Bạn thường hay nghe lời khuyên về những thói quen cần thiết lập để giữ gìn hạnh phúc gia đình nhưng ít nghe hơn về những thói quen cần tránh, có lẽ vì chúng phụ thuộc nhiều vào tính cách cá nhân của mỗi thành viên. Tuy nhiên, theo những chuyên gia tâm lý và kinh nghiệm của những cặp đôi hạnh phúc, có những điểm chung mà mọi cặp vợ chồng đều nên lưu ý.
Giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng là một nghệ thuật. Ảnh minh họa
1. Không "đặt con lên hàng đầu": Điều này có vẻ lạ lùng nhưng một gia đình yên ấm hạnh phúc cần đặt hôn nhân bền vững lên trên hết và hạnh phúc của cha mẹ cũng là hạnh phúc của con. Bạn không nên đặt thời khóa biểu, công việc và trách nhiệm của hai vợ chồng hoàn toàn xoay xung quanh và chỉ có "nội dung" là con.
Việc cha mẹ chú ý tập trung quá nhiều vào con còn khiến trẻ bị áp lực buộc phải học hành quá nhiều hoặc nuông chiều quá mức. Duy trì một gia đình mà mỗi thành viên đều có không gian riêng, cha mẹ duy trì được tình cảm và trẻ phát triển độc lập là điều lành mạnh nhất.
2. Không luôn luôn đòi "công bằng": Chia sẻ công bằng trách nhiệm và công việc trong gia đình là điều cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc. Quá chú ý tiểu tiết và luôn đòi hỏi phải công bằng sẽ khó làm bạn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Bạn sẽ luôn phải tính toán, buồn bực và mâu thuẫn vì cả hai đều là con người chứ không phải máy phân công việc làm. Bạn cần tin tưởng rằng những điều bạn đang làm hiện tại sẽ được đền bù vào sau đó.
3. Không "làm ngơ" nhau: Những cặp vợ chồng hạnh phúc không "làm ngơ" khi người kia muốn lôi kéo sự chú ý của mình. Khi bạn đời nói, họ lắng nghe. Hằng ngày họ vẫn duy trì thói quen chào đón nhau mỗi khi về nhà. Những sự chú tâm nho nhỏ lại có tác dụng duy trì tình cảm rất lớn.
4. Không đùa giỡn quá trớn: Dù hài hước và niềm vui luôn là điều cần thiết, một câu đùa quá mức có thể chuyển thành mỉa mai, châm chọc, gây khó chịu và tổn thương cho người khác. Đặc biệt, với những vấn đề nghiêm túc, bạn không nên đùa giỡn hoặc chuyển chúng thành trò đùa vì điều này dễ đem đến sự phật lòng, hiểu lầm, thậm chí là giận dữ.
5. Không chỉ trích: Chỉ trích bạn đời khác với phê bình hoặc đưa ra lời góp ý vì chỉ trích không hề có thiện chí giải quyết vấn đề mà chỉ là tấn công cá nhân. Người phải nhận lời chỉ trích do đó khó lòng mà tiếp nhận và thay đổi, chỉ gây ra mâu thuẫn, rạn nứt.
6. Không so sánh: Sống trong một cộng đồng, chúng ta rất dễ hay so sánh mình với người khác, đặc biệt là cách sống của gia đình mình với những gia đình khác. Bạn có thể so sánh cách nuôi con của các gia đình, cách "chồng người ta" tặng quà cho vợ... và dần dà, những so sánh ấy làm xáo trộn cuộc sống của chính bạn. Mỗi gia đình được tạo thành bởi tính cách, điều kiện cá nhân của từng thành viên trong nó. Do đó, thay vì so sánh với người khác, bạn nên so sánh chính mình của hôm nay và hôm qua, để có thể tiến bộ và mới mẻ hơn từng ngày.
7. Không quá quấn quýt với con: Không chỉ những đứa trẻ mới cần tình cảm và sự chăm sóc của bạn. Có những người vợ chồng luôn muốn con ở bên mình, ôm ấp và yêu thương nhau, nhưng lại "bỏ rơi" người bạn đời ở bên trong lạnh lẽo.
8. Không quá căng thẳng vì tranh cãi: Hẳn nhiên tranh cãi không phải điều dễ chịu nhưng lại là điều bắt buộc phải xảy ra trong đời sống vợ chồng. Hai con người khác biệt sống cùng nhau sẽ nảy sinh ra những vấn đề và tranh cãi cũng là để tìm cách dung hòa và giải quyết chúng, khi mà hai người đều có thành ý và không quá căng thẳng.
Thảo My (Pháp Luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.