Khó vì thiếu vốn
Cả nước hiện có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) và đã hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng CNC như Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Hậu Giang... Những mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được xem là tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại TP.HCM, Bắc Ninh, Lâm Đồng; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu; mô hình nuôi cá tra sạch tại ĐBSCL…
Tỉnh Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp CNC. Đến nay, sau 9 năm thực hiện, Lâm Đồng đã có gần 39.000ha cây trồng các loại được ứng dụng CNC, chiếm 15% diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác tăng từ 76,2 triệu đồng năm 2010 lên 122,2 triệu đồng năm 2013 (tăng hơn 7 lần so với năm 2005 - năm đầu thực hiện chương trình). Sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng đã có 114 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế… Thu nhập bình quân đầu người nông dân từ 19,3 triệu đồng năm 2010 lên 38,4 triệu đồng năm 2013…
Hiệu quả kinh tế mang lại đã rõ nhưng thực tế hiện nay, việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC không chỉ riêng Lâm Đồng mà trên cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do các mô hình nông nghiệp CNC, sản xuất quy mô lớn cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn, vượt quá khả năng ngân sách của địa phương, người nông dân. Hiện có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Do quy mô vốn nhỏ nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất, ứng dụng CNC.
Agribank đi đầu...
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xuất phát từ thực tế trên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các mô hình ứng dụng khoa học và CNC trong sản xuất nông nghiệp. Chủ trương này không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao...
Agribank sẽ là ngân hàng chủ lực, đi đầu trong lĩnh vực này. Lãnh đạo Agribank cho biết, đối tượng áp dụng sẽ bao gồm các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; các doanh nghiệp được Bộ NNPTNT cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước, Bộ NNPTNT phê duyệt gắn với các dự án liên kết cụ thể…
Trước mắt, Agribank đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng trị giá hơn 411 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp tỉnh An Giang và 1 doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Mức lãi suất cho vay tối đa: Ngắn hạn là 7%/năm; trung hạn là 10%/năm; dài hạn là 10,5%/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.