Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc miền Tây xứ Nghệ, anh Nguyễn Quốc Khánh (tên gọi khác là Ken Nguyễn, sinh năm 1990, trú tại Nghĩa Đàn, Nghệ An) bắt đầu có niềm đam mê tìm tòi về công nghệ thông tin từ những lần cùng bạn bè chơi game hoặc chat yahoo từ những năm học phổ thông.
Để thỏa niềm đam mê máy tính, anh đăng ký thi vào khoa CNTT thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Sau khi thi đỗ, nhờ vào những nỗ lực học tập trong 2 năm đầu, anh được chọn vào chuyên ngành Công nghệ phần mềm – ngành hot nhất của khoa CNTT lúc bấy giờ. Với nỗ lực và cố gắng không ngừng của bản thân, anh luôn tìm tòi làm thật chi tiết, tỉ mỉ để tự lập trình được các đồ án môn học được giao.
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi hoàn thành một đồ án về game, tôi được thầy giáo trưởng bộ môn mời tham gia nhóm nghiên cứu của thầy”, anh Khánh kể.
Trái ngọt đến sớm, cuối năm 2011, nhóm nghiên cứu có anh tham gia đạt giải Nhì (năm đó không có giải Nhất và chỉ có 1 giải Nhì) tại cuộc thi Nhân Tài Đất Việt. Cũng trong năm đó, một đồ án khác của anh là Game “Ai là triệu phú”, phiên bản đầu tiên trên điện thoại Android, cũng thành công vang dội khi được đăng lên chợ ứng dụng của Google, đứng đầu bảng xếp hạng Game miễn phí suốt nhiều tuần.
Anh Khánh chụp ảnh kỷ niệm khi đạt giải Nhì tại cuộc thi Nhân Tài Đất Việt năm 2011.
Tốt nghiệp ĐH năm 2013 với kha khá thành tích trong tay, anh được một tập đoàn lớn ở Việt Nam tuyển thẳng vào vị trí kĩ sư phần mềm ở Hà Nội chỉ sau một vòng phỏng vấn (thông thường là có 3 vòng) với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm làm việc tại Hà Nội, anh Khánh quyết định xin nghỉ việc để vào TP Hồ Chí Minh, làm việc cho một công ty phần mềm lớn khác để có cơ hội phát triển bản thân.
“Tôi luôn ấp ủ được đi nước ngoài, trong khi doanh nghiệp này lại hay có những dự án lớn tại các nước trên thế giới nên khi họ tuyển dụng, tôi vào xin việc ngay. Dù mức lương không cao bằng công ty hiện tại, nhưng đổi lại, tôi sẽ có cơ hội được qua Singapore làm việc trong một thời gian”, anh Khánh cho hay.
Gia nhập công ty mới đầy háo hức, anh cố gắng hết sức thể hiện mình. Tuy nhiên, khi khách hàng từ Singapore qua Việt Nam phỏng vấn để chọn người qua đó làm thì anh lại trượt phỏng vấn và không được chọn. Lý do không phải vì chuyên môn mà do tiếng Anh của anh quá yếu, không giao tiếp được với khách hàng.
Tiếng Anh quá yếu khiến cho anh mất đi nhiều cơ hội nhưng cũng là đòn bẩy để anh nỗ lực hết mình để có được ngày hôm nay.
Mất cơ hội, anh nghỉ công ty hiện tại và sang làm cho một công ty đang nổi ở Việt Nam lúc đó. Công việc tốt hơn, có tương lai phát triển, thu nhập được cải thiện nhưng anh vẫn đau đáu về cơ hội đi nước ngoài để học hỏi và trải nghiệm.
Nhìn bạn bè mình tìm được học bổng đi du học tiến sĩ ở Mỹ nên anh quyết định nghỉ việc tại công ty hiện tại để bắt đầu học tiếng Anh, quyết tâm thực hiện ước mơ đi du học.
Ở tuổi 27, thật không dễ để một người có thể từ bỏ mọi thứ để tập trung vào việc học, mà khi đó lại là học ngoại ngữ. Anh quyết định không ở lại thành phố lớn để học tiếng Anh tại các trung tâm, mà quay về quê mình ở Nghệ An, ở cùng bố mẹ và tự học.
Nhờ sự ủng hộ và hỗ trợ hết mình của bố mẹ, anh Khánh đã có được thành công ngoài mong đợi.
Tết Nguyên Đán 2017, trong khi mọi người nô nức đi chơi, thì anh Khánh bắt đầu đóng cửa tự học tiếng Anh tại nhà. Anh dành 12 giờ/ngày để học đầy đủ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và tập nói mọi lúc mọi nơi. Chăm chỉ học được 1 tháng, anh đang thấy khả năng tiếng Anh của mình được cải thiện đáng kể, thì nhận được một email gửi bởi nhân viên tuyển dụng của tập đoàn Amazon ở Mỹ.
“Họ biết tôi thông qua một mạng xã hội việc làm, khi profile cá nhân của tôi up lên đó từ trước và nói rằng, Amazon sẽ mở một sự kiện tuyển dụng ở Việt Nam để tuyển kĩ sư phần mềm sang làm việc cho trụ sở ở Canada”, anh Khánh cho hay.
Khi đó, đối với anh, Amazon là một tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm, anh không dám mơ là mình sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, là người thích thử thách, lại coi đây là một cơ hội tốt cho anh được kiểm tra sự tiến bộ trong khả năng tiếng Anh của mình nên anh tham gia ứng tuyển.
“Tôi trải qua 3 vòng phỏng vấn, vòng đầu tiên là làm 2 bài toán lập trình qua một trang web họ chia sẻ, trong thời gian 45 phút. Vòng thứ 2 là phỏng vấn điện thoại 30 phút với nhân viên Amazon ở Canada. Nếu như vòng 1 không quá khó với tôi thì vòng hai tôi phải cố gắng vận dụng vốn tiếng Anh của mình và bất ngờ vượt qua được. Họ tiếp tục tài trợ toàn bộ chi phí để tôi vào TP Hồ Chí Minh phỏng vấn trực tiếp ở vòng 3”, anh Khánh chia sẻ.
Vào vòng phỏng vấn trực tiếp, anh Khánh trải qua 4 vòng phỏng vấn nhỏ liên tục với 4 người khác nhau, mỗi vòng khoảng 1 giờ. Trong mỗi vòng, anh phải giải một bài toán lập trình, nhưng không phải trên máy tính mà là viết bằng bút lên bảng trắng. Cùng với đó là nhiều câu hỏi về cách ứng xử trong công việc mà anh đã trải qua trong quá khứ.
Dù chuẩn bị kĩ, nhưng anh vẫn không tự tin là người phỏng vấn có thể hiểu được ý mình nói. Tuy nhiên, vài ngày sau, khi nhận được thông báo trúng tuyển, anh sung sướng và vỡ oà trong hạnh phúc khi nhận được lời đề nghị sang làm tại Vancouver - một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, với mức lương cao hơn cả những gì anh mong đợi. Vị trí của anh là SDE 2 – vị trí dành cho những người đã có kinh nghiệm.
Anh Khánh (ở giữa) chụp ảnh cùng đồng nghiệp đang làm việc tại Amazon.
Sau khi sống và làm việc tại Canada, giữ vị trí kỹ sư phần mềm của Tập đoàn Amazon, anh Khánh đã thành lập một nhóm nhằm chia sẻ kinh nghiệm về quy trình tuyển dụng và một số kiến thức cần có khi tham gia tuyển dụng.
Nhờ đó, khi Amazon tổ chức phỏng vấn ở Thái Lan, 7/8 người bạn của anh cũng đã trúng tuyển. Đây cũng là một tỉ lệ trúng tuyển cao kỉ lục ở Amazon.
Chỉ sau 1 năm làm việc tại Amazon, anh Khánh đã được bình chọn là kỹ sư xuất sắc nhất trong cuộc bình chọn gồm 30 kỹ sư.
Cuối năm 2018, sau một năm làm việc ở Amazon, anh Khánh giành được giải “Best Engineer Award” - kỹ sư xuất sắc nhất trong hơn 30 kĩ sư phần mềm.
Sau 3 năm làm việc ở Amazon, nói về thành công của mình, anh Khánh cho rằng ở bất kỳ công việc nào, chỉ cần mình vạch ra mục tiêu, nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó, cộng thêm một chút may mắn sẽ thành công.
Theo anh Khánh, với nghề kỹ sư phần mềm, các kiến thức nền được học trong chương trình ĐH như môn cấu trúc dữ liệu và thuật toán, các bài tập lớn, đồ án thầy cô giao rất quan trọng vì nó mô tả tình huống thực tiễn áp dụng rất tốt vào thực tế công việc.
“Khi đi làm ở bất kỳ vị trí nào đều phải cố gắng hết sức để làm tốt công việc của mình bởi chỉ có làm thật tốt mới cho mình kinh nghiệm. Và điều quan trọng nhất là phải cố gắng học tiếng Anh để có thể nghe - nói - đọc - viết được, khi ấy mới có thể bay đến bất kỳ ước mơ nào bạn muốn”, anh Khánh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.