Doanh nghiệp bất động sản “bế tắc” vì thủ tục pháp lý
61 doanh nghiệp BĐS "nín thở" chờ… giải cứu
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 31/03/2021 18:30 PM (GMT+7)
Hơn 1 tháng kể từ khi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị thành phố và các sở ngành trong thẩm quyền khẩn trương giải quyết thủ tục pháp lý của 61 dự án bất động sản (BĐS), đến nay nhiều nơi vẫn chưa có tiến triển. Nhiều doanh nghiệp BĐS như ngồi trên đống lửa vì dự án bị ngưng trệ, tải sản “bốc hơi” từng ngày.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đối với vướng mắc tại 61 dự án BĐS, đề nghị thành phố và các sở ngành trong thẩm quyền khẩn trương giải quyết trước ngày 15/4/2021.
Tuy nhiên, chỉ còn 2 tuần nữa là tới hạn theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, nhiều doanh nghiệp vẫn "nín thở" nhìn tài sản bốc hơi từng ngày mà chưa có hướng giải quyết.
Khó như xin được đóng tiền sử dụng đất
Không vướng đất công xen kẹt, không dính đến kiện tụng,… nhưng hai dự án gồm Khu chung cư cao tầng đại lộ Võ Văn Kiệt (tên thương mại High Intela) và Khu chung cư cao tầng tại đường An Dương Vương (West Intela) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Nam Sài Gòn (thành viên của Tập đoàn đầu tư LDG - LDG Group) vẫn "đứng hình" hơn ba năm nay. Lý do, doanh nghiệp vẫn chưa được xác định giá trị tiền sử dụng đất để được nộp tiền.
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group cho biết, cả hai dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2015, thẩm định thiết kế cơ sở từ tháng 3/2017, cấp phép xây dựng phần ngầm từ tháng 8/2018.
Trên cở sở những pháp lý đó, chủ đầu tư đã tổ chức thi công phần ngầm và được thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng công trình từ tháng 5/2019.
Theo quy định, sau khi hoàn thành phần ngầm, chủ đầu tư xin phép để xây dựng tiếp phần trên. Đồng thời, Sở TN-MT thực hiện các thủ tục để Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đánh giá, tính giá trị tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước.
"Chúng tôi đã có hàng chục văn bản gửi UBND TP, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT và một số cơ quan ban ngành để cầu cứu. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chỉ biết chờ đợi", ông Khang nói.
Cũng dính đến việc đóng tiền sử dụng đất là Dự án chung cư cao tầng An Bình (quận Tân Phú) thuộc Công ty CP Địa ốc Sài Gòn. Mặc dù đã đưa vào sử dụng từ tháng 10/2012, nhưng do một số vướng mắc về pháp lý, nên tháng 5/2018, UBND TP.HCM mới có quyết định số 1937/QĐ-UBND về chuyển mục đích sử dụng đất dự án.
Đến nay, dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất để công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà.
Với một số doanh nghiệp BĐS khác, câu chuyện vướng mắc lại là dính đến đất công xen kẹt. Trong nó, nổi cộm nhất là câu chuyện vướng "con mương nước" của dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á do Công ty TNHH An Hạ đầu tư.
Cụ thể, chỉ vì vướng một con mương có diện tích 387 m2 là đất công nằm xen kẹt trong dự án mà suốt từ năm 2018 đến giữa năm 2020, công ty không được giao đất, không được cấp phép xây dựng.
Những "ông lớn" BĐS khác như Đất Xanh, Novaland… cũng dính đến đất công xen kẹt ở các dự án hiện hữu nên việc cấp sổ hồng cho người dân vẫn dậm chân tại chỗ.
Thiệt hại nặng, ai chịu trách nhiệm?
Trong thời gian chờ đợi được tháo gỡ vướng mắc, các dự án này vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng án binh bất động và doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bỏ chi phí để bảo trì và duy trì các hạng mục đã thực hiện, máy móc, nhân công… ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group cho biết, sau khi chi gần 100 tỷ đồng để xây dựng móng, hầm, hiện nay mỗi tháng doanh nghiệp phải chi hơn 1 tỷ đồng để bảo trì phần ngầm, duy trì các máy móc, thiết bị và nhân công quản lý tại công trường.
"3 năm qua dự án không hoạt động, doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng chi phí và đối mặt với khả năng lỗ khi triển khai dự án", ông Khang lo lắng.
Tại Công ty TNHH An Hạ, sau thời gian dài kiên trì… kêu cứu, UBND TP.HCM có Quyết định số 3845/QÐ-UBND cho Công ty TNHH An Hạ thuê đất với hình thức đóng tiền thuê đất hằng năm. Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ cho biết, điều này "giống như một đòn kết liễu" công ty sau thời gian sống thoi thóp. Bởi nếu trả tiền thuê đất hằng năm, DN không thể đem dự án thế chấp ngân hàng vay vốn xây dựng nhà máy.
"Trước đó, để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập khẩu máy móc, chúng tôi đã huy động toàn bộ nguồn tiền từ gia đình đổ vào hơn 100 tỷ đồng từ năm 2018 đến nay. Toàn bộ máy móc nhập về cũng bị gỉ sét do để không quá lâu", bà Thắm cho hay.
Theo bà Thắm, tính từ thời điểm công ty được cấp quyết định chủ trương đầu tư cho đến nay, Luật Ðất đai năm 2013 vẫn cho phép doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh được lựa chọn hình thức thuê đất đóng tiền hằng năm hay một lần cho cả thời gian thuê.
Nay thành phố không vận dụng Luật Ðất đai để doanh nghiệp được thuê đất trả tiền một lần, điều này sẽ đẩy Công ty TNHH An Hạ vào tình trạng phá sản vì không vay được vốn để hoàn thành dự án.
Việc kéo dài thời gian cấp sổ đỏ cho người mua nhà cũng khiến uy tín của các doanh nghiệp BĐS bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Đất Xanh, doanh nghiệp này đang mệt mỏi vì cư dân chung cư Opal Riverside (TP Thủ Đức) đòi công ty bồi thường thiệt hại theo ngày do chưa nhận được sổ hồng căn hộ, dù đã đóng đủ tiền và ở hơn 3 năm nay.
Cụ thể, có 3 luồng ý kiến đòi bồi thường gồm: Nhóm yêu cầu hỗ trợ bồi thường 10.000 đồng/m2/tháng kể từ tháng 7/2020 đến khi cấp sổ; nhóm đề nghị bồi thường 0,05%/ngày và trên 5% số tiền còn lại cho đến khi cấp sổ; nhóm đề nghị bồi thường 0,5%/ngày trên 95% số tiền đã đóng.
Được biết, tại dự án này, Đất Xanh gặp vướng mắc về việc xác định giá trị bồi thường đất rạch, giao thông (hơn 4.600 m2) xen cài do Nhà nước quản lý. Dù Đất Xanh đã phối hợp và gửi rất nhiều văn bản liên quan việc xin cấp sổ hồng cho người dân, nhưng vẫn không được.
Thậm chí, tháng 9/2019, Đất Xanh Group gửi Văn bản số 532/DXG/P.PLDA tới Sở TN - MT TP.HCM đề nghị cho Tập đoàn tạm nộp số tiền 5 tỷ đồng để Sở có văn bản chấp thuận đủ điều kiện cấp sổ phần căn hộ cho người dân, nhưng vụ việc vẫn không được chấp nhận.
Tại buổi gặp gỡ đối thoại với đại diện các doanh nghiệp bất động sản để tìm phương án tháo gỡ các vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý, UBND TP.HCM đã ban hành quy trình 4 bước để cấp phép xây dựng một dự án nhà ở thương mại. Theo đó, một dự án từ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Sở KH-ĐT đến cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng và đồng thời tính ra tiền sử dụng đất để doanh nghiệp đóng vào ngân sách, thời gian tối đã khoảng 215 ngày, tương đương 11 tháng.
Một bước quan trọng trong quy trình này là cho phép doanh nghiệp xây dựng song song với tính tiền sử dụng đất. Cụ thể, trong vòng 45 ngày, Sở TN-MT phải tính ra tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.