Ác mộng những chuyến xe về quê ăn Tết

Văn Công Hùng Thứ hai, ngày 23/01/2017 05:45 AM (GMT+7)
Có 2 chị em ruột học ở Đà Nẵng, không mua được vé xe, ra vẫy xe tải đi nhờ. Nửa đêm đến đoạn vắng, 2 thằng khốn đạp cô chị xuống chở mỗi cô em trên xe, thay nhau hiếp dâm trong đêm đông mù mịt.
Bình luận 0

Chả cao siêu gì, là tôi bàn đến cái chuyện về và đi dịp tết.

Cứ tết là đông, mà mới gần tết cũng đã đông rồi. Còn cả nửa tháng nữa mới tết thì các con đường đã khít khịt, chợ rồi siêu thị cũng đã nhích từng bước rồi, là nói các đô thị ở các tỉnh thành, như Pleiku nơi tôi đang sống chẳng hạn, chứ Hà Nội và TP.HCM thì nó là chuyện muôn thuở rồi. Đến các quán ăn sáng cũng đông, cứ như là ngày thường thì... không ai ăn sáng ấy.

Nói cho công bằng, tết giờ không lo kiếm tiền để “ăn” tết như ngày xưa nữa, mà tết giờ chủ yếu là chơi, đời sống cũng không đến mức chỉ mơ cái bánh chưng miếng thịt mỡ, dưa hành như ngày xưa nữa.

Nhưng cái đoạn về quê ăn tết, rồi tết xong lại đi mới khiếp.

Nhà có điều kiện, như nhà mấy anh bạn tôi có con đang học đại học ở Sài Gòn, thì trước tết cả tháng các bà vợ đảm đang đã thể hiện sự tháo vát của họ bằng cách lo đi mua vé tết, cả chiều đi, chiều về cho con về ăn tết. Mua xong cái vé, nhắn cod vé cho con, thế là mới thở phào, coi như xong đến... 80% tết. Và coi đấy là chiến tích để khoe nhau trong các cuộc cà phê.

Nhưng không phải nhà ai cũng có điều kiện như thế, nhất là anh chị em công nhân, những người lao động tự do, nói chung là những người không có điều kiện, mà những người này đông lắm.

Đấy là những cuộc hành xác thật sự để có thể về quê ăn tết rồi lại trở vào làm việc đúng hạn.

Phần lớn những người di chuyển ấy là dân miền Trung. Và điểm mà tết họ tỏa ra để về và xong tết lại tất tả tụm vào là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Phải gọi đấy thật sự là những cuộc chiến đấu để trở về và để ra đi.

Tất nhiên là ngành giao thông vận tải, năm nào cũng thế, hứa sẽ không để ai đón giao thừa ở bến tàu bến xe. Năm nào đó, tôi còn nhớ, đích thân Giám đốc Sở GTVT Gia Lai đã phải trực tiếp ra bến xe liên tỉnh đêm 30 tết chỉ để can thiệp giúp một người phụ nữ về quê ăn tết. Tất nhiên là phải vận dụng sự hợp lý từ hai phía chứ không phải điều một cái xe để chở mỗi chị này về nhà, dù cũng năm nào đó, giám đốc sở GTVT một thành phố tuyên bố, nếu đêm 30 còn một người khách kẹt ở bến xe ông sẽ điều xe của ông để chở về.

Mà nào đã lên xe là an tâm. Phía trước còn hàng loạt trắc trở. Các xe về đến miền Trung thường là ban đêm. Từ điểm dừng bên đường về nhà có khi còn cả mấy chục cây số. Nhà có điều kiện thì người nhà phi xe trong đêm lạnh giá ra đón. Người không có thì dựa vào đội ngũ xe ôm. Rất nhiều xe ôm nhân dịp này chẹt khách. Ở quê, chả cần biết đầu cua tai nheo thế nào, chả cần biết làm gì, cứ mặc định đi làm miền Nam về là có tiền. Mà có tiền thì phải... san sẻ. Nhiều vụ trấn lột cũng đã xảy ra như thế.

Người Việt đi đâu làm đâu, tết là dịp sum họp. Vừa là về thăm quê, thăm bố mẹ cúng kiếng ông bà, nhưng cũng là dịp xả stress, rời xa cái chật chội ồn ã phố phường, về với thanh bình thoải mái. Nhưng cái hành trình để từ thái cực này tới thái cực kia, quả là, không thể gọi gì hơn, là hành trình hành xác, sự hành xác vừa cay đắng vừa đầy mong manh niềm vui. Lại nhớ, cách đây mấy năm, 2 chị em ruột học ở Đà Nẵng, không mua được vé xe, ra vẫy xe tải đi nhờ. Nửa đêm đến đoạn vắng, 2 thằng khốn đạp cô chị xuống chở mỗi cô em trên xe, thay nhau hãm hiếp trong đêm mù mịt. Tất nhiên, đến giờ, chắc chắn cả 2 thằng khốn ấy vẫn còn ngồi đếm kiến trong tù.

Giá có cách gì đấy, vẫn có tết, vẫn có những chuyến xe ấm áp, an toàn và người về quê ăn tết đúng nghĩa là về quê, về với niềm vui, với sum họp, yêu thương và đầm ấm, với cái tết đúng nghĩa của tết, không vạ vật, không khốn khổ, không chen chúc, không lo đến bạc mặt, đến mất ngủ và đến... sợ cả tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem