9 năm sau vụ 11-9: Mỹ vẫn ám ảnh nỗi lo khủng bố

Thứ bảy, ngày 11/09/2010 07:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 11-9-2001, cả nước Mỹ và thế giới bàng hoàng chứng kiến cảnh hai chiếc máy bay chở khách khổng lồ gầm rú trên bầu trời thành phố New York trước khi đâm sầm vào tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới và sau đó là vụ tấn công khác nhằm vào trụ sở Lầu Năm Góc ở Washington.
Bình luận 0

Khi tòa tháp đôi sụp đổ cũng là lúc niềm tự hào của người dân về một nước Mỹ hùng cường và thịnh vượng tan theo mây khói. Bị tổn thương và giận dữ, Mỹ dốc toàn bộ sức lực vào những chiến dịch truy tìm Bin Laden – kẻ được cho là thủ phạm đứng đằng sau thảm kịch này. 

img
Vụ khủng bố ngày 11-9 vẫn ám ảnh nước Mỹ

Những cuộc đi săn… hụt

Gần một năm sau sự kiện 11-9, tại một khu vực rừng núi hiểm trở ở miền Nam Afghanistan, dân làng thuật lại với giới chức địa phương rằng họ đã trông thấy một toán người mặc trang phục Hồi giáo nhưng có điệu bộ dữ dằn. Tuy nhiên khi lực lượng an ninh đến hiện trường thì nhóm người trên đã biến mất không để lại dấu vết.

Hành tung bí ẩn của họ khiến nhà chức trách Afghanistan nghi ngờ đó là các thành viên của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Nhưng theo tiết lộ của tờ Bưu điện Washington sau này, toán người trên thực ra là một nhóm đặc nhiệm mang mật danh TRODPINT – được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thành lập sau ngày 11-9 và có nhiệm vụ săn lùng, tiêu diệt Bin Laden.

Phạm vi hoạt động của TRODPINT rất rộng lớn và thường xuyên có mặt ở khu tam giác biên giới Afghanistan, Pakistan và Iran. Các thành viên được tuyển dụng của đơn vị này cũng rất đa dạng, gồm những tay súng to cao, râu tóc rậm rạp như người bản xứ, thường đi từng toán 10-12 người và rất dễ hòa nhập với người dân địa phương để tìm tông tích các thủ lĩnh al-Qaeda.

Đến năm 2006, sau nhiều lần sáp nhập các đơn vị đặc nhiệm nhỏ lẻ, CIA đã thành lập một đơn vị hoàn toàn mới có tên “Các đơn vị TRODPINT”, nhằm tăng cường sức mạnh và hiệu quả trong việc truy sát Bin Laden. Mặc dù vậy, những kết quả mà đơn vị này thu được cho đến nay vẫn chỉ dừng ở việc bắt giữ hoặc tiêu diệt một số thủ lĩnh không mấy quan trọng của al-Qaeda, còn nhân vật hàng đầu của mạng lưới này vẫn biệt vô tăm tích.

Không chỉ có TRODPINT, CIA từng thành lập các đơn vị chuyên trách chống khủng bố khác, điển hình là Đơn vị đặc biệt truy lùng Bin Laden (BLIS). BLIS có văn phòng chính không đặt tại trụ sở của CIA ở Langley mà nằm trong một trung tâm huấn luyện của CIA ở ngoại ô thủ đô Washington. BLIS có đầy đủ các bộ phận như phân tích, thu nhận tín hiệu thông tin và hình ảnh từ vệ tinh, máy bay do thám và đặc biệt là một toán hành động có tên gọi "Biệt đội Mansion", gồm nhiều điệp viên CIA và nhân viên tình báo thuộc Lầu Năm Góc chuyên săn lùng Bin Laden khắp nơi trên thế giới.

“Biệt đội Mansion” được chia thành các nhóm hành động nhỏ có tên gọi Alec, gồm 5-7 thành viên, chuyên hoạt động tại các khu vực mà Bin Laden được cho là thường xuất hiện, như những khu vực ở phía Đông châu Phi, vùng vịnh Aden và nhất là tại các quốc gia Nam Á như Pakistan, Afghanistan.

Tuy nhiên cũng giống như TRODPINT, biệt đội của BLIS đến nay vẫn không thu được kết quả nào trong việc tầm nã trùm khủng bố.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn ám ảnh

Trong một cuộc thăm dò mới đây của kênh CNN, có tới 67% số người Mỹ được hỏi cho rằng Chính phủ sẽ không bao giờ bắt được trùm khủng bố al-Qaeda. Nhiều người khác khẳng định họ luôn lo lắng về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và sẵn sàng tâm lý đón nhận một cuộc tấn công khủng bố ngay trong lòng nước Mỹ.

9 năm sau sự kiện 11-9, các tranh cãi chính trị và pháp lý vẫn làm trì hoãn tiến trình xét xử 5 đối tượng chính bị cáo buộc tổ chức vụ khủng bố. Câu hỏi rằng liệu 5 nghi phạm này nên bị truy tố trước tòa án dân sự Mỹ hoặc tòa án quân sự tại căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Guantanamo (Cuba) vẫn chưa được giải quyết. Sự chậm trễ này bị nhiều người Mỹ và phe dân chủ đối lập ở Quốc hội Mỹ xem là “nỗi ô nhục quốc gia”.

Như vậy sau gần một thập kỷ chống khủng bố, người dân Mỹ ngày càng mất lòng tin vào Chính phủ cũng như những nỗ lực của Washington trong việc cải thiện hình ảnh nước Mỹ trước thế giới Hồi giáo.

Những hệ lụy của vụ khủng bố ngày 11-9 không chỉ kéo theo 2 cuộc chiến hao người tốn của do Mỹ phát động tại Afghanistan và Iraq, mà còn ngấm ngầm ăn sâu bám rễ vào lòng hận thù chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của một bộ phận người dân Mỹ cho đến tận hôm nay.

Trong những ngày vừa qua, bản tin nóng nhất trên các trang báo thế giới có lẽ chính là tuyên bố mang tính chất quá khích của mục sư người Mỹ Terry Jones, rằng ông ta sẽ châm lửa đốt cuốn kinh Koran linh thiêng của người Hồi giáo. Mục đích mà vị mục sư này muốn thể hiện qua việc đốt kinh Koran là để phản đối thế giới Hồi giáo, mà cụ thể là chống lại việc xây dựng Trung tâm Hồi giáo gần Khu vực số 0 (nơi tòa Tháp đôi bị tấn công) ở thành phố New York.

Tuy nhiên, vào ngày 10-9, dưới sức ép của Chính phủ Mỹ và sự phản đối dữ dội của thế giới Hồi giáo, Terry Jones khẳng định sẽ từ bỏ ý định đốt cuốn kinh nếu dự án xây dựng Trung tâm Hồi giáo được chuyển sang địa điểm khác.

Ý định đốt cuốn kinh Koran của mục sư Jones không đại diện cho tư tưởng của cả nước Mỹ, song vụ việc này một lần nữa nhắc nhở rằng, dù cho đống tro tàn của tòa Tháp đôi đã được khôi phục bằng những dự án xây dựng tòa tháp mới hay đài tưởng niệm, thì đối với một số người Mỹ, nỗi ám ảnh về cuộc tấn công trực diện ngay trong lòng một nước Mỹ siêu cường vẫn còn hiện hữu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem