70 năm Hiệp định Geneve: Bài học giữ vững độc lập, tự chủ, lợi ích quốc gia dân tộc

V.N Thứ sáu, ngày 19/07/2024 12:29 PM (GMT+7)
Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra thắng lợi to lớn kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, đã trở thành mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bình luận 0
70 năm Hiệp định Geneve: Bài học giữ vững độc lập, tự chủ, lợi ích quốc gia dân tộc- Ảnh 1.

Hội thảo 70 năm Hiệp định Geneve. Ảnh: TP.

Sáng nay 19/7, trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, hôm nay Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “70 năm Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” (21/7/1954 - 21/7/2024).

Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, đại diện gia đình các thành viên Đoàn đàm phán, ký kết và thi hành hiệp định.

Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị, rạng sáng ngày 21/7/1954, ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết. Hội nghị đã họp phiên bế mạc và thông qua "Tuyên bố cuối cùng" về Hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương; từ đây đã mở ra một cục diện mới, buộc Pháp phải rút quân về nước, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương, mở ra giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham gia Hội nghị Geneve đã công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết, 70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên giá trị; với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu, phản ánh sinh động nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật đối ngoại, sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; toả sáng ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. 

Đó là các bài học: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; Giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hếtQuán triệt sâu sắc phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; Phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geneve cho thấy, nguyên tắc bất biến là giữ vững độc lập, tự chủ, kiên trì đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất trọn vẹn; ứng vạn biến là mềm dẻo, linh hoạt về sách lược trong những tình huống cụ thể để giành thắng lợi từng bước, từng bộ phận để đi đến thắng lợi hoàn toàn. 

Việc vận dụng, thực hành sáng tạo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược” của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới chính là biểu hiện sinh động cho đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát, đó là: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường.

70 năm Hiệp định Geneve: Bài học giữ vững độc lập, tự chủ, lợi ích quốc gia dân tộc- Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên BCT, và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm triển lãm ảnh về Hội nghị Geneve. Ảnh: MH.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết,  về đối ngoại, Hội nghị Geneve 1954 là diễn đàn đa phương có sự tham dự, đàm phán trực tiếp của các nước lớn mà lần đầu tiên Việt Nam tham gia. Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định tâm thế, bản lĩnh, trí lực của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến; có ý chí quật cường bảo vệ nền độc lập; thấm đượm tinh hoa văn hoá dân tộc và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng, chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve là một sự kết hợp mẫu mực và điển hình cho sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận chính trị và quân sự, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chuyển hoá những thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi về chính trị, pháp lý và đối ngoại.

Bộ trưởng cho rằng, ngiên cứu về Hội nghị Geneve luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà chính trị, ngoại giao, quân sự và các nhà nghiên cứu lịch sử ở trong nước và ngoài nước trong suốt 70 năm qua. Hội thảo lần này được tổ chức rất kịp thời, thông qua các trao đổi thẳng thắn, khoa học, khách quan để thống nhất nhận thức trong nội bộ ta về vai trò và ý nghĩa của Hiệp định, trên cơ sở đó đề xuất những sáng kiến, bài học về vận dụng kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đối ngoại ngày nay.

Bộ trưởng bày tỏ lòng tri ân sự hy sinh và công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ cách mạng tiền bối đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, sự cống hiến hết mình của các cán bộ tham gia đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem