Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2024: Xuất hiện tác phẩm độc đáo từ những tác giả đặc biệt
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn 2024: Xuất hiện tác phẩm độc đáo từ những tác giả đặc biệt
Hồng Liên
Thứ năm, ngày 07/11/2024 08:23 AM (GMT+7)
Hơn 2.000 tác phẩm báo in, điện tử, truyền hình và phát thanh gửi về Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần II năm 2024 đến thời điểm hiện tại không chỉ tô đậm bức tranh đa sắc màu của nông thôn Việt Nam mà còn minh chứng rõ nét về sức sáng tạo và đổi mới của báo chí Việt Nam.
Đa dạng trong chủ đề và phong cách thể hiện: Một bức tranh sống động về tam nông
Việc thu hút đông đảo các cây bút từ đến từ các báo lớn ở Trung ương, các đài phát thanh, truyền hình và báo chí địa phương hay thậm chí rất nhiều cây bút không chuyên chính là minh chứng rõ nét nhất cho việc không chỉ phản ánh sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của báo chí Việt Nam.
Với những thể loại đa dạng như phóng sự điều tra, ký sự, bình luận, phân tích, các tác phẩm báo in đã mang đến nhiều câu chuyện sống động về cuộc sống của người nông dân, từ những góc khuất đời thường đến những vấn đề lớn về kinh tế, chính sách.
Đáng chú ý là các tác phẩm báo điện tử đã có bước tiến vượt bậc về cách thức thể hiện, sử dụng công nghệ mới để truyền tải câu chuyện một cách hấp dẫn và sinh động. Những bài báo mega story, long-form đã kết hợp hình ảnh, video, đồ họa và các công cụ tương tác để giúp độc giả không chỉ đọc mà còn "trải nghiệm" câu chuyện. Điều này khiến các vấn đề về nông nghiệp, vốn phức tạp và khô khan, trở nên dễ tiếp cận và thu hút hơn. Qua các tác phẩm này, độc giả có thể hình dung rõ nét những khó khăn, hy vọng và quyết tâm của người nông dân trên con đường đổi mới.
Năm nay, các tác phẩm truyền hình và phát thanh đã mang lại làn gió mới cho giải thưởng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Những phóng sự truyền hình với hình ảnh chân thực, âm thanh sống động không chỉ ghi lại cuộc sống của người nông dân mà còn là một lời kêu gọi xã hội quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề nóng như bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, tác động của biến đổi khí hậu, khan hiếm nước tưới tại Đồng bằng sông Cửu Long hay các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại các vùng biên giới, hải đảo.
Giải Báo chí Toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Agribank tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, các tác phẩm phát thanh cũng thể hiện sự sáng tạo và độc đáo với phong cách truyền tải gần gũi, dễ hiểu. Những câu chuyện về các mô hình kinh tế nông nghiệp mới, sự thay đổi trong cách canh tác, hay những sáng kiến bảo vệ môi trường đều được khắc họa sinh động, giúp người nghe hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân vùng quê Việt Nam. Với hình thức này, các tác phẩm phát thanh không chỉ là công cụ truyền thông mà còn là tiếng nói của người nông dân, giúp họ chia sẻ những mong muốn, hy vọng và cả những khó khăn đang gặp phải.
Xuất hiện những tác phẩm độc đáo: Ghi dấu ấn mạnh mẽ về nông nghiệp hiện đại
Điểm nổi bật của giải năm nay chính là sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm độc đáo, phản ánh sinh động những vấn đề cấp thiết của nông nghiệp hiện đại và cả những thay đổi trong tư duy của người làm nông nghiệp.
Nhiều tác phẩm dự thi đã phản ánh sâu sắc quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình kinh tế đa giá trị, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Các bài viết không chỉ đưa ra thông tin về kỹ thuật mà còn phân tích cách người nông dân vận dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, và dữ liệu lớn vào các khâu canh tác, từ việc chọn giống, tưới tiêu đến bảo quản và tiêu thụ nông sản.
Các phóng sự điều tra và ký sự về mô hình hợp tác xã kiểu mới, phát triển sản phẩm OCOP cũng là điểm nhấn của giải năm nay. Những câu chuyện như "Chuyện hợp tác xã xanh tại Đắk Lắk", "Mô hình kinh tế tuần hoàn ở Đồng Tháp" hay "Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng" đều là những sáng kiến tiêu biểu, phản ánh sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Những tác phẩm này không chỉ ghi nhận sự thành công của mô hình kinh tế nông nghiệp mà còn là nguồn cảm hứng, động lực cho nhiều người nông dân khác tiếp bước.
Một trong những nét đặc sắc của các tác phẩm dự thi năm nay là sự mở rộng về phạm vi và chiều sâu, với nhiều tác phẩm đề cập đến các vấn đề chiến lược về chủ quyền, biên giới và an ninh lương thực. Những bài phóng sự như "Nỗ lực bảo vệ ngư trường của người dân xã đảo Lý Sơn", "Chuyện người nông dân nơi biên giới Tây Nam kiên cường giữ đất" hay "Mô hình canh tác bền vững gắn với bảo vệ rừng tại Tây Nguyên" đã đem lại một góc nhìn mới mẻ về mối liên hệ mật thiết giữa nông nghiệp và an ninh quốc phòng.
Các tác phẩm về chủ đề này không chỉ nói lên những thách thức mà người nông dân đang gặp phải mà còn là lời tri ân gửi đến những "người chiến sĩ" thầm lặng trên mặt trận nông nghiệp. Họ không chỉ giữ gìn và phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần bảo vệ từng tấc đất quê hương, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ biên giới lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là những tác phẩm mang ý nghĩa lớn về mặt xã hội, giúp độc giả nhìn nhận rõ hơn về vai trò của nông nghiệp trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nhiều tác phẩm dự thi đã thành công trong việc truyền tải thông điệp về phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Các tác phẩm này không chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh về nông nghiệp Việt Nam mà còn góp phần vào công cuộc nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường. Những bài báo về mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ xanh và phương pháp canh tác giảm phát thải đã giúp độc giả thấy rõ vai trò quan trọng của nông nghiệp trong việc chống lại biến đổi khí hậu.
Các tác phẩm như "Bảo vệ rừng đầu nguồn – Bài toán sống còn cho đồng bằng sông Cửu Long"; "Nuôi trồng thủy sản sinh thái tại Cà Mau"; "Đỉnh giá cà phê, đỉnh điểm nỗi buồn, vùng tâm hạn Tây Nguyên; Làm sao để "trái tỷ đô" sầu riêng luôn là trái ngọt?" hay "Kết hợp nông nghiệp và du lịch sinh thái tại Quảng Ninh" đều là những ví dụ điển hình cho sự sáng tạo trong cách làm nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Các tác phẩm này đã đưa ra những giải pháp thiết thực, giúp người nông dân không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nâng cao đời sống vùng dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững
Các bài dự thi về đề tài giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả. Các phóng sự về những người nông dân dân tộc thiểu số biết vượt khó, phát triển mô hình sản xuất mới mẻ đã khắc họa chân thực và sống động hình ảnh những tấm gương nông dân kiên trì, nỗ lực làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.
Các tác phẩm như "Bí thư chi bộ người Mông "miệng nói tay làm""; "Gương nữ đảng viên dân tộc H'Rê vươn lên thoát nghèo"; "Trưởng thôn người Cơ Tu năng động, gương mẫu, giữ gìn rừng già và phát triển du lịch sinh thái",… không chỉ là những câu chuyện cá nhân mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, lòng yêu quê hương, ý chí thoát nghèo, quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường, tạo nên những mô hình phát triển bền vững cho cộng đồng. Những câu chuyện chân thực ấy không chỉ là bức tranh về cuộc sống mưu sinh, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của niềm tin và ý chí trong cuộc hành trình vượt khó.
Trong những câu chuyện đời thường, giải báo chí năm nay đặc biệt thu hút với nhiều bài viết phản ánh cuộc sống chân thực của người nông dân. Phóng sự "Chuyện ông nông dân người Mông biến loài cây "xóa đói, giảm nghèo" thành cây "làm giàu" ở Lào Cai" đã ghi lại hành trình vượt khó của một người Mông vùng cao. Hình ảnh người nông dân cần cù trên từng đồi chè, từng ruộng ngô được khắc họa một cách tinh tế, làm nổi bật lên lòng kiên nhẫn và sự tận tụy của những người gắn bó với đất đai, với thiên nhiên.
Tác phẩm "Gõ cửa Ho Rum" – một câu chuyện về một gia đình nghèo sống ở vùng sâu vùng xa nhưng vẫn kiên trì chống chọi thiên tai để bảo vệ rừng xanh. Sự giản dị, gần gũi của lối kể chuyện đã làm nên sức hấp dẫn của bài viết, khiến người đọc xúc động trước sự hy sinh của những con người thầm lặng đang góp phần bảo vệ nguồn sống của cả cộng đồng.
Điểm đặc biệt của giải năm nay là sự xuất hiện của nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc về bản sắc văn hóa, tín ngưỡng và sự đoàn kết dân tộc. Loạt bài "Đi tìm những làng quê đáng sống" đã mô tả sự thay đổi mạnh mẽ của nhiều làng quê, từ những nơi từng nghèo khó đã vươn lên trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Hình ảnh những con người sống chan hòa, tình làng nghĩa xóm keo sơn đã được lồng ghép trong từng dòng chữ, làm toát lên vẻ đẹp bền vững của những vùng quê đáng sống.
Loạt bài "Sau một nghị quyết, xuất hiện những làng quê "5 có, 3 không" đáng sống ở Hà Nội" đã phản ánh thành công của chương trình phát triển nông thôn, gắn với tín ngưỡng và giá trị cộng đồng, tạo nên những mô hình làng xã độc đáo, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Những tác phẩm đậm chất đời được kể bằng cả trái tim từ những tác giả đặc biệt
Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II năm 2024 không chỉ là sân chơi cho những nhà báo chuyên nghiệp, mà còn thu hút được sự tham gia nhiệt tình của nhiều cây viết không chuyên, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có cả những tác giả đặc biệt như người vợ và con của một liệt sĩ, một vị thẩm phán, những nhà giáo, nhà văn, nhà thơ và cả những chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp lâu năm. Những tác giả này, với tình yêu và sự thấu hiểu sâu sắc dành cho làng quê, cho người nông dân, đã gửi gắm trong từng tác phẩm những suy nghĩ, trăn trở và khát khao góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững và nông thôn phồn vinh.
Bài viết của vợ liệt sĩ 82 tuổi - "Cụ bà nông dân với nhiều ý tưởng độc đáo ở Tiền Giang"; "Nghĩa trang liệt sĩ dưới biển, tại sao không?!",... – một người phụ nữ đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống nông thôn – là một tác phẩm cảm động và sâu sắc. Bằng giọng văn mộc mạc nhưng đầy tình cảm, bà kể về những năm tháng đói nghèo, gian khổ mà người nông dân quê hương bà đã trải qua, và niềm tự hào khi chứng kiến sự đổi thay của làng quê mình trong thời đại mới cùng những ý tưởng độc đáo mới. Những dòng viết của bà không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn là ký ức của cả một thế hệ, gắn liền với những đau thương và hy sinh của một thời kỳ chiến tranh và đói nghèo.
Đặc biệt, giải năm nay có sự tham gia của nhiều nhà giáo, những người luôn gắn bó với tri thức và sự nghiệp trồng người. Những tác phẩm của họ thường mang đậm chất giáo dục và tri thức, kể những câu chuyện về cuộc sống nông thôn với cái nhìn nhân văn và cảm thông sâu sắc. Điển hình là tác phẩm "Kênh ông Kiệt" của một thầy giáo miền Tây đã đưa độc giả về một vùng đất chịu nhiều khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng tràn đầy sức sống, nơi dòng kênh mang tên Ông Kiệt trở thành nguồn mạch sống cho biết bao gia đình nông dân.
Bên cạnh đó, nhiều nhà văn và nhà thơ cũng mang đến cho giải báo chí những tác phẩm độc đáo. Với lối viết giàu hình ảnh và ngôn từ mượt mà, họ đã mang đến những câu chuyện nông thôn không chỉ mang tính hiện thực mà còn rất giàu cảm xúc. Qua từng dòng chữ, họ đã làm sống lại hình ảnh làng quê trong lòng bạn đọc, khơi dậy niềm tự hào về đất nước.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu cũng đã đóng góp cho giải những bài viết có chiều sâu, phân tích về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao và mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Với góc nhìn của người làm nghiên cứu, họ đã cung cấp cái nhìn đa chiều về những tiềm năng và thách thức của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới. Loạt những bài viết về "Đi tìm nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân" của chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng là một trong những tác phẩm báo chí ấn tượng và giàu cảm xúc, mang đến cho độc giả những góc nhìn độc đáo về sự sáng tạo và tinh thần bền bỉ của người nông dân Việt Nam. Những bài viết này không chỉ đơn thuần là hướng dẫn kỹ thuật, mà còn là những câu chuyện đầy cảm hứng về những con người bình dị, người đang từng ngày vươn lên từ chính mảnh đất quê hương mình, mỗi người mỗi cách làm giàu riêng biệt.
Những bài viết từ chuyên gia không chỉ phân tích lý thuyết mà còn gắn với thực tế sản xuất, gợi mở những hướng đi mới cho nông thôn. Với các dữ liệu và bằng chứng cụ thể, các tác giả đã thuyết phục bạn đọc tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp nếu biết ứng dụng khoa học và công nghệ. Đây là một trong những điểm sáng của giải báo chí năm nay, khi các bài viết không chỉ đơn thuần là kể chuyện mà còn đề xuất những giải pháp thiết thực cho tương lai.
Nông thôn Việt Nam – Mảnh đất của cảm hứng và sáng tạo
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt, Trưởng Ban Tổ chức Giải, chia sẻ rằng, giải báo chí không chỉ là một cuộc thi mà là sân chơi ý nghĩa, tạo điều kiện để các nhà báo chuyên và không chuyên trên khắp mọi miền đất nước có dịp thể hiện tài năng và nhiệt huyết của mình. Với việc mở rộng thể loại và hạng mục dự thi, từ báo in, báo điện tử đến phát thanh, truyền hình, giải đã đón nhận nhiều góc nhìn đa chiều và phong phú.
"Không chỉ có sự tham gia của các nhà báo, giải năm nay thực sự đã thành công trong việc tạo ra một sân chơi cho tất cả những ai yêu mến và muốn góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều thành phần xã hội, từ sinh viên, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, chuyên gia nghiên cứu cho đến mẹ liệt sĩ, thẩm phán,.... Mỗi người đều mang đến một góc nhìn riêng biệt, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho giải", nhà báo Nguyễn Văn Hoài nhấn mạnh.
Ông Hoài kỳ vọng rằng, qua từng tác phẩm, các tác giả không chỉ khắc họa đời sống của người dân mà còn góp phần thúc đẩy nông thôn phát triển, mở ra cơ hội cho những ý tưởng mới. Những bài viết về chuyển đổi số, nông nghiệp xanh hay kinh tế tuần hoàn đều mang đến cái nhìn hiện đại về nông thôn, khẳng định vai trò to lớn của người nông dân trong sự phát triển bền vững của đất nước.
Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II năm 2024 không chỉ đơn thuần là một cuộc thi mà còn là cơ hội để những câu chuyện từ làng quê được truyền tải đến mọi miền đất nước. Mỗi bài viết là một câu chuyện về cuộc sống, về khát vọng của những người nông dân, là tấm gương cho tinh thần vượt khó, đổi mới và sáng tạo.
Trong những ngày cuối cùng của thời hạn nhận bài (15/11), Ban Tổ chức tiếp tục kêu gọi sự tham gia của các nhà báo và những người đam mê viết lách. Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II năm 2024 là cơ hội quý báu để các tác giả thể hiện tài năng và tình yêu đối với mảnh đất nông nghiệp Việt Nam – một lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống, văn hóa và kinh tế của người dân Việt Nam.
Hãy tham gia và để mỗi bài viết không chỉ là sự đóng góp của bạn cho ngành báo chí, mà còn là lời tri ân tới những người nông dân – những người góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước!
Ban Tổ chức sẽ tiếp nhận các tác phẩm dự thi qua hai kênh: Sử dụng các bài viết được đăng tải trên Báo NTNN/điện tử Dân Việt (do các tác giả gửi về tham dự) và tiếp nhận tất cả các tác phẩm từ các cơ quan báo chí trong cả nước. Thời gian nhận tác phẩm hợp lệ đối với tất cả các tác phẩm được tính từ ngày 10/12/2023 (thời điểm Ban Tổ chức có thông báo) và thời gian kết thúc nhận bài là ngày 15/11/2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.