Năm 2010, đang là Trưởng phòng kỹ thuật của một công ty công nghệ thông tin nhưng anh Nguyễn Quang Nam (SN 1984), trú tại xóm 7, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) lại quyết định nghỉ việc để về quê nuôi gà cảnh trước sự phản đối của gia đình.
“Khi ấy ai nhìn vào cũng nghĩ công việc tôi ổn định với mức lương cao, hơn nữa, còn được công ty cử sang Úc để tham gia một khóa học CEO. Nhưng bản thân tôi lại thấy công việc đó rất gò bó, không phù hợp với bản thân nên tôi xin nghỉ”, anh Nam cho biết.
Bắt đầu khởi nghiệp, anh Nam đã chọn mang gà tre Tân Châu ra miền Bắc để nuôi với số lượng lớn. (Ảnh: Quang Nam).
Đam mê con gà từ bé, anh Nam nhận thấy trên thế giới đã hình thành ngành công nghiệp gà cảnh từ rất lâu rồi nhưng ở Việt Nam vẫn chưa nhiều người nuôi gà cảnh nên thị trường còn rộng lớn và rất tiềm năng.
Qua thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, anh Nam nhận ra con gà tre Tân Châu là giống gà cảnh bản địa của Việt Nam, nổi bật với bộ lông sặc sỡ, bộ đuôi dài thướt tha, được giới sinh vật cảnh đánh giá rất cao nhưng chỉ được nuôi rộng rãi ở miền Nam. Vì vậy, anh quyết tâm phát triển kinh tế từ việc nuôi gà cảnh, hướng tới việc giới thiệu loại gà bản địa của Việt Nam ra nước ngoài.
“Lúc tôi xin nghỉ việc để nuôi gà, gia đình không ai ủng hộ, bố mẹ thì giận suốt một thời gian dài nên không cung cấp vốn cho. Vì vậy, bằng số tiền khoảng 100 triệu đồng tích cóp được, tôi vay mượn thêm và khởi nghiệp bằng con gà tre Tân Châu”, anh Nam kể.
Đây là giống gà bản địa của Việt Nam được nhiều người yêu thích và tìm mua. (Ảnh: Quang Nam).
Với 100 triệu đồng, anh tiến hành xây dựng chuồng trại hết khoảng 20 triệu đồng. Số tiền còn lại anh đi vào tận Long Xuyên, Cần Thơ để tìm giống, mua bằng được những con gà đẹp về nuôi.
Năm 2010, anh phải bỏ ra số tiền từ 7-8 triệu đồng để mua 1 con gà trống và khoảng 1 triệu đồng/con gà mái. Cứ 3 con gà mái anh Nam lại ghép với 1 con gà trống để tiến hành nhân giống, sinh sản.
Bắt tay vào đưa con gà Tân Châu từ miền Nam ra miền Bắc, anh Nam gặp không ít khó khăn. “Khó khăn nhất là thời tiết. Miền Nam thì ấm áp, quanh năm chỉ có một mùa. Trong khi đó, miền Bắc thì mỗi năm có 4 mùa nên con gà mới mua về sức đề kháng rất kém và dễ bị bệnh”, anh Nam cho biết.
Mỗi con gà có thể có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. (Ảnh: Quang Nam).
Để khắc phục khó khăn, anh Nam tiến hành che chắn chuồng trại thật kín gió vào mùa đông rồi dần dần mỗi lần mở thêm một chút cho gà quen dần với thời tiết, thích nghi với khí hậu miền Bắc.
Dần dần, từ 10 con gà giống, anh Nam đã nhân giống ra đàn gà hơn 50 con rồi nhân lên số lượng khoảng 500 con gà. Nhờ am hiểu về công nghệ thông tin nên việc phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm của anh rất dễ dàng. Ngoài ra, thú chơi gà cảnh trong nước ngày càng phổ biến nên lượng gà trang trại anh xuất bán đến đâu hết đến đó.
Mỗi tháng, trang trại anh xuất bán hàng trăm con gà. Mỗi con gà con có giá từ 200-400.000 đồng, gà trưởng thành dao động từ 1-5 triệu đồng/con. Thậm chí, năm 2014, có người còn trả cho anh số tiền 50 triệu đồng cho 1 con gà mà họ thích.
Hiện tại trang trại anh Nam có khoảng 2.000 con gà tre Tân Châu, trong đó có khoảng 100 con gà bố mẹ. (Ảnh: Quang Nam).
Nhận thấy tiềm năng từ kinh doanh gà cảnh nên ngoài phát triển gà Tân Châu, anh còn nhập thêm hàng chục loại gà cảnh từ nước ngoài về nuôi và nhân giống.
“Nơi nào có thể vận chuyển dễ dàng thì tôi mua gà bố mẹ hoặc gà con về nuôi. Mỗi cặp gà có giá từ vài triệu đồng lên đến 30-40 triệu đồng. Cũng có nước xa quá, không thể vận chuyển gà sống thì tôi phải nhập trứng về rồi tiến hành ấp. Nhiều khi gặp rủi ro trong vấn đề vận chuyển khiến gà bị chết hoặc cả vài chục triệu tiền trứng chỉ ấp được 1-2 con gà”, anh Nam cho hay.
Gà tre Thái Lan được nuôi tại trang trại anh Nam. (Ảnh: Quang Nam).
Gà Mini Cochin. (Ảnh: Quang Nam).
Gà Serena của Malaysia. (Ảnh: Quang Nam).
Gà Phượng Hoàng - Phoenix Onagado Nhật Bản. (Ảnh: Quang Nam).
Gà vảy cá - Sebright. (Ảnh: Quang Nam).
Gà vảy cá. (Ảnh: Quang Nam).
Gà Ba Lan sư tử - Polish. (Ảnh: Quang Nam).
Gà Kỳ Lân
Thế nhưng, đam mê gà cảnh khiến anh không bỏ cuộc mà tiếp tục công cuộc tìm mua và nhân giống. Đến nay, anh Nam đã sở hữu 2 trang trại nuôi gà cảnh quy mô lớn rộng từ 500-700m2 ở Mê Linh (Hà Nội) và Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Mỗi trang trại đều được anh Nam xây dựng thành 4 khu riêng biệt: Khu dành cho gà nhập khẩu; khu nuôi gà bố mẹ; Khu gà con gà nhỡ và khu vực dành cho gà sẵn sàng xuất bán.
Hiện trang trại của anh Nam đang có khoảng 2.000 con gà tre Tân Châu, 50 con gà Kỳ Lân và hàng chục giống gà cảnh nhập khẩu. Anh cũng tạo công ăn việc làm cho từ 3-5 người chuyên chăm sóc gà và phụ trách bán hàng, vận chuyển.
Anh Nam chụp ảnh cùng gia đình người Pháp khi họ đến mua trứng gà tre Tân Châu để mang về nước.
Không chỉ cung cấp gà cảnh cho thị trường khắp miền Bắc, anh Nam còn xuất bán con gà tre Tân Châu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia... Ngoài ra, anh còn bán trứng gà tre cho một số nước không thể vận chuyển gà con với giá 5 USD/quả.
Là người đầu tiên nuôi gà cảnh quy mô lớn tại miền Bắc và đưa gà tre Tân Châu của Việt Nam ra thế giới, anh Nam cho biết, sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng anh có thu nhập từ 70-80 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.