7 dự án được UBND TP.HCM họp bàn "giải cứu" ngày mai (20/2) vướng gì?
7 dự án được UBND TP.HCM họp bàn "giải cứu" ngày mai (20/2) vướng gì?
Quốc Hải
Chủ nhật, ngày 19/02/2023 19:24 PM (GMT+7)
Theo thông báo từ UBND TP.HCM, chiều ngày mai (20/2), lãnh đạo UBND thành phố sẽ cùng lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp họp để bàn cách "giải cứu" 7 dự án bất động sản. Điểm chung của các dự án này là đã được cấp phép từ lâu nhưng vướng thủ tục pháp lý nên phải dừng triển khai.
Thứ nhất, Dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 của Công ty TNHH Gotec Việt Nam. Dự án có diện tích 10.076,6m2, gồm 2 block, cao 21 tầng với khoảng 500 căn hộ.
Ngày 27/8/2018, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án, nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.
Công ty Gotec kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Sở Xây dựng TP giải quyết, cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai cho công ty, để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh chung đang hết sức khó khăn hiện tại.
Theo đơn, Gotec đã hoàn thành phần móng, hầm và tầng 1, đang xây các tầng tiếp theo và đã đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại.
Ngày 24/6/2022, Gotec đã nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại, tuy nhiên Sở Xây dựng TP.HCM đã trả hồ sơ. Kèm theo đó, Sở Xây dựng đã có công văn xin ý kiến của UBND TP.HCM về việc rà soát việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất thực hiện dự án từ Công ty CP Cảng Rau Quả cho Công ty Gotec.
Đến ngày 18/10/2022, công ty này tiếp tục nộp hồ sơ lần 2, Sở Xây dựng tiếp tục trả hồ sơ và có ý kiến bằng văn bản.
Trong đó, Sở Xây dựng cho hay liên quan đến dự án, văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của chủ tịch TP, giao cho các sở "rà soát kỹ" lại toàn bộ quá trình chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo ý kiến của Bộ Tài chính… Do đó, Sở Xây dựng đề nghị Công ty Gotec liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường nắm lại tiến độ.
Đối với lần 3 nộp hồ sơ, Gotec tiếp tục nhận được văn bản với nội dung: Sau khi UBND TP.HCM có ý kiến đối với việc rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng sẽ xem xét các thủ tục xác nhận.
Trên cơ sở đơn kiến nghị và hồ sơ dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 của Công ty TNHH Gotec Việt Nam, HoREA đã có Văn bản số 133/2022/CV-HoREA ngày 31/12/2022 kiến nghị Tổ Công tác của Chính phủ và UBND TP.HCM sớm tổ chức cuộc họp làm việc trực tiếp với Công ty Gotec và Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp để xem xét giải quyết kiến nghị của Công ty Gotec.
Thứ 2, dự án Khu liên hợp TDTT và dân cư Tân Thắng (Celadon City), phường Tân Kỳ, quận Tân Phú, diện tích 90,8ha.
Ban đầu, dự án này được UBND TP.HCM giao cho Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hơn 2 năm khi chấp thuận cho nhà đầu tư này thực hiện, khu đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng và chính thức thuộc về Gamuda Land. Từ năm 2017, dự án này đã bị "đứng hình" sau khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi 514 tỷ đồng bởi hàng loạt sai phạm.
Phía Gamuda Land cho biết, do kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nên UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ban, ngành không thực hiện cấp giấy phép xây dựng, chuyển nhượng dự án, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại dự án…
Thứ 3, dự án Chung cư Cửu Long, số 1 đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4 do Công ty CP Đầu tư Sản xuất Kinh doanh Sài Gòn Cửu Long làm chủ đầu tư. Ngày 13/2/2017, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án, diện tích 14.474,1m2.
Tuy nhiên, đến ngày 18/7/2017, chủ đầu tư Việt Hưng Phú đã mua lại dự án Chung cư Cửu Long từ Công ty Sản xuất Kinh doanh Sài Gòn Cửu Long.
Đến nay, CapitaLand đã hoàn tất việc mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Hưng Phú và phát triển thành dự án chung cư cao cấp có tên thương mại là De La Sol.
Theo thông tin, dự án De La Sol có quy mô là 5 tháp căn hộ 23 tầng + 1 tầng hầm để xe, tổng cộng có 870 căn hộ cao cấp phân bố thành các phòng từ dạng 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ và 3 phòng ngủ. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn còn vướng pháp lý.
Thứ 4, dự án Khu phức hợp Sóng Việt (The Metropole Thủ Thiêm) tại lô đất 1-17, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức, có diện tích khu đất khoảng 7,6ha, tổng mức đầu tư dự kiến 7.300 tỷ đồng.
Năm 2017, Công ty Quốc Lộc Phát được UBND TP.HCM giao thực hiện dự án. Sau đó, Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land) xuất hiện với vai trò nhà phát triển dự án. Theo tư liệu từ Dân Việt, The Metropole Thủ Thiêm có 4 phân khu 1.13, 1.14, 1.16 và 1.17 thuộc bán đảo Thủ Thiêm, quy mô dự kiến 8 toà tháp với chiều cao từ 12-24 tầng.
Tại dự án này, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Theo đó, Khu phức hợp Sóng Việt được nêu tên do được UBND TP.HCM chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Thứ 5 là dự án Khu nhà ở Thiên Lý tại phường Phước Long B, TP.Thủ Đức do Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ An Thiên Lý làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 17,4ha, gồm: Khu nhà ở liên kề, biệt thự vườn, biệt thự liên lập, trung tâm thương mại, nhà trẻ mẫu giáo và khu chung cư 15 tầng.
Hai dự án cuối cùng là của "ông lớn" Novaland gồm: Dự án Khu chung cư Cô Giang, số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 đã được TP.HCM giao đất, Sở Xây dựng TP.HCM cấp phép xây dựng nhưng vẫn đang gặp một số khó khăn.
Và dự án 30,2ha phường Bình Khánh, TP.Thủ Đức Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 11/12/2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định hủy chủ trương chuyển đổi khu 30,2 ha Bình Khánh từ dự án nhà ở tái định cư sang dự án nhà ở thương mại. Đến ngày 16/12/2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định chấm dứt giao khu đất 30,2ha phường Bình Khánh cho Công ty Thế kỷ 21.
Phía Công ty Thế kỷ 21 đã từng đề nghị UBND TP.HCM xem xét chấp thuận cho công ty được tiếp tục triển khai dự án nhà ở thương mại do khu đất có nguồn gốc tự bồi thường.
Thẩm quyền của UBND TP.HCM tới đâu?
Với các dự án vướng mắc mà thẩm quyền TP.HCM có thể xem xét giải quyết, HoREA đề nghị sớm tháo gỡ "vướng mắc" về thủ tục đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra để tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, được nộp tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.
"Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt để các sở ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp chặt chẽ và khẩn trương để tháo gỡ các "vướng mắc" về thủ tục đầu tư xây dựng như thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư"; thủ tục "tính tiền sử dụng đất dự án; tính tiền sử dụng đất phát sinh nếu có".
Đồng thời, các sở ngành cũng tháo gỡ thủ tục "phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (có thể kết hợp điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000)"; thủ tục cấp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất"… mà các doanh nghiệp đã kiến nghị", ông Châu nói.
Theo Chủ tịch HoREA, đơn vị này cũng đề nghị UBND thành phố phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra để các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án biết rõ và thực hiện kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Hiệp hội đề nghị UBND thành phố phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng rà soát, chấn chỉnh.
Bổ sung các thủ tục đầu tư xây dựng dự án còn thiếu và khâu mấu chốt là phải định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính "tiền sử dụng đất" dự án.
Đặc biệt, cần xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh bổ sung của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án với Nhà nước (nếu có) đảm bảo nguyên tắc không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công, trước hết là đất đai, để các DN biết rõ và thực hiện kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền", ông Châu nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.