Như vậy, tính dồn sau 5 tháng đầu năm, so với tháng 12 năm trước CPI cả nước đã tăng 1,88% so với đầu năm, chủ yếu do giá xăng và vật liệu xây dựng, nhà ở tăng mạnh.
So với cùng kỳ 5 năm qua, CPI tháng 5 năm nay có mức tăng cao nhất. Đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số giá đi lên.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, nhóm giao thông, nhà ở và vật liệu có mức tăng cao nhất. Cụ thể, giá xăng tăng 640 đồng mỗi lít, dầu diesel tăng 1.150 đồng vào các ngày 20/4 và ngày 5/5. Điều này dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước, góp phần đẩy CPI chung tăng khoảng 0,21%.
Không chỉ vậy, giá gas cũng tăng 2,44% do các doanh nghiệp tăng 5.000 đồng mỗi bình 12 kg từ đầu tháng 5. Tương tự, giá dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 4,72% do điều chỉnh lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng một tháng lên 1,21 triệu đồng từ 1/5.
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 5 cũng tăng 0,68% và tăng ở hai kỳ đầu của tháng. Nguyên nhân là do trong nước, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã khiến tâm lý lo ngại nguồn cung bị hạn chế trong tương lai đã đẩy giá thu mua lương thực tăng lên. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn sang Trung Quốc và Indonesia nên cũng tác động khiến giá gạo tăng cao.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ lại diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức tăng 1,45% và giảm 0,1%.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2016 cũng đã tăng 1,78% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 1,89% so với cùng kỳ và tăng 1,33% so với cuối năm ngoái. CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,41% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến CPI tăng là việc điều chỉnh giá xăng cũng như nhóm lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.