ACV có bị tuýt còi xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?
Sau khi nghiên cứu, xem xét các phương án đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi tới Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng quốc tế Tân Sơn Nhất để làm rõ nguồn vốn đầu tư.
Cụ thể, sau khi xem xét những đề xuất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương có ý kiến kết luận rõ dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án và đề nghị không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án này.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Theo tìm hiểu của PV, dự án xây dựng nhà ga hành khách (quốc nội) T3 Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ phục vụ khai thác nội địa, vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn góp của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV). Tiến độ xây dựng dự án 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến tiến độ 37 tháng là khó khả thi vì đự án phải thực hiện các công việc: thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng…
Đáng chú ý, hiện nay ACV là công ty cổ phần, bởi từ năm 2013 Bộ GTVT đã đề xuất cổ phần hóa thoái vốn nhà nước tại ACV và đã thực hiện cổ phần hóa năm 2016. Tuy nhiên, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này vẫn chiếm giữ 95,3% vốn điều lệ, phần vốn cổ phần hoá là 4,61% do các cổ đông tư nhân và nước ngoài nắm giữ.
Như vậy, việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án và đề nghị không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án này. Cùng với đó là tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu chiếm tới 95,3% tại ACV khiến cho ACV gặp khó, chẳng khác nào bị “tuýt còi” mất cơ hội đầu tư dự án xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
ACV xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đắt hơn tư nhân?
Được biết, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi tới Bộ GTVT xem xét giải quyết phương án của Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar) đề nghị đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có diện tích xây dựng 55.000m2, vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng, công suất 9,8 triệu khách/năm. Dự án này đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định và đã báo cáo Cục hàng không Việt Nam.
Bản so sánh suất đầu tư của ACV (Saigontimes)
Trong khi đó, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất do ACV đầu tư xây dựng có diện tích 130.000m2, công suất 20 triệu hành khách/năm và tổng vốn đầu tư 10.990 tỉ đồng. Dự án này đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) và Bộ GTVT thẩm định chủ trương, thống nhất đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ định ACV làm chủ đầu tư dự án.
Như vậy, nếu tính theo suất đầu tư bình quân thì dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất do Vietstar đề xuất chỉ có 42 triệu đồng/m2, bằng một nửa so với 84,5 triệu đồng/m2 do ACV xây dựng. Trong trường hợp Vietstar được giao thêm đất để đầu tư đủ công suất 20 triệu khách/năm (Vietstar hiện chỉ có 10 ha ở Tân Sơn Nhất) còn ACV được Bộ GTVT đồng ý giao 16,05 ha để làm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu khách/năm, thì ước tính tổng đầu tư nhà ga T3 của Vietstar chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng, thấp hơn phương án của ACV là 5.990 tỉ đồng.
Không chỉ nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mà các nhà ga do ACV đầu tư xây dựng đều có suất đầu tư cao hơn rất nhiều so với tư nhân xây dựng. Cụ thể, nhà ga quốc tế T2 Đà Nẵng (công trình xã hội hóa đầu tiên trong ngành hàng không) do Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng hàng không nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) làm chủ đầu tư. Nhà ga có suất đầu tư bình quân 73 triệu đồng/m2. Nhà ga quốc tế Cam Ranh do Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) đầu tư, có suất đầu tư bình quân 71 triệu đồng/m2. Ngay cả cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, do điều kiện xây mới hoàn toàn ở nơi có chi phí cao với nhiều hạng mục kèm theo nhà ga thì suất đầu tư bình quân cũng chỉ 84 triệu đồng/m2.
Trước khi đề nghị tới Thủ tướng về đề xuất này, Bộ KH&ĐT đã chỉ ra những “bất hợp lý” về tổng vốn đầu tư dự án do ACV đưa ra là 11.430 tỉ đồng. Sau đó, ACV đã giảm 440 tỉ đồng, xuống còn 10.990 tỉ đồng. Hiện Bộ KH&ĐT đang yêu cầu ACV tiếp tục rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư này.
Những khuyến cáo được nêu ra khi quy mô dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có 9 hạng mục chính, trong đó nhà ga 3 tầng có diện tích 110.000 m2. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, đề xuất diện tích sàn nhà ga T3 của ACV được xác định trên cơ sở áp dụng mức cao nhất của tiêu chuẩn Việt Nam (16 m2/hành khách).
Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT còn cho rằng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án chưa có nội dung phân tích, tính toàn cụ thể các số liệu để đánh giá năng lực thông qua các nhà ga T1, T2 để kiểm chứng thực trạng quả tải và làm rõ sự cần thiết của dự án.
Một điểm đáng chú ý khác nữa là Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cũng từng đưa ra bản so sánh chi phí xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất do ACV đầu tư so với nhà ga sân bay quốc tế Vân Đồn thì chi phí xây dựng một số hạng mục của nhà ga T3 có đơn giá cao hơn rất nhiều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.