Quảng Bình có 112 ca Covid-19 cộng đồng, khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua tích trữ thực phẩm
89 ca nhiễm mới trong ngày, Quảng Bình ra khuyến cáo dừng đổ xô mua tích trữ thực phẩm
Trần Anh
Thứ năm, ngày 26/08/2021 13:00 PM (GMT+7)
Trước thông tin về các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh này đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm gây lo ngại về mất an toàn phòng chống dịch bệnh.
Sáng 26/8, thông tin từ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình, tỉnh này ghi nhận thêm 89 ca mắc Covid-19 mới nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong 2 ngày qua lên con số 112 ca.
Quảng Bình áp dụng thực hiện Chỉ thị 15 đối với toàn tỉnh và thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 đối với toàn bộ địa bàn TP.Đồng Hới, huyện Bố Trạch cùng toàn bộ địa bàn xã Lương Ninh, thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) và toàn bộ xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) trong thời gian 7 ngày kể từ 6h00 ngày 26/8.
Điều đáng lo, trong 2 ngày qua, người dân ở nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Bình tập trung đến các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh này mua các mặt hàng thực phẩm như: Thịt, rau, củ, quả... Nhiều quầy thịt lợn, sạp bán rau củ còn xảy ra tình trạng người dân chen lấn.
Chị Lê Thắm (ở phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Sau khi nghe tin Quảng Bình có nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tôi ra chợ mua lương thực, thực phẩm bỏ vào tủ lạnh để dùng trong nhiều ngày tới, khỏi phải ra đường".
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình khẳng định, người dân không việc gì phải chạy đổ xô đi tích trữ lương thực, thực phẩm vì Quảng Bình có nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, các mặt hàng nông sản vẫn được duy trì sản xuất nên người dân không sợ khan hàng.
Theo ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, để bảo đảm hàng hóa phục vụ người dân, Sở đã làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu…trên địa bàn.
Thông tin báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy lượng hàng hóa thiết yếu tăng 30 đến 70%, sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết bảo đảm đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân. Việc người dân đổ xô đi mua như vậy rất mất an toàn về phòng chống dịch bệnh.
Ghi nhận của Dân Việt tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, nhiều đại lý bán lẻ, cửa hàng bách hóa tổng hợp cũng tăng nguồn hàng dự trữ, qua đó, bảo đảm lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.