Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2024: Mỗi tác phẩm đong đầy cảm xúc, tính thời sự
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2024: Mỗi tác phẩm đong đầy cảm xúc, tính thời sự
Hồng Liên
Thứ tư, ngày 25/09/2024 09:08 AM (GMT+7)
Cơn bão Yagi quét qua miền Bắc nước ta để lại "vết thương" lớn cho nông dân, nông nghiệp một lần nữa nhắc nhở chúng ta: Hơn lúc nào hết, việc tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có cả tính cấp bách và lâu dài, không ngừng, không nghỉ của mỗi tác giả, mỗi nhà báo trên "thửa ruộng" báo chí của mình.
Hơn 1.000 tác phẩm dự thi – Bức tranh đa chiều về nông thôn Việt Nam
Sau hơn hai tháng kể từ khi chính thức phát động ngày 17/7/2024, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm dự thi đến từ hàng trăm cây bút xuất sắc thuộc các báo, đài Trung ương và địa phương. Sự phong phú về số lượng và chất lượng đã chứng minh sức hút mãnh liệt của giải báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm nay.
Giải Báo chí Toàn quốc về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn lần thứ II năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Agribank tổ chức thực hiện.
Theo đánh giá sơ bộ từ Ban Tổ chức, các tác phẩm năm nay đều có chất lượng cao, được đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức thể hiện. Nhiều bài báo đã phản ánh sâu sắc, đa chiều các vấn đề nổi cộm trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mang lại cái nhìn toàn diện và cảm xúc mãnh liệt cho độc giả. Điều đáng chú ý là sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề, sự sáng tạo trong cách kể chuyện và phong cách trình bày tác phẩm, khiến giải báo chí năm nay trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Số lượng bài viết gửi về tính đến thời điểm này đã tăng đáng kể so với kỳ giải đầu tiên. Đặc biệt, các tỉnh có nền nông nghiệp phát triển như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, và các tỉnh phía Bắc đã gửi đến nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh đa dạng các khía cạnh từ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đến đời sống và văn hóa của người nông dân.
Theo đánh giá sơ bộ, các tác phẩm dự thi năm nay đa dạng về chủ đề và thể loại, từ các bài phóng sự điều tra, ký sự đến các bài bình luận, phân tích. Nhiều đề tài mới mẻ được khai thác như chuyển đổi số trong nông nghiệp, mô hình hợp tác xã kiểu mới, nông nghiệp hữu cơ và sự phát triển của các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của thiên tai lên nông nghiệp cũng được đề cập rộng rãi. Các tác giả đã mạnh dạn phản ánh những khó khăn, thách thức mà người nông dân đang đối mặt, đồng thời nêu lên những giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trong thể loại báo in, nhiều tác phẩm đã ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi tính chất dấn thân và tinh thần trách nhiệm của các nhà báo. Những vấn đề nhức nhối trong cộng đồng nông dân, những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới hay các câu chuyện thành công trong sản xuất nông nghiệp đều được khai thác sâu sắc, chi tiết. Các tác phẩm báo in không chỉ phản ánh sự thật một cách sinh động, mà còn thể hiện rõ nét tinh thần công phu, nhiệt huyết của người viết. Nhiều bài viết đã làm dấy lên những vấn đề xã hội nóng hổi, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc và xử lý kịp thời. Sự lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ của những bài viết này đã tạo nên làn sóng thảo luận sôi nổi, góp phần cải thiện thực trạng ở nhiều vùng nông thôn.
Với các tác phẩm dự thi thuộc hình thức báo điện tử năm nay cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về mặt chất lượng. Các tác phẩm dự thi không chỉ phong phú về chủ đề mà còn sáng tạo trong cách trình bày, với nhiều bài báo được xây dựng theo dạng mega story, long-form – những hình thức báo chí hiện đại, kết hợp giữa hình ảnh, video, và đồ họa tương tác. Điều này không chỉ giúp truyền tải thông tin một cách mới mẻ và hấp dẫn, mà còn tạo ra hiệu ứng thu hút độc giả, giúp các vấn đề xã hội trở nên dễ tiếp cận hơn.
Điều đáng ghi nhận là nhiều tác phẩm đã khai thác các chủ đề mới mẻ như chuyển đổi số trong nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp xanh và tuần hoàn, phản ánh rõ ràng sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Đây chính là những sáng tạo cần thiết trong bối cảnh hội nhập và phát triển nông nghiệp hiện nay.
Với việc mở rộng thêm hạng mục phát thanh và truyền hình, Ban tổ chức đã đón nhận nhiều tác phẩm đặc sắc tập trung vào các vấn đề thời sự nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các bài báo phát thanh, truyền hình không chỉ mang tính phát hiện cao mà còn đậm chất phản biện, giúp khơi dậy những vấn đề cần được giải quyết kịp thời trong thực tế.
Nhiều tác phẩm đã phản ánh chân thực cuộc sống của người nông dân, những khó khăn, thách thức mà họ phải đối mặt, từ vấn đề vốn, tín dụng, đến việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp. Đồng thời, các chương trình phát thanh, truyền hình cũng ghi nhận nhiều gương mặt nông dân tiêu biểu, các mô hình hợp tác xã có doanh thu lớn và biết cách tổ chức liên kết hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Sự dấn thân và sáng tạo của các nhà báo trên khắp cả nước
Các tác phẩm có chất lượng khá tốt, phản ánh đầy đủ, toàn diện về các vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay như: Chân dung các nông dân Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc; các mô hình hợp tác xã tiêu biểu, có doanh thu lớn, biết tổ chức liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như các tác phẩm: Anh nông dân Nghệ An "cưa sừng" lấy vàng, cả làng thán phục; Chỉ học hết lớp 3, "vua" sáng chế sở hữu không biết bao nhiêu loại máy nông nghiệp từ tận dụng... đồ cũ; Bỏ phố về quê, cô gái Khmer "mát- xa" cho hoa dừa để lấy mật rồi đem xuất khẩu sang Mỹ, kiếm tiền tỷ; Chuyện ông nông dân người Mông biến loài cây "xóa đói, giảm nghèo" thành cây "làm giàu" ở Lào Cai; Một nông dân ở Khánh Hòa đam mê sáng chế máy nông nghiệp mà "chống chọi" được bệnh ung thư; Từng bị gọi là "gã điên", nay ông nông dân Thái Bình có 25ha lúa, mỗi năm thu 200 tấn thóc; Từ Nông dân Việt Nam xuất sắc đến giám đốc hợp tác xã đưa đặc sản của tỉnh Bắc Giang vươn ra Âu Mỹ,...
Các tác phẩm về những vấn đề đặt ra đối với ngành nông nghiệp hiện nay như vấn đề vốn, tín dụng, tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, vấn đề về chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh giảm phát thải khí nhà kính… Tiêu biểu như các tác phẩm: Khi tre già măng mọc; Cái bắt tay với nông dân; Con tôm Bạc Liêu… "khát nước"; "Mỏ vàng sầu riêng", loại trái cây vua của Việt Nam; Hai lần thoát chết, người lính của chế độ cũ dốc sức hồi sinh những cánh rừng; Bỏ hết phao xốp, nháy nhựa, đầu tư lồng HDPE nuôi cá bớp, tôm hùm, ngư dân Khánh Hòa "vớt" tiền tỷ; Giữ rừng xanh, nông dân thôn Chênh Vênh ở Quảng Trị chia nhau "tiền tươi"; Kênh Ông Kiệt, dòng kênh tạo nên tam giác của sự sống nơi vùng đất chết; Loạt bài Tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản, liệu có "ăn may"?; Nông nghiệp Cà Mau "oằn mình" với thiên tai, Xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm về công nghiệp tôm: Nhìn từ "thủ phủ" tôm Bạc Liêu; Về Ðất Mũi Cà Mau xem vùng rừng ngập mặn nuôi tôm sinh thái: Mô hình xanh – thu nhập khủng,...
Các tác phẩm viết về những vấn đề liên quan đến đời sống ở nông thôn, về giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào thiểu số miền núi, về phong trào xây dựng nông thôn mới, gắn với chuyển đổi số, các vấn đề về dân tộc và tôn giáo. Tiêu biểu như các tác phẩm: Loạt bài Đi tìm những làng quê đáng sống, loạt bài những "vùng quê dậy sóng" đã trở thành điểm sáng; Sau một Nghị quyết, xuất hiện những làng quê "5 có, 3 không" đáng sống ở Hà Nội; Ở một xã của tỉnh Thái Bình, "ai không hiến đất sẽ lạc lõng, Bí thư Chi bộ người H' Mông "miệng nói tay làm"; Trưởng buôn giúp bà con thoát nghèo; Thoát nghèo từ hỗ trợ của Đoàn kinh tế Quốc Phòng 737; Loạt bài kỳ tích Cù Lao Chàm; Phóng sự "Gõ cửa" Ho Rum; Gặp người 8 tiếng chống bão giữa vịnh Bái Tử Long...
Đặc biệt, tham dự và gửi bài đến Giải báo chí gồm rất nhiều thành phần đa dạng, từ các nhà báo chuyên, không chuyên đến các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực như: Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bút danh nhà báo Xích Lô); chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, các nhà báo: Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ TP.HCM), Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương), Trọng Tùng (Kinh tế Đô thị), Nguyễn Thủy (Tuổi trẻ Thủ đô), Nguyễn Hương (Cổng thông tin Điện tử Chính phủ), Việt Hà (Điện tử Đảng Cộng sản), Lan Hương (VTV2), Trịnh Nga (Tiền Phong), Bạch Hân (Vietnamnet), Doãn Xuân (Báo Tài Nguyên Môi trường), Kim Trung - Lư Dũng (Báo Bạc Liêu), Hồng Nhung (TTXVN), Lê Sen (Báo Cần Thơ), Đài PTTH tỉnh Cà Mau; Đài PTTH tỉnh Hòa Bình; Đài PTTH tỉnh Nghệ An,...
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt, Trưởng ban Tổ chức Giải, chia sẻ: "Với quy mô mở rộng và thể lệ tổ chức được xây dựng một cách bài bản, Giải đã trở thành một sân chơi đầy ý nghĩa, thu hút sự tham gia của cả các nhà báo chuyên nghiệp lẫn những cây bút không chuyên từ mọi miền đất nước. Đây là cơ hội để các cơ quan báo chí và những người đam mê viết lách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng nhau thể hiện sự quan tâm và cống hiến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, một lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống người dân Việt Nam.
Theo ông Hoài, qua những tác phẩm gửi về, Ban Tổ chức mong muốn tạo ra một làn sóng thi đua lao động sản xuất, với mục tiêu thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, đồng thời phát huy tối đa vai trò chủ thể của người nông dân trong công cuộc phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, và hình thành các chuỗi liên kết đa giá trị bền vững.
Ông Hoài kỳ vọng rằng, Giải sẽ không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và tôn vinh các cá nhân, tập thể xuất sắc mà còn trở thành động lực, nguồn cảm hứng cho những nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản tiếp tục vươn lên, đổi mới và phát triển.
Một điểm nổi bật của giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là sự phản ánh đa dạng và toàn diện về mọi khía cạnh của ngành nông nghiệp hiện đại. Những tác phẩm dự thi không chỉ đi sâu vào các chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước, mà còn tập trung vào các vấn đề thực tế, minh chứng rõ nét cho sự phát triển của những mô hình nông nghiệp tiên tiến. Đặc biệt, các tác phẩm đã làm nổi bật sự đột phá của những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gắn kết với chuyển đổi số và các chuỗi liên kết đa giá trị, từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam, khi ngày càng tiến đến một nền sản xuất thông minh, hiện đại và bền vững.
Trưởng Ban Tổ chức Giải cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực sáng tạo và cách làm độc đáo của nhiều địa phương, hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiều đơn vị đã tìm ra những hướng đi mới, áp dụng các giải pháp tiên tiến, từ đó không chỉ nâng cao năng suất mà còn đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường. Những sáng kiến này đã giúp các mô hình sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu, vươn ra thế giới.
Ngoài ra, nhiều tác phẩm đã khắc họa một cách chân thực và sống động hình ảnh những người nông dân tiên phong trong ứng dụng công nghệ 4.0, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Họ không chỉ đơn thuần là những người lao động cần cù, mà còn là những nhà sáng tạo, những người biết cách cải tiến máy móc, quy trình sản xuất để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên tầm cao mới, giúp gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ nông dân trên khắp cả nước.
Đặc biệt, ông Hoài nhấn mạnh vai trò quan trọng của những nông dân xuất sắc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những người nông dân này không chỉ chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn tích cực hợp tác, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ nông dân các nước khác. Qua đó, họ đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị và chất lượng của nông sản Việt Nam, đưa thương hiệu nông sản Việt vươn xa trên thị trường quốc tế.
Giải Báo chí Toàn quốc về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn năm nay đã thành công trong việc khắc họa một bức tranh toàn cảnh phong phú và đa dạng về nông nghiệp Việt Nam. "Chúng tôi vô cùng tự hào khi Giải đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng từ các tác giả và cơ quan báo chí khắp cả nước. Những tác phẩm không chỉ ghi nhận những thành tựu vượt bậc của nền nông nghiệp hiện đại, mà còn tôn vinh sự cống hiến thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của người nông dân – những người đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà," ông Hoài thông tin.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn – Mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo
Một trong những điểm nổi bật của Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II năm 2024 chính là sự đa dạng và đồng đều trong chất lượng các tác phẩm. Không chỉ các cơ quan báo chí lớn mà cả các báo địa phương cũng đã góp phần không nhỏ, mang đến cái nhìn toàn diện về bức tranh nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Các tác phẩm đã khái quát được nhiều vấn đề quan trọng như chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đa giá trị, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp xanh gắn với tăng trưởng bền vững. Những câu chuyện về các nông dân Việt Nam tiêu biểu, các mô hình hợp tác xã làm ăn hiệu quả, các phong trào xây dựng nông thôn mới đều được phản ánh sâu sắc, đầy cảm xúc.
Không chỉ là phần thưởng về vật chất, giải thưởng năm nay còn là sự ghi nhận những nỗ lực, cống hiến và tinh thần dấn thân của các nhà báo. Ban tổ chức kỳ vọng rằng các tác phẩm xuất sắc sẽ không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng, mà còn góp phần khơi gợi những giải pháp, ý tưởng để phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững.
Giải Báo chí Toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024 không chỉ là cơ hội để các nhà báo thể hiện tài năng, mà còn là nơi để họ đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ lâu đã là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm và là nguồn cảm hứng vô tận cho những người cầm bút. Các tác phẩm dự giải không chỉ là sự kết nối giữa người viết và độc giả, mà còn là cầu nối giữa chính quyền và người dân, giữa quá khứ và tương lai.
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện về cuộc sống, về sự hy sinh thầm lặng của người nông dân, về sự phát triển không ngừng của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Và đằng sau mỗi bài viết là trái tim nhiệt huyết của các nhà báo, những người đã dấn thân để mang đến cho độc giả những câu chuyện chân thật và đầy cảm xúc.
Cơ cấu giải thưởng được chia làm hai hạng mục: Hạng mục dành cho báo in, báo điện tử và hạng mục dành cho phát thanh, truyền hình. Mỗi hạng mục gồm có 01 giải A, 02 giải B, 03 giải C, 05 giải khuyến khích và 20 giải chuyên đề chung cho tất cả các hạng mục với tổng số 42 giải thưởng.
Giải A sẽ có giá trị 50 triệu đồng/giải, giải B có giá trị 30 triệu đồng/giải, giải C có giá trị 20 triệu đồng/giải, giải khuyến khích 10 triệu đồng/giải và giải chuyên đề 5 triệu đồng/giải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.