Lý Nam Đế tên húy là Lý Bí hoặc Lý Bôn. Có nhiều giả thiết về quê hương của ông, người cho là Thái Bình, người cho Sơn Tây (Hà Nội), hay Thái Nguyên. Kỷ niệm 1.470 năm khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ, ngày 6/10/2012 tại Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học "Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của vua Lý Nam Đế" với sự tham dự của đông đảo các nhà sử học, nhà khoa học.
Dựa trên cơ sở tư liệu điền dã thực địa ở các vùng xã Tiên Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên), Thái Thụy (Thái Bình), kết hợp với thần tích, truyền thuyết… còn lưu giữ tại các xã Giang Xá, Lưu Xá (Hoài Đức, Hà Nội), các nhà khoa học đưa ra kết luận Lý Nam Đế có quê gốc ở xã Tiên Phong (Thái Nguyên).
Ông là con của một hào trưởng nhưng sớm mồ côi cha mẹ nên được một thiền sư đưa về chùa nuôi dạy. Lý Bí vì thế trở thành người học rộng, hiểu sâu, thiên tư lỗi lạc, có tài văn võ. Ông làm quan dưới thời nhà Lương (triều đình phương Bắc), nhưng bất bình với sự cai trị tàn ác nên bỏ mũ áo, mưu việc dấy binh.
"Vua bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diên (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay) phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo về. Thứ sử Giao châu là Lâm Vũ Hầu Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho vua, rồi chạy về Quảng Châu. Vua ra chiếm giữ châu thành (tức là Long Biên)", Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Năm 542, nhà Lương cho quân sang xâm chiếm, Lý Bí lãnh đạo quân tướng đánh đuổi khiến chúng "10 phần chết đến 6-7 phần, quân tan rã mà về". Năm 543 vua Lâm Ấp (tiền thân của nhà nước Chămpa) đưa quân xâm lấn lãnh thổ, bị quân tướng của Lý Nam Đế đánh tan.
Toàn bộ đất Giao Châu (gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay và một phần đất Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc) đều thuộc quyền kiểm soát của nhà tiền Lý.
"Năm 544, mùa xuân, tháng giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu, đóng đô ở Long Biên, dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội", sách Đại Việt sử ký toàn thư chép. Triều đình nhà Tiền Lý có hai ban văn và võ. Tướng Phạm Tu đứng đầu hàng quan võ, Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn. Triệu Quang Phục (sau này là Triệu Việt Vương) làm Đại tướng dưới thời Lý Nam Đế.
"Lý Bí - Lý Nam Đế là hoàng đế đầu tiên của nước ta. Ông lập một triều đình riêng là sự khẳng định chủ quyền độc lập, bền vững muôn đời của dân tộc ta. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người Việt tự xây dựng cho mình một cơ cấu nhà nước mới theo chế độ tập quyền trung ương", sách 54 vị hoàng đế Việt Nam viết.
Vạn Xuân là quốc hiệu của Việt Nam trong thời kỳ độc lập ngắn ngủi, thoát khỏi chính quyền phương Bắc. Lý Nam Đế đặt tên nước với ý nghĩa mong cho xã tắc thanh bình, dân tộc độc lập, thịnh vượng và truyền đến muôn đời sau.
Nhà nước Vạn Xuân tồn tại trong 58 năm, dưới sự trị vì của 3 vua là Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương và Lý Phật Tử (họ hàng của Lý Nam Đế).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 545 nhà Lương cho Dương Thiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, đem quân sang xâm chiếm. Lý Nam Đế đem 30.000 quân ra chống cự, nhưng bị thua ở nhiều trận địa nên phải chạy về Gia Ninh (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay). Quân của Trần Bá Tiên tiếp tục đuổi theo vây đánh và lấy được thành Gia Ninh khoảng nửa năm sau đó. Triều đình tiền Lý phải rời sâu vào vùng núi thuộc đất của người Lạo ở Tân Xương.
"Mùa thu, tháng 8, vua lại đem 20.000 quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày nay), đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Tuy nhiên, nhân dịp nước sông dâng cao tràn vào hồ, Trần Bá Tiên bất ngờ đưa quân đánh úp khiến nhà Lý vỡ trận. Vua lui vào sâu trong động Khuất Lạo (Tam Nông, Phú Thọ) để sửa binh đánh lại. Tại đây Lý Nam Đế bị ốm nặng và qua đời năm 548. Trước đó, ông ủy cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên.
Để tưởng nhớ Lý Nam Đế - người anh hùng dân tộc mở đầu nền độc lập tự chủ của đất nước, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ. Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội. Tại Thái Bình, "Lý Bôn" là đường lớn ở trung tâm thành phố của tỉnh.
Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế sai dựng một ngôi chùa lớn ở phường Yên Hoa (Yên Phụ) lấy tên là Khai Quốc (nghĩa là mở nước). Đây chính là chùa Trấn Quốc nằm ở đảo Cá vàng, thuộc Hồ Tây (Hà Nội) ngày nay.
Với lịch sử gần 1.500 năm, Trấn Quốc được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Dưới thời nhà Lý, Trần, chùa là trung tâm Phật giáo. Sau nhiều lần tu sửa, kiến trúc của chùa vẫn giữ được nét uy nghiêm, cổ kính, thanh bình với điểm nhấn là bảo tháp 11 tầng, mỗi tầng đều có 6 ô cửa hình vòm, trong đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc được xếp vào danh mục di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia (năm 1989).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.