Những gì còn sót lại của 6 nạn nhân bao gồm tro và các mảnh xương vỡ được những người sống sót sau nạn diệt chủng thu thập lại tại một trại tập trung trên đất Ba Lan.
Phần còn lại của 6 nạn nhân không xác định được danh tính trong thảm họa diệt chủng Holocaust sẽ được an táng theo nghi lễ truyền thống của người Do Thái sau khi được lưu giữ nhiều thập kỷ tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng Gia London (Anh).
Thảm họa diệt chủng Holocaust diễn ra vào Thế chiến II được xem là một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, với 11 triệu người, trong đó có 6 triệu người Do Thái thiệt mạng dưới tay Phát xít Đức.
Các nạn nhân sẽ được chôn cất trong nghĩa trang của người Do Thái tại khu vực Hertfordshire (Anh) vào ngày 20.1 tới, một tuần trước ngày lễ kỉ niệm thảm họa diệt chủng Holocaust diễn ra. Đây là trường hợp đầu tiên các nạn nhân của thảm họa diệt chủng lớn nhất lịch sử được chôn cất tại Anh.
Những gì còn sót lại từ 6 nạn nhân bao gồm tro và các mảnh xương vỡ, được thu thập tại khu vực trại tập trung ở Ba Lan. Qua giám định, các nhà khoa học kết luận xương và tro thuộc về 5 người lớn và 1 trẻ em.
Các hiện vật này đã được cất giữ ở bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia London suốt từ tháng 1.1997, sau khi một nhà tài trợ giấu tên đã đóng góp một số đồ vật liên quan đến nạn diệt chủng Holocaust cho bảo tàng.
Người đứng đầu Hiệp hội Do Thái Melvyn Hartog – nơi đứng ra tổ chức nghi lễ mai táng phát biểu với CNN, cho hay việc chôn cất 6 nạn nhân không xác định được danh tính này là một trách nhiệm cao cả và thiêng liêng.
Sau khi tang lễ kết thúc, hài cốt của 6 nạn nhân sẽ được đem về nơi an nghỉ cuối cùng. Các nạn nhân sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust cũng được mời đến tham dự buổi lễ này.
Phía bảo tàng cho hay họ quyết định tổ chức đám tang chính thức cho 6 nạn nhân vô danh sau khi trải qua quá trình đánh giá các vật dụng liên quan đến nạn diệt chủng được lưu giữ trong suốt nhiều năm qua tại đó. Dự kiến năm 2021, một phòng trưng bày mang tên Thế chiến II và Nạn diệt chủng Holocaust sẽ được khánh thành trong khuôn viên bảo tàng này.
Đại diện của viện bảo tàng cũng chia sẻ trước đó bảo tàng đã bày tỏ mong muốn không lưu giữ hài cốt song nhà tài trợ vẫn gửi đến xương và tro của 6 nạn nhân.
Do đó, Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia London đã liên lạc với Bảo tàng Nhà nước Auschwitz-Birkenau tại Ba Lan – nơi 3 trại tử thần khét tiếng nhất thời Đức Quốc Xã từng được lập nên. Phía Ba Lan đã xác nhận rằng các hài cốt có nguồn gốc từ trại tập trung ở nước này nhưng cả hai tổ chức đều đi đến kết luận rằng việc trả các hài cốt này lại chỗ cũ là “không phù hợp”.
Các phần còn lại của 6 nạn nhân bao gồm 5 người lớn và 1 trẻ em đã được lưu giữ hơn 2 thập kỉ tại một bảo tàng về chiến tranh ở Anh.
Cuối cùng, an táng các phần còn lại của 6 nạn nhân là phương án được lựa chọn. “Chúng tôi hy vọng rằng cùng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng Do Thái và bên ngoài, việc chôn cất này sẽ là hành động giúp chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đến những cá nhân đã sống và chết mà không ai nhớ tên” – phía bảo tàng chia sẻ.
Michael Goldstein, chủ tịch cộng đồng người Do Thái, coi trọng lễ tang sắp tới là "hành động tử tế cuối cùng" và là cơ hội để thực hiện cho các nạn nhân một lễ chôn cất trang nghiêm và theo đúng truyền thống của dân tộc này.
“Ý nghĩa biểu tượng của lễ tang là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy, nhất là với những người sống sót từ nạn diệt chủng không có cơ hội tự tay chôn cất cho những người thân thiết của họ. Chúng ta không được phép quên 6 nạn nhân này đã bị chia cắt ra khỏi gia đình và thiệt mạng oan uổng trong trại tập trung” - Olivia Marks, người chịu trách nhiệm tổ chức ngày kỉ niệm thảm họa diệt chủng Holocaust phát biểu.
Mỗi ngày, có đến hơn 1 vạn người bất kể giới tính, trẻ con hay người già, phải đón nhận cái chết đau đớn trong các...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.