Theo báo cáo, với mục tiêu cấp nước đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 4,2%, tới nay tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đã đạt từ 62% năm 2005 lên 83% năm 2010. Đây là sự nỗ lực lớn trong chỉ đạo, điều hành cũng như huy động các nguồn lực trong việc triển khai thực hiện.
Nỗ lực hài hoà 2 mục tiêu
Báo cáo của văn phòng cho hay, đã có sự tham gia tích cực và sự thay đổi trong nhận thức của người dân nông thôn trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, nhằm làm giảm tỷ lệ các bệnh tật liên quan đến nước.
Mục tiêu khối lượng năm 2011, sẽ cấp nước thêm cho 1,9 triệu dân; tăng thêm 440.000 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 5.000 công trình công cộng. Ưu tiên những mục tiêu này cho vùng sâu, vùng xa, chú trọng người nghèo.
Tuy nhiên, riêng về mục tiêu vệ sinh (công cộng và hộ gia đình), hiện mới đạt khoảng 60-70% với tốc độ 2%/năm. Bà Hạ Thanh Hằng - Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo cho biết: Việc chưa hoàn thành các mục tiêu vệ sinh chủ yếu là do mới chỉ huy động được và dùng nguồn kinh phí sự nghiệp.
Nguồn kinh phí này hàng năm do T.Ư hỗ trợ chỉ chiếm khoảng 6,6% tổng kinh phí và thực hiện không chỉ riêng cho công tác vệ sinh mà còn sử dụng cho các hoạt động truyền thông, giáo dục, giám sát, đánh giá… Hơn nữa, theo bà Hằng, nhận thức và sự tham gia đóng góp của người dân vùng nông thôn còn hạn chế, coi trọng vấn đề nước sạch hơn vấn đề vệ sinh.
Được biết, hiện mục tiêu cấp nước và vệ sinh trường học, trạm xá, chợ, trụ sở xã cũng chưa đạt được theo Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg. Theo Ban chỉ đạo chương trình, việc thực hiện các mục tiêu này cần phải có sự kết hợp với các nguồn vốn từ các chương trình khác. Tuy nhiên, trước mắt, các chương trình, dự án khác cũng hạn chế về nhân lực, nên mới chỉ tập trung vào các công trình, trụ sở chính.
Tăng cường khâu giám sát
Trong năm 2010, công tác kiểm tra đánh giá tại các địa phương đã được tăng cường thêm một bước. Các đoàn công tác liên bộ, liên ngành đã kiểm tra tại nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh khó khăn. Được biết, Ban chỉ đạo chương trình đã phối hợp với 3 nhà tài trợ tổ chức các đoàn đánh giá thường niên tại 6 tỉnh: Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre và Vĩnh Long.
Nhiều địa phương đã và đang tích cực chỉ đạo đẩy nhanh giám sát, đánh giá, dự kiến đến cuối năm công tác này sẽ hoàn thành 100% khối lượng công việc và kế hoạch. Năm 2010 cũng là năm Ban chỉ đạo chương trình tiếp tục có sự hợp tác tốt với các tổ chức quốc tế như: UNICEF, WB, JICA, DANIDA, AUSAID, Hà Lan và nhiều tổ chức phi chính phủ khác. Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đồng ý hỗ trợ và hiện đang triển khai 6 dự án thí điểm trên địa bàn của 6 tỉnh.
Với những kết quả đạt được trong năm 2010, dự kiến năm 2011 chương trình sẽ đưa mục tiêu tăng lên 3% dân số được tiếp cận nước sạch, 3% nhà dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng chỉ tiêu này lên lần lượt là 86% và 63%; 85% trường học, trạm xá; 74% trụ sở xã và 50% chợ ở nông thôn có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Kon Tum: Đầu tư 479 tỷ đồng cấp nước sạch nông thôn
UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt Quy hoạch vệ sinh môi trường nông thôn và điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh Kon Tum đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện 9.869 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh nông thôn nhằm phục vụ cho 25.763 hộ; thực hiện 51.959 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh và 16.788 công trình xử lý chuồng trại. Tổng mức đầu tư của dự án là 479,127 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2010-2013 ưu tiên thực hiện 166 công trình tại các địa phương vùng sâu, vùng xa…
A So
Nguyễn Hữu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.