Sáng 7/12/1941, khoảng 350 chiến đấu cơ Nhật Bản bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng, căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ quần đảo Hawaii. Cuộc tấn công khiến 2.403 người thiệt mạng và 19 tàu chiến bị phá hủy, trong đó thiết giáp hạm USS Arizona bị phá hủy hoàn toàn.
Trân Châu Cảng được xem là trận đánh thay đổi lịch sử Mỹ và Thế chiến II và sử gia Craig Nelson cho rằng trong trận chiến này có vai trò không nhỏ của thiếu tá Morio Tomura, sĩ quan phụ trách Phòng điện báo Tokyo, theo Popular Mechanics.
Trước khi trận chiến Trân Châu Cảng nổ ra, Mỹ và Nhật đã có nhiều cuộc đàm phán hòa bình nhằm tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai nước. Phương tiện liên lạc chủ yếu và hiệu quả nhất giữa Washington và Tokyo trong thời gian này là các bức điện báo vô tuyến. Những bức điện này trước khi đến được tay Nhật hoàng sẽ phải qua Phòng điện báo Tokyo của thiếu tá Tomura.
Ngày 6/12/1941, Tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin D. Roosevelt gửi một bức điện báo cho Thiên hoàng Hirohito, kêu gọi hai nước xây dựng quan hệ hữu nghị và hòa bình lâu dài. Đây được coi là thông điệp hòa giải quan trọng, thể hiện thiện chí của Mỹ nhằm tránh chiến tranh với Nhật.
Tuy nhiên, thiếu tá Tomura đã cố tình trì hoãn và chỉ mang bức điện tới Cung điện Hoàng gia sau 10 tiếng, bởi ông này cho rằng chiến tranh là vận mệnh không thể tránh khỏi với nước Nhật.
Khi bức điện được Tomura đưa đến nơi, chính phủ Nhật đã soạn xong tuyên bố kết thúc đàm phán và tuyên chiến với Mỹ. Họ yêu cầu Tomura gửi bức điện thể hiện tuyên bố này đến Mỹ khoảng 30 phút trước cuộc tấn công, nhằm thể hiện tinh thần mã thượng và võ sĩ đạo của người Nhật.
Tuy nhiên, thiếu tá Tomura lại một lần nữa cố tình trì hoãn và chỉ gửi bức điện cho người Mỹ khoảng hai giờ sau trận tập kích Trân Châu Cảng, khiến Mỹ coi vụ tấn công là hành động đánh lén đê hèn và tuyên chiến với Nhật.
"Có thể nói toàn bộ những sự kiện xảy ra ngày hôm đó đều do thiếu tá Tomura gây ra", sử gia Nelson nhận xét. Ông cũng cho rằng ngoài hành động cố ý của Tomura, những hiểu lầm trước đó của Mỹ và Nhật trên bàn đàm phán cũng khiến họ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh.
Trước trận tập kích Trân Châu Cảng, Mỹ coi Nhật Bản là đối thủ giống Đức Quốc xã, do chủ nghĩa quân phiệt của Nhật khá tương đồng với tư tưởng phát xít. Tuy nhiên, họ không biết chính trường Nhật Bản rối ren đến mức chính quyền thay đổi 15 lần chỉ trong 14 năm.
Từng có thời điểm Washington có thể đàm phán hòa bình với Tokyo, khi đó sắp nằm trong quyền kiểm soát của Fumimaro Konoe, thủ tướng dân sự cuối cùng của đế quốc Nhật. Nhận định sai lầm về chính trường Nhật Bản của Mỹ chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới xung đột không thể tránh khỏi giữa hai quốc gia.
Về phía Nhật, không phải quan chức cấp cao nào trong chính quyền nước này cũng ủng hộ giải pháp đối đầu quân sự với Mỹ, trong đó có cả đô đốc Isokoru Yamamoto, tư lệnh hải quân Nhật và cũng là người lên kế hoạch tập kích Trân Châu Cảng.
"Ông ấy đã cảnh báo cuộc tấn công như vậy sẽ đánh thức con rồng đang ngủ say, khiến Nhật khó có hy vọng giành chiến thắng. Tuy nhiên, ý kiến của ông ấy đã bị phớt lờ", Keith Huxen, giám đốc nghiên cứu và lịch sử ở Bảo tàng Quốc gia Thế chiến II của Mỹ, cho biết. Nhận định của đô đốc Yamamoto được chứng minh là chính xác, khi Mỹ bắt đầu tham chiến và giành lại lợi thế từ đối phương.
Trận tập kích Trân Châu Cảng của Nhật không chỉ khiến 2.403 người chết và hơn 1.100 người bị thương. Nhiều người sống sót sau trận đánh đã bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD), chứng rối loạn tâm lý chưa được biết đến khi đó.
Theo một báo cáo năm 1989, 65% người thoát chết vẫn mắc chứng PTSD trong hàng chục năm sau vụ tập kích Trân Châu Cảng. 25% trong số này tiết lộ những thứ bình thường như tiếng động cơ cũng khiến họ giật mình và hồi tưởng lại sự kiện bi thảm này.
Sterling Cale, dược sĩ hải quân trên thiết giáp hạm USS Arizona, là một trường hợp điển hình của di chứng tâm lý sau vụ Trân Châu Cảng. Ông đã nhảy xuống biển và cứu hàng chục đồng đội khi máy bay Nhật bắt đầu cuộc tấn công. Tàu Arizona nổ tung không lâu sau đó, khi Cale vẫn đang giải cứu những người dưới biển.
6 năm sau, khi Cale và gia đình đi nghỉ ở biển, một cơn sóng bất ngờ kéo con trai hai tuổi của ông ra khơi. Cale nhảy xuống biển để cứu con, nhưng ngay lập tức bị hoảng loạn và cứng đờ người. Chú chó của gia đình đã kéo đứa bé vào bờ an toàn, nhưng chấn thương tâm lý khiến Cale không bao giờ còn dám lại gần bờ biển nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.