ACV báo lãi lớn nhờ lãi tiền gửi ngân hàng, hãng hàng không gồng mình gánh phí

Huyền Anh Thứ năm, ngày 07/05/2020 13:58 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh các hãng hàng không lỗ nghìn tỷ thì Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) nhờ vào khoản lãi của gần 33.000 tỷ tiền gửi ngân hàng vẫn lãi hơn 1.550 tỷ đồng. Lãi khủng, ACV thực hiện miễn, giảm phí cho các doanh nghiệp hàng không nhưng lại không được như kỳ vọng của doanh nghiệp?
Bình luận 0

Được mệnh danh là "vua tiền mặt" trên sàn chứng khoán, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) - chủ quản lý và vận hành nhiều sân bay nhất trong nước mỗi năm thu về hàng trăm nghìn tỷ lãi gửi ngân hàng, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Quý I/2020 cũng không ngoại lệ khi lượng tiền khổng lồ là lợi thế lớn giúp ACV lãi tới hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh ngành hàng không gần như tê liệt vì sự bùng phát của dịch Covid-19.

“Hụt thu” 9 tỷ mỗi ngày, ACV vẫn lãi “khủng” nhờ tiền gửi ngân hàng - Ảnh 1.

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) - chủ quản lý và vận hành nhiều sân bay nhất trong nước mỗi năm thu về hàng trăm nghìn tỷ lãi gửi ngân hàng, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của doanh nghiệp. (ảnh tinhanhchưngkhoan)

"Hụt thu" 9 tỷ mỗi ngày, ACV vẫn lãi "khủng" nhờ tiền gửi ngân hàng

Theo số liệu thống kê từ các báo cáo tài chính, tính tới cuối tháng 3/2020, khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của ACV gần 33.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền tăng 130 tỷ lên gần 479 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng 32.435 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ so với cuối năm 2019.

Khoản tiền này mang về cho ACV gần 540 tỷ đồng tiền lãi trong quý I/2020, tăng 170 tỷ so với cùng kỳ. Bình quân mỗi ngày, ACV thu gần 6 tỷ từ lãi tiền gửi. Lãi tiền gửi trong quý chiếm tới 34% lợi nhuận sau thuế ACV trong quý vừa qua.

“Hụt thu” 9 tỷ mỗi ngày, ACV vẫn lãi “khủng” nhờ tiền gửi ngân hàng - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính quý I/2020 của ACV

Về hoạt động kinh doanh chính của ACV, doanh thu thuần chỉ đạt 3.634 tỷ trong quý I/2020, giảm 18,11% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 800 tỷ đồng. Bình quân, doanh thu của ACV mỗi ngày "hụt" gần 8,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ cung cáp dịch vụ hàng không chiếm tới 78% trong tổng doanh thu của ACV, chủ yều là doanh thu phục vụ hành khách (1.839 tỷ đồng).

Doanh thu cung cấp dịch vụ phi hàng không trong kỳ không những không giảm mà còn tăng từ mức 505 tỷ lên gần 511 tỷ đồng. Trong đó, thuê mặt bằng tăng gần 15%, lên 231,5 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ sử dụng hạ tầng nổi cảng 116 tỷ đồng.

Trong kỳ, giá vốn của doanh nghiệp chỉ giảm 6% trong quý vừa qua khiến lợi nhuận gộp ACV thu về giảm 29%, đạt 1.623 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng thu hẹp còn 44%, so với mức 52% cùng kỳ năm trước.

Do hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, các chi phí ACV phải trả trong kỳ cũng giảm đáng kể, bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cùng giảm 24%.

Lãi trong công ty liên kết và lợi nhuận khác trong kỳ cũng giảm xuống còn lần lượt 44 tỷ và 1,5 tỷ đồng.

Chốt quý, ACV ghi nhận 1.927 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý I/2020. Lợi nhuận sau thuế 1.550 tỷ, giảm 22% so với cùng kỳ.

Mặc dù giảm 22% so với cùng kỳ song số lãi này đã vượt kế hoạch lãi 1.476 tỷ đồng của cả năm nay và ACV vẫn nằm trong Top 10 lợi nhuận ngành của các doanh nghiệp niêm yết.

 Lợi nhuận "khủng" nhưng giảm phí "nhỏ giọt"?

Covid-19 khiến các hãng hàng không Việt đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất lịch sử. Báo cáo sơ bộ từ các hãng hàng không cho biết, mức thiệt hại ban đầu đã lên tới 30.000 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính quý I/2020, Vietnam Airlines lỗ tới 2.600 tỷ đồng, trong khi hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận quý đầu tiên âm lợi nhuận kể từ khi lên sàn.

Doanh thu vận tải hàng không sụt giảm do Covid-19 nhưng các hãng hàng không vẫn phải "gánh" nhiều khoản phí, trong đó có những khoản phí"đắt đỏ" là một trong những nguyên nhân khiến cho các hãng hàng không kiệt quệ nguồn lực.

Theo ước tính sơ bộ của chuyên gia trong ngành, các khoản phí của các hãng hàng không lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chẳng hạn, phí phục vụ tại nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí cất hạ cánh không dưới 2.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, hay phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm...

Ngoài ra, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không, như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối (cute)...

Trong khi đó, là đơn vị cung cấp hạ tầng cho ngành hàng không, và nắm quyền khai thác 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm các cảng hàng không lớn nhất cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, lợi nhuận của ACV liên tục tăng trưởng.

Chỉ sau 5 năm (giai đoạn 2015 – 2019), lợi nhuận của ACV đã tăng trưởng tới 4,7 lần, bình quân mỗi năm tăng trưởng gần 74% về lợi nhuận sau thuế. Kéo theo đó, lợi nhuận lũy kế tính đến cuối tháng 3/2020 của ACV cũng đạt con số "khủng" 9.609 tỷ đồng.

“Hụt thu” 9 tỷ mỗi ngày, ACV vẫn lãi “khủng” nhờ tiền gửi ngân hàng - Ảnh 4.

Tổng hợp báo cáo tài chính của ACV

Lãi lớn, ACV đã quyết định giảm giá các dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không (bao gồm cả hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không nội địa) đang sử dụng các dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV.

Điều đáng nói, ngay từ đầu tháng 2, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh, thế nhưng mãi đến tháng 3 thì ACV mới có động thái này.

7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là: Dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất: giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%.

Dù miễn, giảm giá cho các hãng hàng không nhưng theo nhìn nhận của một số chuyên gia, động thái này của ACV vẫn mang tính hình thức bởi lợi ích mà các hãng hàng không nhận được không đáng kể từ việc ACV giảm giá 7 loại dịch vụ này.

Đơn cử như, phí dẫn tàu bay tuy giảm 50% nhưng theo các hãng hàng không, con số này không tiết kiệm được đáng kể, do phí này thấp và hầu hết máy bay hiện nằm sân do các chuyến bay bị cắt, hủy.

Trong khi đó, các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất chiếm đáng kể trong chi phí của hãng lại giảm "nhỏ giọt" 10%. Hay như phí sân đậu chiếm hàng tỷ đồng mỗi tháng lại không được miễn cho doanh nghiệp.

Ghi nhận tại báo cáo tài chính quý I, ACV đang ghi nhận tăng các khoản phải thu từ các doanh nghiệp hàng không tính đến cuối tháng 3/202. Đơn cử phải thu của Vietjet tăng từ 622 tỷ lên trên 735 tỷ đồng; Vietnam Airlines (700 tỷ đồng); Bamboo Airways (269 tỷ, tăng gấp đôi đầu năm) hay Jetstars Pacific Airlines (167 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem