7 người chết tại lễ hội âm nhạc: Bán bóng cười có phạm luật?

Bảo Linh Thứ ba, ngày 18/09/2018 19:30 PM (GMT+7)
Khi tiến hành điều tra vụ việc 7 người chết tại lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây, các lực lượng chức năng đã tìm thấy nhiều bóng cười và một số chất nghi ma túy tại hiện trường. Vậy việc bán, kinh doanh bóng cười tràn lan có vi phạm luật?
Bình luận 0

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc điều hành công ty Luật TNHH Hoàng Sa, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Bóng cười có bơm khí N2O không thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư. Vì vậy, bóng cười không phải là mặt hàng cấm kinh doanh theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây được liệt vào sản phẩm hóa chất thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại Luật hóa chất hiện hành thì để kinh doanh loại sản phẩm hàng hóa này cần phải có “giấy phép con”.

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư: “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”.

img

Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc điều hành công ty Luật TNHH Hoàng Sa, Đoàn luật sư Hà Nội

Bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Đinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên 1 điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái cho người sử dụng.

Nếu vi phạm – tức là kinh doanh mà không có giấy phép kinh doanh thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Mức phạt có thể lên đến 50.000.000 đồng nếu vi phạm điều kiện phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đình chỉ hoạt động kinh doanh, …

Cũng theo luật sư Trọng Giáp, trong lễ hội âm nhạc tại công viên nước Hồ Tây, nếu thực sự có việc bóng cười được bán công khai là kinh doanh hoá chất thuộc danh mục hoá chất hạn chế kinh doanh sản xuất phải đảm bảo các điều kiện hết sức nghiêm ngặt như: Phải xây dựng biện pháp, kế hoach phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất, phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp... theo quy định của Luật đầu tư và Luật hoá chất hiện hành.

img

Hình ảnh tại lễ hội âm nhạc tối 16.9 tại Công viên nước Hồ Tây. Ảnh: Dân Việt

Việc bán bóng cười tuy không bị cấm nhưng nếu bán công khai và tràn lan, và không có giấy phép, không có biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm đối với môi trường và xã hội.

Theo quan điểm của Luật sư, việc xảy ra sự cố tại lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây khiến 7 người thiệt mạng, nhiều người phải nhập viện tuy chưa có kết luận xác minh, điều tra từ phía cơ quan thẩm quyền nhưng đây được xem là sự kiện không thể kiểm soát của Ban tổ chức, cũng như các đơn vị chức năng liên quan.

Bản thân công ty tổ chức sự kiện nếu đã có giấy phép tổ chức biểu diễn, có sự phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh, trật tự và kiểm soát thành viên ra, vào rất khó có thể quy trách nhiệm cho đơn bị này.

Trách nhiệm cần làm rõ ở đây là cần phải xác minh, kết luận xem ai là người bán, cung cấp “bóng cười” hoặc chất kích thích vào để cho các đối tượng sử dụng dẫn đến cái chết. Tuy nhiên đối với cái chết của những nạn nhân trong sự cố trên rất khó để có thể quy trách nhiệm cho cá nhân, hay tổ chức nào.

Vào ngày 16.9, đêm nhạc hội Trip to the Moon diễn ra tại công viên nước Hồ Tây đã có 7 người tử vong và rất nhiều người phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu.

Chiều ngày 17.9, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ 7 người chết tại lễ hội âm nhạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem