Chia sẻ về hành trình đầu tư BĐS của mình, anh Nguyễn Lâm sinh năm 1987 tại Hà Đông – Hà Nội chia sẻ, anh từng có quãng thời gian làm việc trong khối nhà nước nhưng năm 2017 đã quyết định nghỉ việc sang đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Anh Lâm cho biết khi đưa ra quyết định này, nhiều người trong gia đình phản đối, dù vậy anh vẫn quyết định đi theo con đường riêng của mình.
Chàng trai sinh năm 1987 cũng cho biết chính quãng thời gian làm hành chính trong khối nhà nước những năm trước đây đã cho anh nhiều mối quan hệ với giới đầu tư BĐS trên địa bàn quận Hà Đông nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Trong những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực này, anh đã dành nhiều thời gian để học hỏi thêm những đàn anh đi trước trong việc đánh giá về tiềm năng đầu tư ở mỗi khu vực. Anh bắt đầu với công việc môi giới BĐS hay được nhiều người gọi là “cò đất”, dần dần khi hiểu rõ hơn, anh quyết định xuống tiền đầu tư chờ tăng giá bán lại kiếm lời.
Đất nền trở thành kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn khi có số vốn ít
Anh Lâm chia sẻ bên cạnh những thương vụ đầu tư thắng lớn cả trăm triệu đến cả tỷ đồng thì anh cũng từng trải qua những giai đoạn đầy khó khăn về tài chính. Theo đó năm 2018, Lâm quyết định chơi lớn khi mượn sổ đỏ của bố mẹ, người thân trong gia đình thế chấp ngân hàng vay gần 5 tỷ đồng theo dạng thấu chi để làm vốn đầu tư. Chàng trai sinh năm 1987 cho hay trong thời gian này, chỉ tính riêng lãi suất trả ngân hàng có những thời điểm lên tới 50-60 triệu đồng/tháng khiến anh phải tính toán kỹ những quyết định đầu tư của mình.
Và cũng chính quyết định có phần liều lĩnh vào năm 2018 đó đã tạo ra tiền đề để bản thân anh gặt hái những thành công trong quá trình đầu tư sau này.
Lâm xuống tiền đầu tư đúng thời điểm giá đất nhiều khu vực vùng ven Hà Nội liên tục ghi nhận đà tăng. Do đó, nhiều khoản đầu tư của chàng trai 8X cũng tăng mạnh, có khoản đầu tư tăng từ 2-3 lần.
Để giảm áp lực về tài chính, giữa năm 2019, Lâm đã bán bớt một số tài sản đầu tư của mình để trả hết nợ vay ngân hàng và chỉ giữ lại vốn gốc và số tiền lãi thu được trong 2 năm trước đó để tái đầu tư.
Trong năm 2020 và 2021, dù nhiều lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng BĐS vẫn là kênh đầu tư thu hút nhiều người. Chàng trai sinh năm 1987 cho biết chỉ trong quãng thời gian gần 4 tháng đầu năm 2021, anh và hội nhóm đầu tư của mình đã thu lãi tới gần 2 tỷ đồng khi liên tục xuống tiền đầu tư rồi lại bán ra khi giá đất ở nhiều khu vực tại Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai,… ghi nhận đà tăng mạnh. Sau khi chia theo tỷ lệ góp vốn, người ít được vài trăm triệu, người nhiều lên tới cả tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn cuối năm 2020, giá đất trong khu vực cũng tăng mạnh nên những nhà đầu tư như Lâm cũng có thể kiếm được số lãi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Sau gần 5 năm xuống tiền đầu tư vào BĐS, đến nay Lâm sở hữu gần chục mảnh đất từ dịch vụ đến đất trong khu dân cư với giá thị trường lên tới cả chục tỷ đồng. Trong khi đó, với những lô đất lớn lên tới cả trăm mét vuông, Lâm thường kêu gọi những nhà đầu tư quen biết xuống tiền rồi sau đó chia lô nhỏ bán kiếm lời. Bên cạnh đó, việc đầu tư chung cũng giúp khoản đầu tư bớt rủi ro hơn.
Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư của mình, chàng trai sinh năm 1987 cho biết trước khi xuống tiền đầu tư đều tính toán rất kỹ. Theo đó, có những miếng đất chỉ cần chênh vài chục triệu đồng so với giá mua là có thể bán sang tay ngay để quay vòng vốn. Nhưng cũng có những mảnh đất được giữ lại trong thời gian dài đến 2-3 năm bởi nhận thấy cơ hội sinh lời lớn do có vị trí đẹp.
Từng có kinh nghiệm trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để đầu tư BĐS, Lâm thừa nhận nếu không tính toán kỹ có thể đối mặt với rất nhiều rủi ro. Cách này chỉ có thể áp dụng khi thị trường đang trong xu hướng tăng, nhanh nhạy trong việc xuống tiền và xoay vòng vốn. Trong khi nếu vay mượn quá nhiều để đầu tư BĐS khi thị trường đi xuống hoặc đi ngang có thể khiến nhà đầu tư trở thành con nợ của ngân hàng và có thể buộc phải cắt lỗ để trả nợ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.