Ác mộng buôn bán bào thai ở Chăm Puông (Bài 2): "Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù!"

Lam Anh - Chiên Hoàng Thứ ba, ngày 16/03/2021 10:17 AM (GMT+7)
Rất bất ngờ với câu chuyện của Seo Văn Thuyên, chồng sản phụ vừa mãn nguyệt khai hoa Lư Thị H. Cậu này hiền lành, mặc người ta ầm ĩ phỏng vấn rồi lại đỡ đẻ cho vợ mình, cả mấy tiếng đồng hồ, Thuyên chỉ im lặng lỏn lẻn cười.
Bình luận 0

"Lúc vợ đi bán bào thai, em nỏ biết mô (không biết đâu). Biết em đã mắng và cấm rồi chứ. Nó dụ vợ em đi bán con em. Lúc vợ đi vắng, em gọi không được, không biết tìm đâu. Nó đi một ngày đã về tới thành phố Vinh, hôm sau đã lên tới biên giới Lạng Sơn. Em mà biết thì báo công an bắt nó đi tù chứ", Thuyên nói.

Ác mông mới ở Chăm Puông (Bài 2): Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù! - Ảnh 1.

Seo Văn Thuyên, chồng sản phụ vừa mãn nguyệt khai hoa Lư Thị H.

Bán bào thai để trả khoản nợ 13 triệu đồng

H. chen vào: "Bố em chết lâu rồi. Chẳng nhớ gì về bố nữa. Làm gì có ai giúp đỡ chúng em. Mẹ em thì nợ nần người ta nhiều. Em bán cái thai này để lấy tiền giúp cả mẹ nữa". Mẹ H. đi lấy chồng, đẻ được một đàn con. Bà và ông bố dượng nghèo khó, mới tính kế làm ăn bằng cách nuôi trâu.

Họ vay tiền ngân hàng, mua cặp trâu, song trâu bị bệnh chết. Không có tiền trả, người ta đến đòi nhiều lần. H. và Thuyên cũng mua nhà, nợ người ta 13 triệu đồng, họ đòi và chửi bới ghê quá. Nên H. nghe theo Cụt Văn Nga và nhiều người khác nữa "rót mật vào tai", có thai rồi dự định đi bán kiếm tiền, cứu cha mẹ và cứu chính mình…".

Theo nguồn tin từ Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an: người đưa Lưu Thị H. và hai sản phụ nữ của bản Chăm Puông đi Lạng Sơn chuẩn bị sang Trung Quốc bán bào thai là Cụt Văn Nga (SN 1989), người xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nga và nạn nhân có quan hệ khá thân thiết, cùng là người Khơ Mú ở miền Tây.

Nga quen một phụ nữ Việt Nam làm ăn ở Trung Quốc, mụ này dụ dỗ Nga về đưa chị em đang có thai (sắp sinh nở) sang bên kia biên giới đẻ, bán lại con cho họ. Mỗi phi vụ như vậy, Nga sẽ được khoảng 7.000 Nhân dân tệ, tức là khoảng gần 24 triệu đồng.

Riêng bản Chăm Puông, có 3 thai phụ bị Nga dụ dỗ đưa đi, gồm: Lư Thị H, Lư Thị V (V và H là hai chị em ruột) và Lư Thị Th. Chuyến đi bán bào thai xuyên quốc gia bị bắt giữ tại vùng biên huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn kể trên còn có 1 nạn nhân nữa, ở xã khác. Hiện cơ quan Công an đã khởi tố Cụt Văn Nga vì hành vi đưa người khác xuất cảnh trái phép.

Các đối tượng đã rất tinh vi: bán người thì bị bắt tù, bán trẻ em tội còn nặng nữa, bán nội tạng cũng dính "án hình sự". Họ không dắt người hay bế trẻ em đi bán ở bên kia biên giới.

Họ dụ chị em sang đó, lúc đi một mình và lúc về vẫn một mình. Chỉ khác là cái bào thai trong bụng đã trở thành một đứa trẻ con và "để lại" bên kia, lấy 60 - 80 đến 100 triệu đồng. 

Ác mông mới ở Chăm Puông (Bài 2): Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù! - Ảnh 2.

Anh Lử Khăm Khi - Bí thư chi bộ Chăm Puông trò chuyện với PV Dân Việt

Anh Lử Khăm Khi - Bí thư Chi bộ bản Chăm Puông gọi tôi ra một góc túp lều tre nứa, nói ý nhị. Lúc đó, lũ học trò tiểu học ra chơi, tiếng trống, tiếng hò reo huyên náo. Khăm Si vẫn nói rất nhỏ, tránh để vợ chồng Seo Văn Thuyên nghe tiếng. Vì cùng là người Khơ Mú với nhau. H., Thuyên, cả Cụt Văn Nga đều là người Khơ Mú, họ anh em dây cà dây muống khắp vùng. Chuyện khá tế nhị.

Ngoài Cụt Văn Nga, có nhiều nhân vật còn được nhắc đến nữa. Nói chung, công an Kỳ Sơn còn cắt cử người "đặc trách" như cán bộ dân số, giám sát các thai phụ để tránh việc họ bị dụ dỗ hoặc tự trốn đi bán bào thai.

Thế mà họ còn… trốn thoát. Giờ đây, các đường dây mờ mắt vì lợi nhuận, họ len lỏi vào các gia đình rất tinh vi. Lư Thị H. có người bà con tít dưới Đô Lương. Người này từng sang Trung Quốc làm ăn, lấy chồng, giờ bỏ chồng cũ lấy chồng mới và tha thóa vào con đường môi giới bán bào thai.

Theo Khăm Khi, mỗi phi vụ bán bào thai thành công, sản phụ được nhận 80-100 triệu đồng. H. mua nhà bị nợ tiền, nên kiểu gì cũng trằn truội tìm cách để có tiền bằng được. Họ ít hiểu biết, lại thêm cái nghèo đói nó làm cho người ta bị tha hóa.

Ác mông mới ở Chăm Puông (Bài 2): Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù! - Ảnh 3.

Sau khi đi bán bào thai không thành công, H. về bản, bán nhà và dựng nơi tá túc tạm bợ mới

"Tôi ngần này tuổi, lần đầu tiên nghe thấy chuyện bán bỏ chính bào thai của mình ra nước ngoài. Lại ở chính bản mình, hàng xóm nhà mình. Tôi, dù chết cũng không bao giờ bán đi giọt máu của chính vợ chồng mình như thế. Bà con nghèo, cũng rất đáng thông cảm. Mấy năm vừa rồi hạn hán, cấy hái, hoa màu thất bát cả. Ruộng nương ít, lên rừng làm rẫy thì vi phạm vùng bảo tồn, người ta cấm, sờ vào là bị phạt tiền.

Nhiều người nghèo không biết làm gì để sống. Nhà Lư Thị H. có sổ hộ nghèo cả, song tiền hỗ trợ không có hàng tháng đâu. Chỉ được ưu tiên việc con cái đến trường thôi". 

Đồng chí Bí thư thở dài: "Nghèo và thiếu nhận thức, song tôi vẫn không dám tin người ta có thể đem bào thai của mình đi vượt biên để bán".

Đối thoại trong căn nhà tối với người vừa đi tù về được 9 ngày

Lư Thị V. (SN 1995) là em gái ruột của Lư Thị H. Nhà H. bán để trả nợ, ra ở gá tạm gần trường học, hóa ra lại phong quang mát mẻ và tiện đường giao thông hơn nhà V rất nhiều. V. tá túc trong một căn nhà sàn gỗ cũ kĩ, nước gỗ đen kịt và mủn mọt.

Đường vào, tôi và Khăm Si phải trèo qua các ụ đất cao, nhảy qua các khe suối cạn. Nước không sâu, nhưng chỉ trượt chân một cái thì đủ thứ đồ nghề, thiết bị công nghệ cũng đủ bị khai tử tất. Bí thư Chi bộ bỏ xe máy ở góc bờ rào, dẫn nhà báo đi rất cẩn trọng.

Bước lên đầu sàn nhà, không thấy tiếng chim cu đua gáy lãng mạn như trong "Mưa xuân cho cây tốt tươi, búp chen lá chen cành" - bài dân ca Khơ Mú nổi tiếng mà ông Tô Ngọc Thanh đã sưu tầm.

Bản Khơ Mú này, lại một lần nữa gieo cho tôi sự choáng sốc và lê thê một niềm tuyệt vọng. Tôi cầm tiền vào thăm sức khỏe bà bầu, sau hành trình hơn 400km lái xe. Vậy mà, chưa kịp nói gì. Dẫu có cả Chủ tịch xã và Bí thư Chi bộ bản đi cùng. Vẫn còn sốc ánh sáng từ ngoài khi húc mắt vào căn phòng tối tăm.

Bất ngờ, tôi bị chửi te tua và đòi dắt tay đưa ra khỏi nhà. Cũng quen với cảnh không được chào đón rồi, tôi nhẹ nhàng bảo: "Tôi đã làm gì sai nhỉ? Không lẽ tử tế ngần ấy mà vẫn bị đối xử thế này ư?". Nói rồi, lùi lại thủ thế, nghĩ là có khi họ đánh mình thì cũng phải đỡ thôi.

Ác mộng mới ở Chăm Puông (Bài 2): Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù! - Ảnh 4.

Người phụ nữ bên phải ảnh tự giới thiệu mình là chị gái của chồng Lư Thị V.

Người đàn bà phốp pháp, tuổi chạc ngót 40, da ngăm đen, mặc áo chẽn hở cả eo béo xệ và vòm ngực to thì hở ra thành hõm sâu tối. Vài vết xăm trổ. Có lẽ cô gái không sống ở bản này, tôi tự nhủ. Mặc cổ áo khoét quá sâu và cơ thể hở hang quá mức cần thiết, miệng phì phèo điếu thuốc, người đàn bà vẫn xốc lại, cúi thấp, gào lên yêu cầu chúng tôi đi ra khỏi nhà. "Em của tôi không tiếp các anh, không tiếp là không tiếp". Cô ta tự giới thiệu mình là chị gái của chồng Lư Thị V.

Chắc nói mãi, không thấy chúng tôi sợ hãi hay nể nang, cô gái như người say rượu chợt tỉnh như sáo. "Không bán con nữa. Đừng ai bắt con của nó đi", chị gái chồng Lư Thị V. gào lên. Hình như chị ta nghĩ, bọn tôi vào để bắt đứa trẻ đi theo "hợp đồng" mua bào thai?

Khi thấy chúng tôi có vẻ hiền lành, giống như qua cơn phê thuốc hay phê rượu, người đàn bà không còn quậy phá nữa, mà trở nên đay nghiến: "Em cũng là loại chẳng ra gì. Em vừa đi tù về được chính xác là 9 ngày. Em ăn chơi ở ngoài kia, chuẩn bị đi làm công ty thì bị dính án ma túy rất là oan. 

Có đứa ghen ăn tức ở thả ma túy vào bao thuốc lá mà em vẫn thường cầm theo để hút. Ngày 17/6/2019 em bắt đầu đi tù. Em đi trại 3, ngoài huyện Thanh Chương.

Đi tù về, chứng kiến cảnh cái V. đi bán bào thai, em đau đớn lắm".

Ngày vợ mang bào thai trở về bản là một ngày trọng đại

Trong căn nhà tối tăm, Lư Thị V. đang lặng lẽ chăm con, không trò chuyện, chẳng nhìn ai. Chồng V. thì ngồi câm lặng ở đầu giường. Thấy chúng tôi nhắc kỉ niệm về bạn tôi, cán bộ Rồng Xanh hỗ trợ giải cứu, đưa V về quê, chăm sóc rất tử tế, vợ chồng V. vui hẳn.

Anh chồng dắt chúng tôi ra cái xà nhà đen bóng lớp bồ hóng, ở đó có dòng chữ viết nguệch ngoạc bằng phấn trắng: ngày V trở về từ đường dây đưa phụ nữ ra nước ngoài bán bào thai. Họ coi đó là ngày cực kì trọng đại trong đời mình.

Ác mông mới ở Chăm Puông (Bài 2): Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù! - Ảnh 5.

Chồng Lư Thị V. đang viết chữ lên đòn tay nhà mình để ghi nhớ sự kiện trọng đại

Chồng của V. tự giới thiệu: đứa con đầu mình SN 2010, đứa thứ 2 SN 2012, đứa tiếp theo SN 2014 và đứa thứ 4 vừa sinh nở sau khi vợ "đi bán bào thai" trở về được 1 tháng. "Em không biết ai dụ dỗ vợ em đi bán bào thai. Em muốn vợ chồng yêu thương nhau chứ. Vợ em nó tự đi Trung Quốc bán con, không hỏi ý kiến em gì cả".

Nói được ngần ấy câu, một cách khó khăn nhất, cậu bé thật thà: "Nói chung là em không hiểu được tiếng anh đang nói". Cậu bé nói bằng tiếng Khơ Mú, Bí thư Chi bộ dịch ra tiếng Việt: chúng em quá nghèo. Khi sắp đẻ thằng cu (cái bào thai đang trên đường bán sang Trung Quốc thì được công an đưa về). Vợ chồng em phải đi vay mượn khắp bản để có tiền chăm sóc đứa mới sinh. Giờ chỉ ước gì trả được món nợ 2 triệu đồng ấy thôi.

Lư Thị V. cười ngẩn ngơ, bế con ra đầu sàn nghe chúng tôi nói chuyện. Cứ như em đang nghe nói chuyện về ai đó, chứ không phải vấn đề tày trời do chính Vân gây ra. Khi bị tôi vặn hỏi, V. bảo, em nói được ít, nhưng nghe thì em hiểu hết. "Lúc bị nó dụ dỗ thì em nghe theo. Vì nó nói khéo. Vì lúc đó mình nghèo quá chỉ nghĩ đến tiền, không nghĩ được gì khác. Lúc bị công an bắt ngoài Lạng Sơn thì em sợ. Chưa bao giờ sợ thế. Sợ lắm, giờ thì không bao giờ dám đi bán bào thai nữa".

Ác mộng mới ở Chăm Puông (Bài 2): Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù! - Ảnh 6.

Lư Thị V. cũng vừa sinh nở sau khi đi bán bào thai không thành công

Bán bỏ bào thai, cho thằng bạc tình ấy biết tay

"Em tức thằng người yêu đến phát điên, phải đi viện tâm thần điều trị mà. Em đi bán bỏ cái thai do nó gây ra cho bõ tức", Lư Thị Th. ngái ngủ ôm cái bụng to đùng, nói với tôi bằng cái giọng chậm rãi, thản nhiên. Bên cạnh, dù ầm ĩ cỡ nào, em trai cùng bố khác mẹ của Th., tóc xanh đỏ, nằm ngủ mê mệt sau cơn say rượu bí tỉ. Trong căn bếp đỏ lửa, bố Th. và bà mẹ kế đều ngoài 80 tuổi vẫn ngồi lom dom nhìn xa xăm. Họ câm lặng như những bức tượng đồng đen.

Ông bố và bà mẹ đều lặp đi lặp lại: "Tôi buồn đến mức bỏ không ăn cơm liên tục", "Tôi bảo con, từ giờ đến cuối đời, đừng có bao giờ làm cái việc bán bỏ bào thai, con cái mình dứt ruột sinh thành nữa nhé". "Chồng chết, nó ở ngoài nhà khác nuôi con, giờ nó dại dột đi bán bào thai, tôi lo quá, phải bắt nó vào đây ở với ông bà, để chúng tôi quản lý", bố Thủy, ông Lư Văn Tân, 40 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Công an xã Lượng Minh thở dài.

Đã có 2 con, đứa lớn 12 tuổi, Lư Thị Th. hẩm phận lấy phải gã nghiện ma túy. Anh ta chết, ở vậy nuôi con trong căn nhà vắng đầu bản, bỗng có gã lẻo mỏ đến tán tỉnh. Họ tiếp tục có thai. Hóa ra gã ngày người ngoài huyện, cũng nghiện oặt nốt. Gã bỏ đi lang thang, rồi vào Đà Nẵng kiếm ăn. Giữa lúc đó, có người đến, bảo cái thai là sản phẩm của sự phụ tình, bán nó đi cho khỏi khổ. Nếu đẻ ra con trai, bán được 80 triệu đồng, con gái thì có giá hơn là 90 triệu đồng. Th. đồng ý. Mục đích là để trả thù kẻ "sống không có tình cảm", mục đích nữa là để có cả "núi tiền".

Ác mộng mới ở Chăm Puông (Bài 2): Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù! - Ảnh 7.

Lư Thị Th. đang ở nhà chờ sinh con

Cụt Văn Nga là đối tượng lừa đảo, anh ta dụ Th. ra thị trấn huyện Kỳ Sơn với hắn để đi bán bào thai. Ra đó, Th. lên xe khách, hắn ở lại không đi. Đến Lạng Sơn, hắn cho người gọi vào số điện thoại của V. và đón, đưa vào nhà nghỉ. V. không biết tên người kia. Họ bảo, chụp ảnh gửi zalo cho họ, để sang bên Trung Quốc có người căn cứ vào mặt trong ảnh và đón tiếp. Cứ từng chặng một. Nghe vậy, V. lo lắng lắm. Đột nhiên, công an ập vào, Th. (cùng V, H) đều là nạn nhân nên không bị xử phạt gì.

"Hôm ấy, em bật khóc vì vui. Vì mình đã không thành công trong việc bán bào thai. Chứ dọc đường, dù tự nguyện bán đi cái "cục tức" với kẻ bạc tình trong bụng, em vẫn lén khóc. Vì thương con, thương thân mình. Như con chó cùng cắn giậu", nói xong, Th. khóc nức nở. Hai cụ già cũng dăn deo khuôn mặt rám trứng cuốc vào, ép ra những giọt nước mắt, những hai bàn tay thô ráp vuốt từ trán xuống cằm rồi mắt họ cứ nhắm nghiền câm lặng rất rất lâu…

Tôi tặng quà, chào Th. Và đi như chạy trốn ra khỏi bản, hai cụ già ngồi trong gian bếp đen kịt bồ hóng, dường như vẫn chưa mở mắt ra. Ngoài đường, các cô gái son phấn lẫy lừng đang đốt lửa hú hí cùng đám trai lơ, họ trêu tôi bằng những lời đùa khiêu khích đầy sắc dục…

Ác mông mới ở Chăm Puông (Bài 2): Em bán bào thai để trả nợ và để… trả thù! - Ảnh 8.

Nỗi đau của bố mẹ Lư Thị Th, cụ ông từng làm Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem