qua hành vi vi phạm, thậm chí thoả hiệp, ăn tiền của thương lái? “Đóng chỗ này thương lái chạy chỗ kia”, ông M. nói.
Đóng cửa lò Xuyên Á, theo những người am hiểu, còn dẫn tới hệ luỵ khó kiểm soát khác. Đó là họ sẽ đưa heo về các tỉnh giết mổ, sau đó đưa vào thành phố tiêu thụ. Trong khi, hiện nay, ở tất cả các địa phương xung quanh TP.HCM, con heo vẫn được giết mổ thủ công ở các cơ sở thô sơ, chưa kể tình trạng giết mổ lậu còn tràn lan. Và khi thương lái giết mổ tại các lò tỉnh, cơ quan chức năng ở thành phố càng khó khăn trong quản lý. “Làm sao giám sát họ bơm nước, chích thuốc an thần”, một thương lái ở Đồng Nai nhận xét.
Quên lò thủ công đi, xây nhà máy hiện đại
Sau vụ heo chích thuốc an thần, có lẽ không còn ai tin tưởng đến cái vòng truy xuất của sở Công thương nữa, vì hàng ngàn con heo ở lò Xuyên Á khi bị bắt đang chích thuốc, trên chân có đeo vòng. Một số ý kiến cho rằng, ngoài vấn đề con người, mấu chốt vấn đề nằm ở quy hoạch các nhà máy giết mổ tập trung, một trong những khâu quan trọng liên quan đến quản lý thực phẩm. Như TGTT từng phản ánh, cách nay mười năm, TP.HCM đã quy hoạch xây dựng nhà máy giết mổ tập trung. Kế hoạch này liên tục bị gián đoạn, gần đây nhất là 2015 – 2016, thành phố tiếp tục đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2017 phải đóng cửa hết các lò mổ thủ công, đưa sáu nhà máy giết mổ heo hiện đại vào hoạt động. Tuy nhiên, bây giờ là đầu tháng 10, tức còn đúng ba tháng nữa tới hạn, nhưng chưa có dự án nào trong số sáu nhà máy nói trên thành hình.
Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ xây nhà máy chậm chạp như vướng mắc thủ tục đất đai, xin giấy phép về môi trường, chủ trương công nghệ, quy hoạch chi tiết, giấy phép xây dựng, thủ tục vay vốn ngân hàng, thậm chí chưa có đường vào... Vừa qua, các doanh nghiệp còn gặp khó khi phải thực hiện thông tư 13 của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về thực hiện quy định cự ly nhà máy với khu dân cư, đường điện…
Do thực phẩm là ngành đặc thù nên càng khép kín, càng ít khâu trung gian bao nhiêu thì càng giảm được rủi roan toàn vệ sinh thực phẩm và giảm giá thành. |
“Trong khi cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa lò thủ công, nhưng các thủ tục giấy tờ để xây nhà máy mới cũng không được hỗ trợ, giải quyết nhanh để làm”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty TNHH dịch vụ An Hạ, từng bức xúc như vậy.
Thông qua các nhà máy hiện đại, các cơ quan chức năng cũng dễ giám sát, quản lý hơn các lò giết mổ thủ công. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm ở TP.HCM, cho biết ở các nước, các doanh nghiệp xây nhà máy giết mổ hiện đại trực tiếp chăn nuôi hoặc liên kết với các trang trại để mua heo về giết mổ, sau đó pha lóc, đóng gói, phân phối ra thị trường; chứ họ không xây nhà máy rồi cho thương lái thuê như ở Việt Nam. Một doanh nghiệp làm khép kín từ trang trại nuôi đến nhà máy giết mổ, phân phối ra thị trường sẽ quản lý tốt hơn 100, thậm chí hàng chục ngàn tiểu thương, thương lái tham gia.
“Tôi cho rằng sắp tới TP.HCM, nhất là ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố phải đưa ra cơ chế, chính sách và điều kiện kinh doanh miếng thịt phải chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm chất lượng miếng thịt. Không thể xây nhà máy hiện đại xong rồi cho thương lái thuê, ai muốn làm gì trong đó thì làm!”, vị giám đốc này kiến nghị.
Giá thịt lợn tại Hà Nội không chịu ảnh hưởng từ vụ bơm thuốc an thần vào 3.750 con lợn ở TP.HCM
Tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, giá thịt lợn trong những ngày cuối tuần không có nhiều biến động.
Cụ thể, thịt ba chỉ rọi, từ 70.000-75.000 đồng/kg, tùy địa điểm; thịt nạc vai 65.000-70.000 đồng/kg; thịt mông sấn 70.000 đồng/kg; thịt nạc thăn 70.000-75.000 đồng/kg; sườn 80.000 đồng/kg.
Nhin chung, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ bán sỉ ở Hà Nội không có nhiều thay đổi. Người dân Hà Nội cũng không mấy để ý đến thông tin 3.750 con lợn bị bơm thuốc an thần tại TP.HCM từ cuối tuần trước.
|
Bảo Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.