Mỗi điểm dừng chân một kỷ niệm
Con đèo Pha Đin, vạch nối giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên khi xưa từng là thách thức với những phương tiện nào muốn vượt qua nó thì hôm nay trải rộng và bằng phẳng. Ấy vậy nhưng trong những đoàn phương tiện có dán tấm pano “về với Điện Biên lịch sử” vẫn có không ít xe dừng lại trên đèo. Ông Nguyễn Văn Tâm, cựu chiến binh Đại đoàn 316 từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chỉ vào vách đá nơi đỉnh đèo, bảo: Ngày xưa máy bay địch đánh phá đèo này ác lắm nhưng bộ đội và dân công quyết tâm bảo vệ nên huyết mạch của chiến dịch vẫn còn.
Máu hồng đổ xuống đất Điện Biên năm xưa nay đã góp phần làm nên cuộc sống mới ở đây. Ảnh chụp tại xã Tẳng Quái (Mường Ẳng, Điện Biên). (Ảnh: K.T)
Cũng như Pha Đin, trên đèo Mường Ẳng (huyện Mường Ẳng, Điện Biên) nơi đã từng mang lại những cảm hứng cho nhà văn Nguyễn Khải viết nên tiểu thuyết lừng danh – Mùa Lạc cũng có không ít các du khách dừng chân. Bà Trần Thị Vương, đến từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng, tâm sự: Nơi đây không chỉ là con đường hành tiến bao ngày đêm của quân ta; mà sau chiến thắng ngày 7.5.1954, mảnh đất này thành nơi đứng chân và khởi nghiệp của rất nhiều bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến… Vợ chồng tôi cũng đã ở đất này hơn 8 năm trời thì mới về quê. Nay trở lại thấy nó đổi thay nhiều quá.
Bên hầm Đờ Cát – nơi từng chứa đựng bộ não của đối phương hôm nào với những tuyên bố huênh hoang về một thành lũy vững chắc thì hôm nay đã được dựng khung, che bạt, giúp cho du khách tham quan di tích chiến thắng thuận lợi hơn bất cứ lúc nào. Chen chúc trong đoàn người ấy hôm nay không chỉ là những cựu chiến binh trên ngực lấp lánh huân huy chương mà còn có có rất nhiều những nam thanh nữ tú, những phụ nữ, nam giới trong bộ trang phục dân sự đủ màu sắc và có rất nhiều du khách nước ngoài.
Không đến Điện Biên vì lịch sử
Trao đổi với NTNN, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên – ông Mùa A Sơn chia sẻ: Điện Biên mãi mãi vẫn sẽ là một điểm đến với sức hút rất lớn của du khách trong và ngoài nước. Nhưng chúng tôi luôn xác định rằng: Không thể để du khách đến với Điện Biên chỉ vì lịch sử mà chúng ta phải làm nên những điều thay đổi, những tiến bộ, những bông hoa mới trên vùng đất lửa này. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ, đó là sự tri ân với những anh hùng liệt sĩ, với dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu và chiến thắng của 61 năm về trước.
Chị Trịnh Thị Hoa, đến từ Đà Nẵng, là hướng dẫn viên cho một đoàn khách đến từ Úc, bảo rằng: Những người bạn Úc đến với Điện Biên lần này là lần thứ 2. Lần trước họ chỉ nghỉ lại nơi đây có 2 ngày 1 đêm nhưng chuyến này đã đến ngày thứ 3 rồi mà họ vẫn chưa có ý định quay về Hà Nội. “Chúng tôi không chỉ tới thăm những di tích lịch sử của cuộc sinh tử hôm nào mà chúng tôi còn đi thăm những cánh đồng lúa, những trang trại cà phê, ngắm những cây anh đào vươn mình bên nhánh đào bản địa; thăm những bản làng văn hóa, khu du lịch cộng đồng; ăn bữa cơm với những đặc sản của miền dân tộc để rồi ngắm những bàn chân lượn múa xòe bên ánh lửa bập bùng…”.
Điện Biên đang có nhiều thay đổi. Đó là sự thay đổi tất yếu trong xu thế tiến bộ của xã hội nhưng đó còn là sự thay đổi bởi những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Đó là sự thay đổi để tri ân. Sự thay đổi để khẳng định rằng những ngày “máu trộn bùn non” đã không uổng phí.
Theo thống kê của Ban quản lý di tích lịch sử Điện Biên Phủ thì chỉ riêng một tuần nghỉ lễ vừa qua, Điện Biên đã được đón nhận gần 40.000 lượt khách đến tham quan; trong đó có hơn 2.000 khách nước ngoài ở nhiều độ tuổi – một con số cho thấy Điện Biên đang là điểm đến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.