Ác mộng buôn bán bào thai ở Chăm Puông: Đã có cơ sở xử lý hình sự hành vi buôn bán bào thai
Hoàng Chiên – Lam Anh
Thứ ba, ngày 06/04/2021 15:29 PM (GMT+7)
Sau phóng sự điều tra dài kì "Ác mộng buôn bán bào thai ở Chăm Puông" đăng trên Dân Việt, phản ánh về việc tái diễn nạn một số chị em ở miền núi Nghệ An có bầu rồi vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
UBND huyện Tương Dương đã ban hành kế hoạch đặc biệt vào cuộc ráo riết nhằm ngăn chặn "tệ nạn" gây sốc này trong giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung quy định "Cấm đầu tư kinh doanh bào thai". Theo Luật Đầu tư (sửa đổi), từ đầu năm 2021, các vi phạm dạng này có thể bị xử lý hình sự hết sức nghiêm khắc.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: Có thể xử lý Hình sự!
"Bản chất là do việc quản lý chính quyền địa phương. Cần tuyên truyền mạnh cho bà con hiểu. Cả hệ thống chính trị gồm Chủ tịch, Bí thứ (xã, huyện) cần vào cuộc, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa.
Công an quản lý thật chặt chẽ, là một thời gian sau sẽ hết cái nạn buôn bán bào thai này. Số người đi bán bào thai không quá nhiều, nạn này không phổ biến như những nạn khác, thành thử ra, theo tôi, các cấp vào cuộc bài bản, quyết liệt là thành công.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung quy định "Cấm đầu tư kinh doanh bào thai". Theo đó, từ đầu năm 2021, các vi phạm dạng này có thể bị xử lý hình sự hết sức nghiêm khắc.
Về mặt luật pháp, đầu năm 2021, Luật Đầu tư đã đưa vấn đề này vào, để theo kịp các diễn biến phức tạp của thực tế.
Trước nay khó xử được, giờ anh nào mà buôn bán bào thai là có tội, xử lí bằng hình sự, vì tất cả cái đó mình đã đưa vào trong Luật rồi.
Thứ 2, là chúng ta cần có biện pháp cảnh báo sớm, không chỉ trong khu vực miền núi tỉnh Nghệ An mà còn trên cả nước, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều hạn chế.
Theo như nhà báo phân tích, đói nghèo, thiếu hiểu biết nó là cái nguồn gốc sâu xa thôi. Chứ bà con cũng chưa đói nghèo đến mức phải bán bào thai đâu. Đời sống khá lên nhiều rồi.
Việc thiếu hiểu biết, lỗi là do chúng ta tuyên truyền không đến đầu đến đũa. Trách nhiệm của mình chưa đến nơi đến chốn, các nhà báo cần phân tích kĩ và thẳng thắn, để tìm ra kẽ hở của chúng ta. Và cùng vào cuộc để chấm dứt "thảm nạn" này.
Tất cả chúng ta đều rất đau lòng trước tình trạng trên, nên mới cần phải nói thẳng. Bây giờ chúng ta đã sửa luật rồi, mình có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự các hành vi buôn bán bào thai rồi.
Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con, thì cần điều tra kĩ các đầu mối "chân rết" của tổ chức cho chị em đi bán bào thai. Không có những kẻ buôn người đó thì làm sao mà chị em ở các thôn xa bản vắng đi sang Trung Quốc bán bào thai được? Lực lượng công an vừa quản lý người dân chặt hơn, vừa thắt chặt "vòng vây" với bọn buôn người. Mọi việc rồi sẽ ổn.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học:
Rõ ràng xung quanh cái câu chuyện buôn bán báo thai mà Dân Việt phản ánh, đã hé lộ cho thấy dường như là một "chiến lược mưu sinh" của những người phụ nữ thuộc nhóm yếu thế, thuộc vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ đây, ta có thể đặt câu hỏi: phải chăng là những giải pháp giảm nghèo ở địa phương chưa phát huy được tác dụng. Hậu quả là các câu chuyện này quá nhẫn tâm đối với phẩm giá của người phụ nữ. Tiếc thay đây lại là những người phụ nữ nằm trong nhóm yếu thế, xét trên hầu hết các bình diện.
Rõ ràng, từ thực tế có thể thấy: vì áp lực về mưu sinh quá lớn, lại thiếu nhận thức nữa, để rồi người ta phải nghe theo những lời đường mật, các chiêu trò dụ dỗ của những kẻ xấu. Mà kẻ xấu ở đây chắc cũng không phải người nước ngoài đâu, người Việt Nam mình cả thôi.
Và thế là câu chuyện tiếp theo xảy đến: rằng, chính sách nhân văn của chúng ta có thật sự thấm được vào đời sống quần chúng cơ sở hay không? Điều này còn phụ thuộc vào cái năng lực truyền tải chính sách của người đứng đầu mỗi địa phương, cũng như mỗi một gia đình, dòng tộc.
Như vậy đây là vấn đề của hệ thống chính trị cơ sở, của các cấp quản lý ở địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Nghệ An:
"Về chức năng, nhiệm vụ bên ngành lao động xã hội (liên quan đến các vụ việc buôn bán bào thai) là hỗ trợ nạn nhân, sau khi có tài liệu xác nhận nạn nhân là nạn nhân bị mua bán. Còn công tác phòng chống, tuyên truyền này, nâng cao ý thức này, xử lý cũng như ngăn ngừa tình trạng bán bào thai này ở phía ngành công an và chính quyền cơ sở.
Đến nay, chúng tôi cũng chưa hỗ trợ được nạn nhân nào về lĩnh vực này. Vì, theo quy định của pháp luật thì họ phải có đơn đề nghị, phải có hồ sơ thì mới được hỗ trợ. Hỗ trợ thứ nhất là hỗ trợ khó khăn ban đầu, khoảng 2 triệu đồng với nạn nhân là người của hộ nghèo.
Còn cái hỗ trợ dạy nghề (sau khi được giải cứu), có quy định các mức và có các đối tượng khác nhau, hỗ trợ mức cao nhất khoảng 6 – 8 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.