6 "hiệp sĩ" có hành vi cưỡng đoạt tài sản của người đi đường
Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, đang tạm giữ để điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" đối với nhóm "hiệp sĩ" đường phố, chặn xe người vi phạm giao thông và yêu cầu chung chi tiền mới bỏ qua lỗi.
6 người đang bị công an tạm giữ gồm: Lê Tấn Phát (20 tuổi), Nguyễn Ngọc Minh (32 tuổi, cùng ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồ Văn Tuấn Anh (29 tuổi, ngụ tỉnh Long An), Nguyễn Hoàng Lân (19 tuổi, ngụ quận 12), Lâm Chiến Thắng (20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), Lương Văn Tuyên (29 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng).
Nhóm người này thành lập hội nhóm "hiệp sĩ" đường phố trên mạng xã hội và thường xuyên đi "tuần tra", phòng chống tội phạm trên các tuyến đường tại TP Thủ Đức và khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Dương.
Cơ quan điều tra xác định, nhóm này không có chức năng, nhiệm vụ nhưng vẫn đi kiểm tra, dừng xe người không đội nón bảo hiểm, chạy tốc độ cao... Nhiều trường hợp bị nhóm trên "vòi" tiền, yêu cầu chung chi tiền mới cho đi.
Cưỡng đoạt tài sản có thể bị xử lý thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội.
Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ tài sản.
Nếu hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội cưỡng đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà sẽ bị xử lý về hành vi khác.
Theo luật sư Lan, cưỡng đoạt tài sản là hành vi có cấu thành hình thức, do đó cũng như đối với hành vi cướp tài sản hay bắt cóc nhằm chiếm đoạt, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội.
Nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dạo sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản là tội phạm đã hoàn thành.
Vị luật sư cho biết, theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, tội cưỡng đoạt tài sản được chia thành 4 khung hình phạt. Trong đó, khung một (khoản 1) có mức phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Khung hai (khoản 2) có mức phạt tù từ 3 đến 10 năm nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 đến dưới 200 triệu đồng…
Khung ba (khoản 3) có mức phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 đến dưới 500 triệu đồng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khung bốn (khoản 4) có mức phạt tù từ 12 đến 20 năm nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Từ phân tích trên, luật sư Lan cho rằng, khi bị điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản, người bị khởi tố, bị chứng minh là có tội, tùy thuộc vào tính chất, mức độ mà có thể phải đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.