Chuyện ông nông dân người Mông biến loài cây "xóa đói, giảm nghèo" thành cây "làm giàu" ở Lào Cai

Mùa Xuân Thứ năm, ngày 22/08/2024 18:19 PM (GMT+7)
Ông Sùng Seo Pao, thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong những nông dân tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương bằng cách trồng chè Shan tuyết, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây ngô, sắn. Từ đây, chè từ cây "xóa đói, giảm nghèo" trở thành cây "làm giàu".
Bình luận 0
Ai cũng phục: Anh nông dân Mông trồng chè, từ cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu ở Lào Cai - Ảnh 1.

Clip: Ông Sùng Seo Pao, thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai thu hoạch chè.

Nông dân người Mông tiên phong trồng chè để xoá nghèo

Đến thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương - vùng đất trước đây chỉ trồng măng vầu, tôi nghe nhiều người bảo: Ở đây có một nông dân cần cù, chịu khó; từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó chính là ông Sùng Seo Pao.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè xanh bạt ngàn từ chân đến đỉnh đồi, ông Sùng Seo Pao kể: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương; cách nơi tôi và gia đình hiện đang sinh sống khoảng hơn 30km. Những năm 1990, tôi cùng gia đình di cư xuống vùng đất Lùng Vai để an cư lạc nghiệp.

Ai cũng phục: Anh nông dân Mông trồng chè, từ cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu ở Lào Cai - Ảnh 2.

Vườn chè xanh bạt ngàn của gia đình ông Sùng Seo Pao, thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

"Trước đây, ở vùng quê cũ khó khăn lắm, đất sản xuất chủ yếu là đất đồi núi dốc, bà con chúng tôi thiếu thốn nước sinh hoạt... nên khó khăn bộn bề.

Sau khi di cư cùng gia đình xuống thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai cũng khó khăn không kém nhưng may mắn hơn là có nước để sinh hoạt hàng ngày. Rồi người dân chúng tôi bắt tay vào khai hoang trồng lúa, trồng ngô, sắn....", ông Sùng Seo Pao nhớ lại.

Sau nhiều năm sống chỉ phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn năng suất thấp, thu nhập bấp bênh, năm 2014, ông Pao cùng nhiều hộ dân trong thôn được cán bộ xã Lùng Vai tuyên truyền, vận động chuyển đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây chè có năng suất, chất lượng cao hơn. Từ đó, gia đình ông Pao đã tiên phong trồng chè, với diện tích khoảng 3ha.

Ai cũng phục: Anh nông dân Mông trồng chè, từ cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu ở Lào Cai - Ảnh 3.

Ông Sùng Seo Pao, thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai thu hoạch chè búp tươi. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Pao, toàn bộ giống chè được Nhà nước hỗ trợ không phải mất tiền mua. Ngoài ra, gia đình ông còn được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc trong những năm đầu tiên. Sau 3 năm trồng và chăm đúng theo quy trình kỹ thuật những búp chè non xanh tươi mập mạp đầu tiên đã cho thu hái. Đây chính là thành quả nhờ sự cố gắng chăm bón vườn chè của ông Pao.

Với 3 ha chè hơn 10 năm tuổi, bây giờ gia đình ông Pao mỗi lần thu hái được khoảng hơn 3 tấn chè búp tươi, bán với giá 6.500 – 7.000 đồng/kg, thu về gần 20 triệu đồng/lần hái. 

Nếu như một lần hái ông Pao thu được hơn 3 tấn chè búp tươi thì mỗi năm gia đình ông Pao thu được 9 lứa chè, cả mùa vụ thu về gần 30 tấn chè búp tươi; lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

"Bây giờ gia đình tôi chỉ trồng ít cây ngô để lấy thức ăn nuôi con gà, con lợn; còn chè đã cho thu hoạch chính rồi. Trồng chè không tốn nhiều công sức, sau mỗi lần thu hoạch, gia đình tôi chỉ cần đốn tỉa, bón phân rồi chờ đến chu kỳ thu hoạch mới.

Cây chè đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện và phấn đấu đạt danh hiệu ở cấp cao hơn. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương nhiều lắm", ông Sùng Seo Pao xúc động nói.

Ai cũng phục: Anh nông dân Mông trồng chè, từ cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu ở Lào Cai - Ảnh 4.

Những búp chè xanh mập mạp nhô lên đón ánh nắng vàng. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Pao không chỉ gương mẫu trong việc tiên phong trồng chè mà còn tuyên truyền, vận động bà con trong thôn cùng trồng để mở ra hướng thoát nghèo. 

Cũng từ mô hình trồng chè thành công của gia đình ông Pao, được nhiều người dân ở các thôn, xã khác đến đây học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thu hái chè...

Tấm gương tiêu biểu trồng chè cho hội viên nông dân học tập, noi theo

Học và làm theo ông Pao, anh Giàng Seo Giả, thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương (Lào Cai) bảo: Gia đình tôi cũng như các hộ dân trong thôn được Nhà nước hỗ trợ giống chè Shan Tuyết để trồng. Đồng thời, tôi còn được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của những hộ trồng chè trước nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Khi diện tích chè cho thu hoạch thì lúc nào trong tay cũng có tiền. 

Ai cũng phục: Anh nông dân Mông trồng chè, từ cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu ở Lào Cai - Ảnh 5.

Cán bộ Hội Nông dân xã Lùng Vai hướng dẫn ông Pao hái chè đúng cách. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Trần Xuân Việt, Chủ tich Hội Nông dân xã Lùng Vai cho biết: Hội viên nông dân Sùng Seo Pao là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở xã. Chúng tôi lấy gương ông Pao để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân của xã học tập và làm theo.

Từ cách làm này, đến nay, thôn Cốc Lầy đã có trên 70 hội viên nông dân chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng chè Shan tuyết, với diện tích gần 100ha.

Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng trong việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng của hội viên nông dân thôn Cốc Lầy nói riêng và xã Lùng Vai nói chung.

Ai cũng phục: Anh nông dân Mông trồng chè, từ cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu ở Lào Cai - Ảnh 6.

Từ mô hình trồng chè đầu tiên của gia đình ông Sùng Seo Pao đến nay trong thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai đã có diện tích gần 100 ha chè. Ảnh: Mùa Xuân.

Đứng trên ngọn núi cao nhìn xuống thôn Cốc Lầy đẹp như bức tranh, với màu xanh bạt ngàn của núi rừng với các loại cây chè, quế, chuối…

Thôn Cốc Lầy nép mình bên những sườn đồi, thơ mộng. Những ngôi nhà xây kiên cố, mái tôn xanh, đỏ mọc lên san sát của đồng bào các dân tộc Mông, Dao nơi biên cương này ẩn hiện trong làn sương mờ trắng của sáng sớm.

Đó chính là minh chứng về sự đổi thay ở vùng đất biên cương nơi đây; trong đó, có những đóng góp không nhỏ của hội viên nông dân Sùng Seo Pao - người đã tiên phong trồng chè vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem